Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sản lượng nhiệt điện than toàn cầu đạt mức kỷ lục, IEA kêu gọi hành động

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong báo cáo thường niên công bố hôm 17-12, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris, Pháp, kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải nhà kính từ than đá trong bối cảnh sản lượng nhiệt điện than toàn cầu được dự báo đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.

Một nhà máy nhiệt điện than ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AP

Báo cáo của IEA cho biết sản lượng nhiệt điện than trên toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 9% trong năm 2021, lên mức cao nhất lịch sử, 10.350 terawatt giờ (TWh) sau khi giảm trong hai năm trước đó.

Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol nói: “Than là nguồn phát thải khí carbon lớn nhất toàn cầu, và mức độ sản xuất điện than cao lịch sử trong năm nay là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy thế giới bị bỏ xa như thế nào trong các nỗ lực giảm phát thải về mức zero ròng”.

Ông nhấn mạnh nếu các chính phủ không đưa ra các hành động mạnh mẽ và khẩn cấp để hạn chế khí thải carbon từ than, thế giới sẽ còn rất ít cơ hội để hạn chế nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C so với với thời kỳ tiền công nghiệp.

Sự trỗi dậy trở lại của nhiệt điện than cho thấy những khó khăn mà các chính phủ phải đối mặt khi cố gắng chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng sạch hơn. Ngay cả khi các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời đang phát triển nhanh chóng, chúng vẫn chưa thể bắt kịp với nhu cầu điện và năng lượng ngày càng tăng, giúp các nhiên liệu hóa thạch còn nhiều khoảng trống để lấp vào.

IEA cho biết nhu cầu kỷ lục về than trong sản xuất điện được thúc đẩy khi đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới sau cao trào của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu điện vượt xa năng lực đáp ứng của năng lượng tái tạo và năng lượng carbon thấp.

Giá khí đốt tự nhiên tăng lên mức kỷ lục trong năm nay cũng góp phần làm tăng nhu cầu than vì các công ty điện lực ưu tiên đốt than sản xuất điện để giảm chí phí và tăng lợi nhuận.

IEA ước tính nhu cầu than tổng thể trên toàn cầu, bao gồm cả việc sử dụng than trong hoạt động sản xuất thép, xi măng và các hoạt động công nghiệp khác, tăng khoảng 6% vào năm 2021, lên mức hơn 8 tỉ tấn. Điều đó khiến nhu cầu than sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 và duy trì ở mức cao đó trong hai năm tiếp theo.

Báo cáo của IEA cho biết: “Xu hướng than toàn cầu sẽ được định hình phần lớn bởi Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đang chiếm 2/3 lượng tiêu thụ than toàn cầu, bất chấp những nỗ lực của họ nhằm tăng sản lượng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng carbon thấp khác”.

IEA ước tính nhu cầu than của Trung Quốc và Ấn Độ tăng lần lượt 9% và 12% trong năm nay và đạt các mức cao kỷ lục. Tại hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Ireland hồi tháng trước, sự can thiệp vào phút chót của Ấn Độ và Trung Quốc đã làm suy yếu nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt trợ cấp đối với nhiệt điện than và các nhiên liệu hóa thạch.

IEA cho biết ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường than là rất lớn vì hoạt động sản xuất điện của nước này chiếm đến 1/3 lượng than tiêu thụ toàn cầu. Giá than tăng vọt trong năm nay, mang lại các mức lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất lớn như Glencore, Thungela Resources và Whitehaven.

Giá than nhiệt lượng cao của Úc, mức giá tiêu chuẩn cho thị trường châu Á, tăng lên mức cao kỷ lục, hơn 250 đô la Mỹ/tấn hồi tháng 10 nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, nơi hoạt động khai thác than không đáp ứng kịp nhu cầu do các quy định mới về an toàn khiến nhiều mỏ than phải đóng cửa. Đối mặt với tình trạng thiếu điện và mất điện, giới chức trách ở Bắc Kinh sau đó đã ra lệnh cho ngành công nghiệp than trong nước “dốc toàn lực” để tăng sản lượng. Động thái đó đã đẩy giá than nhiệt lượng cao của Úc giảm về mức 150 đô la/tấn, nhưng vẫn cao hơn mức giá trung bình trong 5 năm qua.

Dù thất vọng trước thông tin sản lượng nhiệt điện than thiết lập mức cao kỷ lục trong năm nay, nhà phân tích Dave Jones của Ember, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn khí hậu và năng lượng, có trụ sở ở London, cho biết nhu cầu than sẽ sớm giảm trong những năm tới.

Ông nói: “Trung Quốc đã cam kết giảm dần tiêu thụ than từ năm 2025, trong khi đó, Ấn Độ đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về phát triển năng lượng tái tạo. Vì vậy, nhu cầu than rồi sẽ giảm”.

Theo Financial Times

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới