Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất lúa và biến đổi khí hậu…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất lúa và biến đổi khí hậu...

Thanh Thanh

(TBKTSG Online) - Cuốn sách “Sản xuất lúa và tác động của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” do PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đệ – TS. Lê Anh Tuấn - hai nhà khoa học chuyên ngành nông nghiệp và thủy học môi trường hiện đang công tác tại trường Đại học Cần Thơ hợp tác biên soạn, do Saigon Times Books phối hợp với NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản, với sự tài trợ của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí - CTCP.

Như tựa sách, cuốn sách gồm 9 chương, đề cập đến hai nội dung chính: tình hình sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và những tác động của biến đổi khí hậu ở vùng đất này.

Theo Cục Trồng trọt (2011), trong tổng sản lượng 41 triệu tấn lúa của cả nước, ĐBSCL đã đóng góp hơn 21 triệu tấn lúa, chiếm tỷ lệ trên 51%, với tổng diện tích gieo trồng gần 3,9 triệu héc ta, chiếm trên 53% tổng diện tích gieo trồng của cả nước. Đặc biệt, hơn 90%  lượng gạo xuất khẩu hằng năm là từ ĐBSCL. Đó là những con số ấn tượng mà trong chương 2: Tổng quan về sản xuất lúa đề cập đến, thể hiện sự đóng góp quan trọng của bà con nông dân ở vùng châu thổ này.

Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực sản xuất lúa như: dịch rầy nâu, dịch bệnh cháy lá, đốm vằn, lũ lụt, hạn hán, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… Để đối phó với tình hình này, việc đánh giá lại nguồn tài nguyên di truyền giống lúa ở ĐBSCL, khả năng thích nghi, tính chống chịu và phẩm chất đặc thù của nguồn tài nguyên này là một việc làm vô cùng cần thiết. Tác giả Nguyễn Ngọc Đệ đã phối hợp với những nhà khoa học khác tiến hành các chương trình điều tra nghiên cứu nguồn tài nguyên di truyền giống lúa tại nhiều địa phương khác nhau trong khu vực ĐBSCL và thu về nhiều kết quả có ý nghĩa và giá trị (chương 3: Tài nguyên giống lúa)   

Trong phần nói về tác động của biến đổi khí hậu, các tác giả đã phân tích và dẫn ra những số liệu khiến mọi người không khỏi ưu tư, lo lắng, chẳng hạn như những con số tổn thất về người, tài sản, và các hoạt động sản xuất cũng như đời sống của người dân không chỉ ở ĐBSCL mà còn ở khắp các vùng, miền trong cả nước khi nhiệt độ gia tăng, khi nước biển dâng lên (chương 6: Tổng quan về biến đổi khí hậu). Mặc dù vẫn biết biến đổi khí hậu có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến sản xuất lúa, nhưng đối với ĐBSCL thì dường như tác động tiêu cực lại là chủ yếu: đó là các hiện tượng gia tăng nhiệt độ, khô hạn, mưa gió bất thường, ngập úng, nước biển dâng và xâm nhập mặn, thiên tai bất thường… đến sản xuất lúa (chương 7: Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa).

Để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa ở ĐBSCL, trong hai chương cuối (chương 8 và 9), tác giả đề cập đến các quan điểm ứng phó, chính sách ứng phó, việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch địa phương.

Với hơn 30 bảng, biểu, hình ảnh cụ thể cùng với những số liệu được thu thập, tham khảo, chắt lọc từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau trong cũng như ngoài nước, cuốn sách là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, mang giá trị khoa học lẫn thực tiễn cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới