Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất tại các trung tâm công nghiệp bắt đầu phục hồi

Lan Nhi - Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau hơn một tháng nối lại hoạt động sản xuất trong điều kiện "bình thường mới", các doanh nghiệp trong các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TPHCM đã dần bắt nhịp ổn định, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021.

Đến thời điểm hiện nay, đã có 1.355 doanh nghiệp trong KCX-KCN hoạt động trở lại, chiếm 96% so với số lượng doanh nghiệp trong khu. Đáng chú ý, các doanh nghiệp liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động với số lượng lao động làm việc đạt khoảng 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường.

Hoạt động của một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung 1, TPHCM. Ảnh: TTXVN

Nhanh chóng ổn định để tăng tốc sản xuất

Ông Huỳnh Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HBA), phấn khởi vì hầu hết doanh nghiệp hội viên của HBA đã nhanh chóng quay trở lại hoạt động và đang tăng tốc sản xuất khi TPHCM áp dụng "mở cửa" trở lại vào đầu tháng vừa qua.

Theo ông Bé, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại với việc sản xuất và lực lượng lao động đến làm việc ít nhất là 70%, có nhiều doanh nghiệp thu hút nhanh lao động trở lại làm việc trên 90% nhằm sớm phục hồi sản xuất đáp ứng đơn hàng cho khách.

Khảo sát của Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cũng cho thấy, ở thời điểm Thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thành phố, trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có 652 doanh nghiệp đủ điều kiện duy trì hoạt động theo phương án vừa cách ly, vừa sản xuất "3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” với 51.522/288.161 người lao động (chiếm tỷ lệ 17,8% tổng số lao động trong điều kiện bình thường). Số doanh nghiệp còn lại là 760 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bùng phát.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đã có 1.355 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 96% so với số lượng 1.412 doanh nghiệp hoạt động khi chưa có dịch). Hầu hết các doanh nghiệp đã kết thúc thực hiện phương án “3 tại chỗ” mà thay thế phương thức sản xuất an toàn.

Theo dại diện Hepza, hiện nay các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi với các tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động với số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường. Doanh nghiệp thích ứng dần việc sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ, ngành và cơ quan y tế.

"Việc đầu tư sản xuất bắt đầu khôi phục nhanh, khả quan và tích cực, trong đó có nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100%, nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước…", người đại diện Hepza chia sẻ.

Chỉ còn chưa đến 2 tháng là kết thúc năm 2021 nên doanh nghiệp cho biết họ không chỉ tăng tốc sản xuất nhằm kịp thời cho các đơn hàng còn tồn đọng do bị đình đốn sản xuất vì dịch bệnh trước đó mà còn kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao cho những tháng cuối năm vốn có nhiều lễ hội và tết nguyên đán. Do đó, nhu cần tuyển dụng lực lượng lao động sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: TTXVN

Xây dựng quy trình xử lý để đảm bảo an toàn phòng dịch

Tình hình kinh tế từng bước khởi sắc trở lại khi số doanh nghiệp hoạt động tăng, vốn đầu tư toàn xã hội tăng, chi tiêu tiêu dùng tăng... Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế; tổ chức thực hiện các cam kết về phòng, chống dịch tại nơi làm việc; thực hiện theo Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2 để kịp thời triển khai vận hành tại đơn vị theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Các doanh nghiệp đăng ký mã QR và thực hiện quét mã QR (trên điện thoại di động thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người lao động, người đến liên hệ công tác, làm việc, giao dịch; sử dụng ứng dụng của Thành phố: Y tế HCM/Sổ sức khỏe điện tử (hoặc ứng dụng PC-Covid) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Ban Quản lý, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), đơn vị y tế địa phương trong thời gian qua thường xuyên tổ chức kiểm tra và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp.

Trong doanh nghiệp có khu vực cách ly tạm thời F0 trong trường hợp phát sinh ca nhiễm để có thể xử lý kịp thời và hạn chế lây lan trong quá trình sản xuất. Doanh nghiệp khi phát hiện ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 thì thông báo đến cơ quan y tế địa phương, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và Ban Quản lý để phối hợp xử lý.

Ban Quản lý chỉ đạo các Công ty Phát triển hạ tầng có đủ điều kiện và cơ sở vật chất thành lập các Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 như Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 khu chế xuất Linh Trung 2, phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức đã hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị có quy mô 250 giường.

Ban Quản lý đã làm việc với Chủ đầu tư khu công nghiệp Đông Nam và công ty TNHH Worldon (Việt Nam) thống nhất đề xuất thành lập Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 khu công nghiệp Đông Nam, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi có quy mô dự kiến từ 250 giường đến 300 giường nhằm đảm bảo an toàn, kịp thời chủ động phòng chống dịch cho lực lượng lao động, giúp người lao động yên tâm sản xuất.

Ban Quản lý đang tiếp tục rà soát các khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và phối hợp với các cơ quan chức năng để tham mưu UBND TPHCM sớm thành lập tiếp các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại các KCX-KCN.

Qua một tháng thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND, tình hình kiểm soát dịch bệnh của các doanh nghiệp tương đối ổn định. Các ca nhiễm vẫn được ghi nhận mỗi ngày (trung bình khoảng 50 ca nhiễm/ngày ở 17 KCX-KCN với khoảng 230.000 lao động). Tuy nhiên, đa số các ca F0 khi phát hiện đều đang trong quá trình làm việc bình thường, không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ do đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 nên ít ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

Theo quy định không bắt buộc thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine, nhưng trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp vẫn chủ động thực hiện tầm soát thông qua xét nghiệm định kỳ để kịp thời phát hiện các ca nhiễm. Vì vậy, tình hình tại các KCX-KCN vẫn trong khả năng kiểm soát và các cơ quan địa phương, cơ quan y tế phối hợp tốt trong việc hỗ trợ tiếp nhận, thu dung người lao động bị nhiễm bệnh hoặc hướng dẫn người lao động được chăm sóc, điều trị tại nhà nếu có đủ điều kiện.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, phối hợp các đơn vị theo dõi, kiểm soát, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca nhiễm, duy trì hoạt động sản xuất ổn định và phát triển, đồng thời chăm lo đời sống người lao động.

Những tín hiệu tích cực ban đầu

Mặc dù chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 10 vừa qua vẫn còn giảm nhẹ (1,6%) so với cùng kỳ năm trước, nhưng tình hình sản xuất ở nhiều địa phương phía Nam, trong đó có TPHCM đã có những chuyển biến tích cực.

Bộ Công Thương cho biết trong tháng 10, nhiều địa phương đã nới lỏng các hoạt động so với thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và cũng đã ban hành các quy định nhằm điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới  Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của tháng ước tính tăng 6,9% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm nhẹ (giảm 1,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành khai khoáng tăng 9% so với tháng trước nhưng giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước; Ngành chế biến, chế tạo tăng 6,7% so với tháng trước nhưng giảm 1,6% so với cùng kỳ; Sản xuất và phân phối điện tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ…

Tính chung 10 tháng năm nay, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%)…

Chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 25,1%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,5%. Tuy nhiên, cũng có nhiều ngành có chỉ số IIP giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm11,9%...

Theo Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục nhưng tính chung 10 tháng năm 2021 vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Một số địa phương vẫn còn tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Một số tỉnh như Hà Nội, Tiền Giang, Cà Mau... chậm ban hành các hướng dẫn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là khó khăn về lao động.

Bên cạnh đó, việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ cũng tác động đến việc phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.

Từ tháng 11 này, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong hai tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới