(KTSG) - “Việc triển khai chính sách quản lý thuế thông qua tổ chức trung gian là sàn thương mại điện tử là một lựa chọn hợp lý và cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Dù vậy, vẫn có một vài vấn đề cần xem xét thấu đáo”, ông Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đại lý thuế TPM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
- Sàn thương mại điện tử Trung Quốc không còn tập trung bán giá siêu rẻ
- Nghịch lý 5% của sàn thương mại điện tử
Vì sao là sàn thương mại điện tử?
KTSG: Dự thảo Luật Quản lý Thuế sửa đổi đã đưa ra biện pháp quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), theo đó, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) hoặc các tổ chức khác có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Ông bình luận như thế nào về sửa đổi này? Theo ông, liệu hướng sửa đổi này có phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển của TMĐT Việt Nam trong thời gian sắp tới?
- Ông Nguyễn Ngọc Tịnh: Tại Việt Nam, TMĐT ngày càng phát triển, trở thành lựa chọn tất yếu của các chủ thể kinh doanh thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực ứng dụng công nghệ hoặc có thể áp dụng mua bán hàng hóa qua mạng Internet. Chuỗi cung ứng hàng hóa theo phương thức TMĐT gồm: 1) nhà sản xuất, nhà phân phối; 2) sàn TMĐT; 3) các dịch vụ liên quan tới chuỗi cung ứng như doanh nghiệp logistics; 4) các đơn vị thanh toán trung gian như ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử hoặc ngân hàng thương mại; 5) khách hàng là người thụ hưởng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng.
Theo nguyên tắc, người sản xuất - kinh doanh, người phân phối hàng hóa, dịch vụ phải chịu trách nhiệm xuất hóa đơn, kê khai và nộp thuế vào ngân sách nhà nước khi bán hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, đặc điểm của TMĐT là số lượng đơn hàng giao dịch vô cùng lớn, giá trị đơn hàng nhỏ, địa điểm giao nhận linh hoạt, hộ hay cá nhân kinh doanh có địa điểm kinh doanh không ổn định, đối tượng tham gia mua và bán rất đa dạng. Từ phía người bán, rất nhiều đối tượng không hiểu biết về pháp luật thuế và kế toán, không cập nhật kịp thời các quy định pháp luật thuế dẫn đến không khai báo, hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật. Từ phía cơ quan quản lý thuế, khâu kiểm soát về xuất hóa đơn, thu thuế kịp thời, minh bạch, rõ ràng, công khai cũng hết sức khó khăn.
Sàn TMĐT là đối tượng có đầy đủ thông tin về sự luân chuyển hàng hóa, dịch vụ từ người sản xuất - kinh doanh, phân phối tới việc vận chuyển, đổi trả hàng. Chính vì thế trong Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đang chọn chủ thể có nhiều lợi thế nhất về dữ liệu hàng hóa, dịch vụ là sàn TMĐT để thực hiện việc kê khai, nộp thuế.
Tuy nhiên, trong chuỗi cung ứng TMĐT, sàn TMĐT là chủ thể có đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, các điều khoản hợp đồng và điều kiện giao dịch chung trước khi khách hàng tiến hành giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên trang web TMĐT hoặc ứng dụng di động.
Số lượng sàn TMĐT hoạt động ở mỗi quốc gia thường không quá nhiều, thuận tiện cho công tác giám sát, quản lý về thuế. Vì vậy, việc triển khai chính sách quản lý thuế thông qua tổ chức trung gian là sàn TMĐT là một lựa chọn hợp lý và cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại khu vực ASEAN, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng đã triển khai thu thuế thông qua sàn TMĐT.
Việc ràng buộc sàn TMĐT có trách nhiệm trong việc kê khai thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT, để cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối kê khai, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế là phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh TMĐT, đồng thời mở rộng nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
KTSG: Nếu được quy định thành luật, các điều khoản nói trên sẽ có những mâu thuẫn nhất định với quyền lợi của các sàn TMĐT. Trong văn bản góp ý cho dự thảo này, Hiệp hội TMĐT Việt Nam đã bày tỏ sự không đồng tình, lo lắng việc áp dụng quy định sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho sàn TMĐT. Quan điểm của ông như thế nào?
- Công bằng mà nói, trách nhiệm kê khai, nộp thuế chưa hẳn thuộc về sàn TMĐT. Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, trang web TMĐT là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Sàn giao dịch TMĐT là trang web TMĐT cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu trang web có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Như vậy, sàn TMĐT là một cái chợ trên không gian Internet, nơi người bán trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, khách hàng lựa chọn, so sánh và quyết định mua sắm. Trong một số trường hợp, sàn TMĐT xây dựng hệ thống kho bãi, lưu trữ hàng hóa, dịch vụ của các nhà sản xuất - kinh doanh, phân phối hàng hóa trên sàn, để phục vụ yêu cầu nhận hàng nhanh của khách hàng, không có trường hợp nào sàn TMĐT mua toàn bộ sản phẩm được trưng bày để bán lại cả.
Ở các vai trò này, sàn TMĐT không phải là đối tượng sở hữu hàng hóa, dịch vụ, không phải là người thụ hưởng quyền lợi cuối cùng trong chuỗi cung ứng, vì vậy, không có trách nhiệm xuất hóa đơn và kê khai thuế cho các hàng hóa, dịch vụ được giao dịch thông qua sàn.
Theo nguyên tắc quản lý thuế, người sản xuất - kinh doanh, phân phối hàng hóa, dịch vụ là đối tượng có trách nhiệm xuất hóa đơn. Người xuất hóa đơn sẽ kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu triển khai theo Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay, vậy sự liên kết giữa chuyện xuất hóa đơn và kê khai, nộp thuế như thế nào?
Tuy nhiên, về hình thức thanh toán, ngoài việc cá nhân mua hàng có thể trả tiền trực tiếp cho người sản xuất - kinh doanh, phân phối hàng hóa thông qua ví điện tử hoặc tài khoản lập tại các ngân hàng thương mại, việc thanh toán còn được thực hiện theo hình thức COD (cash on delivery - thanh toán khi nhận hàng), nghĩa là, các đơn vị logistics thu tiền hộ chủ sở hữu hàng hóa, dịch vụ. Khoản tiền này không được phía logistics chuyển ngay cho phía chủ sở hữu mà được đưa về tài khoản của sàn TMĐT, và tùy theo các chính sách đổi trả, giảm giá, hậu mãi..., sàn TMĐT sẽ chuyển lại cho chủ sở hữu hàng hóa, dịch vụ sau một khoảng thời gian được hai bên thỏa thuận.
Chúng ta thấy, dù sàn TMĐT không sở hữu hàng hóa, dịch vụ nhưng được đồng kiểm soát vấn đề thanh toán hoặc nắm giữ khoản tiền thanh toán cho đơn hàng, trước khi chuyển lại cho chủ sở hữu. Tôi xin nhắc lại, sàn TMĐT cũng là đối tượng có đầy đủ thông tin về sự luân chuyển hàng hóa, dịch vụ từ người sản xuất - kinh doanh, phân phối tới việc vận chuyển, đổi trả hàng. Chính vì thế trong Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đang chọn chủ thể có nhiều lợi thế nhất về dữ liệu hàng hóa, dịch vụ là sàn TMĐT để thực hiện việc kê khai, nộp thuế.
Dù vậy, vẫn có một vài vấn đề cần xem xét thấu đáo.
Thứ nhất, về việc xuất hóa đơn, theo nguyên tắc quản lý thuế, người sản xuất - kinh doanh, phân phối hàng hóa, dịch vụ là đối tượng có trách nhiệm xuất hóa đơn. Người xuất hóa đơn sẽ kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu triển khai theo Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay, vậy sự liên kết giữa chuyện xuất hóa đơn và kê khai, nộp thuế như thế nào?
Thứ hai, về thời điểm xuất hóa đơn, hiện tại, theo quy định của Bộ Tài chính, đây là thời điểm bên bán chuyển giao hàng hóa, dịch vụ cho bên mua và bên bán đã nhận được quyền lợi đầy đủ thông qua việc thu tiền. Nếu người mua có đổi trả, hoặc có xảy ra tình huống giảm giá do hàng hóa hư hỏng hoặc kém chất lượng, các hoạt động phát sinh này được hạch toán vào khoản giảm trừ doanh thu.
Vấn đề nằm ở chỗ, như đã nói, TMĐT thực hiện giao dịch với số lượng rất lớn và thường là giá trị nhỏ. Nếu vận dụng nguyên tắc như thương mại truyền thống, việc thống kê, tính toán về doanh thu, thuế sẽ rất vất vả. Bên cạnh đó cũng cần quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của bên khai thay, nộp thay ở đây là các sàn TMĐT trong trường hợp cơ quan thuế xác định thiếu thuế, hoặc có các phát hiện khác qua quá trình thanh tra, kiểm tra về sau.
Nếu muốn xây dựng cơ sở dữ liệu trong kinh doanh TMĐT
KTSG: Dự thảo Luật Quản lý Thuế sửa đổi yêu cầu sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, các ngân hàng thương mại với Bộ Tài chính trong xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin, kết nối nhằm chia sẻ dữ liệu liên quan đến các đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT để phục vụ công tác quản lý thuế. Quy định này có ý nghĩa như thế nào, xin ông phân tích cụ thể?
- Đặc điểm của chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thông qua TMĐT là mỗi chủ thể tham gia chuỗi đều sở hữu một hàm lượng thông tin. Thông tin giữa các chủ thể thống nhất, xuyên suốt thì mới phản ánh đúng bản chất chuỗi cung ứng. Bên cung ứng công bố về hàng hóa, dịch vụ với các thông tin chi tiết như mẫu mã, màu sắc, số lượng, giá cả... Dữ liệu của khâu này sẽ được bên cung ứng và sàn TMĐT lưu trữ và phải trùng khớp với nhau.
Khi xuất hiện giao dịch, sàn TMĐT sẽ giao sản phẩm cho đơn vị logistics để giao tới khách hàng, phía giao hàng thu tiền hộ theo hình thức COD hoặc việc thanh toán thực hiện qua ví điện tử hay ngân hàng thương mại. Dữ liệu của quá trình này sẽ được người mua, nhà cung ứng, sàn TMĐT, doanh nghiệp logistics và đơn vị hỗ trợ việc thanh toán ghi nhận, lưu trữ. Nếu xảy ra việc đổi trả sản phẩm, quá trình lặp lại tương tự và ghi nhận việc hoàn trả tiền thông qua đơn vị trung gian thanh toán.
Ngành thuế cần những dữ liệu này để xác minh chuỗi cung ứng vận hành đúng và việc thu thuế diễn ra công bằng, minh bạch. Họ cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để nắm được những dữ liệu này.
Trong trường hợp thông tin do các chủ thể nắm giữ không thống nhất, chẳng hạn, xuất hiện giao dịch nhưng không phát sinh khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, rõ ràng, đã xảy ra sai sót, có nguy cơ có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có pháp luật về thuế. Việc nắm giữ các dữ liệu liên quan tới chuỗi cung ứng sẽ giúp xác định vi phạm xảy ra ở khâu nào để các cơ quan quản lý có biện pháp xử lý thích hợp.
KTSG: Để xây dựng cơ sở dữ liệu này, theo ông, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
- Sàn TMĐT đang sở hữu hàm lượng thông tin đầy đủ nhất, thể hiện chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ qua TMĐT. Họ là người tiếp nhận thông tin các thương nhân, các nhà sản xuất - kinh doanh, phân phối hàng hóa, hợp tác với các đơn vị logistics để tiến hành giao hàng và với các ví điện tử, ngân hàng thương mại để thanh toán. Vậy nên, cần sự phối hợp của sàn TMĐT để họ cung cấp những thông tin này, là cơ sở để liên ngành, liên bộ phối hợp hoàn thiện thông tin về chuỗi mua bán, giao nhận hàng hóa giao dịch qua hình thức TMĐT.
Đây không phải là một việc dễ dàng thực hiện, tuy vậy, nếu cùng nỗ lực và đưa ra những quy định hợp tình, hợp lý, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu này. Một cơ sở dữ liệu đầy đủ như vậy không những giúp cho việc quản lý thuế công bằng, minh bạch mà còn hỗ trợ các lĩnh vực quản lý về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng.