Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất máy “độc”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sản xuất máy “độc”

Ông Võ Hoàng Liệt, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ Lituda, bên cạnh thiết bị đóng gói nem chua chuẩn bị giao cho khách – Ảnh: MỸ HẠNH

(TBKTSG) – Khi cần những chiếc máy cho nhu cầu sản xuất riêng, “không giống ai”, một số doanh nghiệp đã tự mày mò chế tạo, có doanh nghiệp tìm đến các trung tâm chế tạo máy… Con đường làm ra những chiếc máy “độc” quả không đơn giản.

Tự làm máy

Giáo sư Lê Văn Tố, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sau thu hoạch, là một trong những người tiên phong trong việc sản xuất thức ăn nhanh theo văn hóa, khẩu vị của người Việt Nam. Sản phẩm “canh chua ăn liền” của ông hiện được du học sinh Việt Nam ưa chuộng và đặt mua rất nhiều mỗi lần họ về thăm nhà.

“Máy sấy thì chẳng có gì lạ trong ngành sản xuất thực phẩm. Nhưng để rau củ giữ được màu sắc, mùi vị tự nhiên cũng như thành phần dinh dưỡng thì cần có một chiếc máy sấy đặc biệt: sấy nhanh nhưng phải duy trì nhiệt độ không quá cao. Thêm vào đó, do các thành phần trong canh chua đều được thái mỏng và nhỏ nên cần một chiếc máy gọn nhẹ”, ông nói về yêu cầu của chiếc máy.

Sau một tháng, các kỹ sư của trung tâm đã làm được chiếc máy đáp ứng yêu cầu trên. Tuy nhiên, trước đó ông Tố đã phải mất hàng mấy năm trời để hình dung chính xác, đầy đủ về những điểm riêng biệt của chiếc máy sấy canh chua này.

Không có đội ngũ kỹ sư cơ khí như ông Tố, ông Võ Thanh Tuyên, chủ doanh nghiệp tư nhân Vị Hương, phải mất hơn một năm mới cho ra đời được một chiếc máy để hoàn chỉnh quy trình sản xuất nước tương sạch được chuyển giao từ một trường đại học.

“Nước tương được làm theo quy trình sản xuất sạch được chuyển giao vẫn chưa đạt các yếu tố cảm quan, có bọt và cặn do không kiểm soát được nhiệt độ dưới 100 độ C, vì vậy cần phải có thiết bị điều khiển nhiệt độ”, ông Tuyên giải thích về sự cần thiết của thiết bị thủy phân có kiểm soát 3-MCPD. Ông Tuyên cho biết đã nhiều lần nhờ các kỹ sư của trường đại học nọ khắc phục nhược điểm nhưng họ vẫn không tìm ra giải pháp. Cuối cùng, ông tìm được cho mình lời giải bằng cách tự tìm tài liệu và tự làm thiết bị với mớ kiến thức về cơ khí học được.

Ông Nguyễn Văn Long, chủ một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo ở Bến Tre, cũng kể về câu chuyện tự làm máy của mình: “Cách đây hai năm, tôi đã mua dây chuyền cán kẹo mềm nhưng trong quá trình sản xuất mới nhận ra máy còn thiếu thiết bị. Đó là cần có một thiết bị cạo lớp kẹo dính trên thanh cán. Tôi vừa hoàn thành thiết bị này khoảng một tháng nay. Nếu làm bằng tay, công việc sẽ chậm, cạo không sạch và rất nguy hiểm”.

Cung-cầu khó gặp?

Ông Long gọi đây là chiếc máy “bất đắc dĩ” vì trước khi bắt tay làm, ông trình bày yêu cầu với một xưởng cơ khí. Sau gần một năm chờ đợi, chiếc máy đã hoàn thành nhưng không ăn khớp với cả dây chuyền do người kỹ sư không hiểu rõ quy trình cán kẹo mềm. “Đối với những chiếc máy đặc biệt thế này, người chế tạo không chỉ cần kiến thức về cơ khí mà phải có hiểu biết về thực tế sản xuất. Từ việc thấu hiểu đến việc thực hiện ý tưởng của người đặt hàng là một chặng đường dài”, ông Long nhận định.

Theo ông Tuyên, việc chuyển tải ý tưởng của mình đến một ai đó là việc không dễ dàng và mất nhiều thời gian. Ban đầu, ông Tuyên dự tính chi phí làm thiết bị chỉ khoảng 180 triệu đồng nhưng đến khi hoàn thành, thiết bị thủy phân kiểm soát 3-MCPD ngốn của ông tới 300 triệu đồng.

Một lý do nữa khiến các doanh nghiệp không dám nhờ bên thứ hai – vốn có nhiều kiến thức chuyên môn về chế tạo máy – thực hiện vì độ rủi ro khá cao. Vì hai bên gặp nhau chủ yếu chỉ bằng những ý tưởng nên chiếc máy làm ra thường không đáp ứng đúng yêu cầu. Có nhiều chiếc sau khi ra đời, chưa được vận hành lần nào. Tiền bạc, công sức cũng theo đó đổ sông đổ biển. “Nếu thất bại, các doanh nghiệp thường phải gánh chịu toàn bộ chi phí. Còn tự mình làm, doanh nghiệp có thể chủ động chi phí”, ông Long nói thêm.

Nhiều doanh nghiệp đồng ý rằng nên có những thỏa thuận rõ ràng về thời gian cũng như giá cả với người chế tạo. “Doanh nghiệp có thể mất trắng tiền đầu tư, nhiều khi lên đến con số bạc tỉ. Đối với doanh nghiệp nhỏ, việc theo đuổi một chiếc máy như thế có thể dẫn đến phá sản”, ông Long chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, trên thực tế sự ràng buộc giữa hai bên chủ yếu dựa vào uy tín và trách nhiệm, bên thực hiện cũng không dám bảo đảm gì nhiều.

Các trung tâm thiết kế, các xưởng sản xuất thiết bị hiện cũng chẳng mặn mà trong lĩnh vực sản xuất máy “độc”.

“TPHCM có hàng trăm xưởng cơ khí lớn nhỏ nhưng số trung tâm sản xuất những chiếc máy lạ theo yêu cầu riêng của doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các xưởng thường gia công theo mẫu có sẵn, hay chỉ dừng ở việc cải tiến dây chuyền, một số khác thì bắt chước theo công nghệ của nước ngoài”, ông Võ Hoàng Liệt, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ và thiết bị Lituda, cho biết.

Hiện khoa Cơ khí trường Đại học Bách khoa TPHCM, Câu lạc bộ Cơ khí thuộc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ thuộc Thành đoàn TPHCM… đều có chức năng thiết kế máy móc theo yêu cầu của doanh nghiệp nhưng hoạt động chưa chuyên nghiệp, còn nhỏ lẻ, một phần vì thiếu nhân lực và năng lực tài chính còn yếu.

Theo ông Liệt, việc sản xuất máy theo yêu cầu của doanh nghiệp cũng giống như “làm dâu trăm họ”. Khách hàng tìm đến trung tâm đều có yêu cầu riêng, không ai giống ai. Mỗi năm, Lituda sản xuất khoảng 40-50 máy và cũng thuộc chừng ấy chủng loại, mỗi loại sản xuất được vài cái đã là nhiều. Hiện trung tâm có khoảng 10 kỹ sư chuyên ngành cơ khí và hơn 50 công nhân làm việc thường xuyên.

Trung tâm này đang gần hoàn tất thiết bị đóng gói nem chua cho một doanh nghiệp ở Thủ Đức sau nhiều lần phải làm đi làm lại. Trở ngại lớn nhất trong quá trình làm ra thiết bị này nằm ở khâu nguyên liệu. “Khách hàng đã hỗ trợ chúng tôi bằng kinh nghiệm sản xuất, cùng trăn trở, cùng tháo gỡ những khó khăn với chúng tôi. Điều này đã mang lại động lực rất lớn để đội ngũ kỹ sư quyết tâm hoàn thành công việc”, ông Liệt nói.

Ông Liệt cho rằng điều quan trọng để công việc trôi chảy là cả bên thực hiện và bên khách hàng phải đặt uy tín lên hàng đầu và nhiệt tình hợp tác. Khi đặt hàng ở Lituda, khách hàng sẽ đặt cọc 50% giá thành thiết bị và phần còn lại sẽ trả sau khi hoàn chỉnh máy. Nếu không thành công, trung tâm sẽ hoàn lại tiền cọc.

“Thế nhưng, chỉ sau sáu tháng mà chưa làm ra máy, các doanh nghiệp bắt đầu tỏ vẻ ngán ngẩm, lo sợ rồi bỏ cuộc. Phần lớn trường hợp thất bại của Trung tâm Lituda là do khách hàng thiếu kiên nhẫn”, ông Liệt cho biết.

Một vấn đề nữa đang cản trở sự gặp nhau giữa doanh nghiệp và nhà chế tạo máy chính là bản quyền thiết kế cũng như bí mật công nghệ.

Ông Long cho rằng dẫu biết việc tự làm ra một chiếc máy là việc mạo hiểm nhưng cũng không bằng việc tiết lộ bí quyết công nghệ của mình cho người khác. Các xưởng cơ khí chỉ có thể chế tạo máy khi họ nắm vững cả quy trình sản xuất.

MỸ HẠNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới