Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất bột giấy từ vật liệu phi gỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất bột giấy từ vật liệu phi gỗ

Hợp đồng ba bên giữa Vinatech, Ohhara và Taisei được ký kết tại siêu thị Công nghệ Vinatech- 79 Trương Định, quận 1 – Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Công ty Vinatech, đơn vị thực hiện chợ công nghệ và thiết bị Vinatech – TPHCM (79 Trương Định, quận 1), vừa ký hợp đồng với Ohhara (Nhật Bản) về việc chuyển giao công nghệ cho phép sản xuất bột giấy từ những vật liệu phi gỗ.

Bên cạnh đó, Vinatech cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp Nhật Bản khác là tập đoàn Taisei – cũng là chủ đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy Tam Hiệp (tỉnh Tây Ninh), nhằm hỗ trợ đầu ra cho các nhà đầu tư trong nước có lắp đặt công nghệ và dây chuyền của Ohhara.

Giám đốc Vinatech Nguyễn Tịnh Hiếu nói rằng hợp đồng ba bên này không chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp cỡ vừa, dây chuyền và công nghệ sản xuất bột giấy hiện đại mà còn giúp bảo vệ môi trường.

“Công nghệ của Ohhara chỉ sử dụng những loại nguyên liệu phi gỗ như rơm rạ, bã mía, cây kenaf, cành nhánh tràm và bạch đàn… Điều này giúp hạn chế nạn phá rừng, đồng thời cho phép người nông dân tận dụng các loại phế phẩm này, không còn phải đốt bỏ gây ô nhiễm không khí như lâu nay”, ông Hiếu giải thích.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam (VPPA), hy vọng rằng công nghệ mới này của Ohhara sẽ giúp Việt Nam khắc phục phần nào việc thiếu nguyên liệu của ngành giấy hiện nay. Theo ông Bảo, năm nay mức tiêu thụ giấy của thị trường nội địa tăng đột biến nên nhu cầu bột giấy cũng đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính vì vậy, vừa qua VPPA và các doanh nghiệp thành viên đã họp đột xuất để giải quyết tình trạng nàyvà cùng thống nhất nâng tổng công suất của ngành từ mức bình quân 100.000 tấn giấy/năm lên 115.000 tấn, nhưng điều này sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận hiệu suất giảm 10%. “Bởi vì các doanh nghiệp giấy sẽ phải vận hành cả những máy móc không phù hợp với nhu cầu, chẳng hạn như giấy làm ra không đúng khổ, phải cắt bỏ phần thừa” ông Bảo nói.  

Được biết dây chuyền sản xuất theo công nghệ của Ohhara có công suất từ 15-30 tấn/ngày, do đó các nhà đầu tư có thể xây dựng những nhà máy quy mô nhỏ rải rác trong vùng nguyên liệu có sẵn.

KINH LUÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới