Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Sản xuất tại Việt Nam’: nên khắt khe hay dễ dãi?

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đặt ra yêu cầu cao để được dán nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” thể hiện hàm ý hàng Việt phải có chất lượng cao. Đó chẳng phải là mục tiêu mà nền sản xuất trong nước đang hướng tới?

Hàng Việt Nam trên kệ một siêu thị. Ảnh: N.K

Sau khá nhiều thời gian và kỳ vọng, dự thảo thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam lại tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến. Câu chuyện tưởng như rất đơn giản ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” cho hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hóa ra lại tốn rất nhiều giấy mực và xem ra điều này chưa sớm kết thúc.

Trong phạm vi nền kinh tế Việt Nam, đã và sẽ còn thêm nữa những chính sách ưu ái cho hàng Việt, với hàm lượng giá trị nội địa cao, có sức lan tỏa tới các ngành kinh tế, điều rất chính đáng và có hiệu quả tốt nếu chọn đúng đối tượng.

Là một bộ phận của kinh tế toàn cầu, tính tới tháng 1-2022, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 hiệp định khác. Ưu đãi thuế quan trong các FTA này liên quan trực tiếp tới xuất xứ hàng hóa, theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi, vì vậy, sẽ là mối thiệt kép nếu đối tượng nhận ưu đãi chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Như vậy, năm chữ “Sản xuất tại Việt Nam” phải trở thành mục tiêu để các nhà sản xuất hướng tới, là điều kiện cần để họ có thể tiếp cận những ưu đãi.

Song song, chúng phải là thước đo hàm lượng giá trị Việt trong các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, vừa là nhà bảo trợ thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa, vừa là vị giám sát khó tính với những lời hứa chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Cách tiếp cận trong dự thảo thông tư có lẽ chưa đáp ứng được những mong muốn này.

Đầu tiên, về phạm vi điều chỉnh, việc thông tư chỉ áp dụng đối với hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam (không áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu), dù muốn hay không, cũng tạo ra ấn tượng về hai tiêu chuẩn “Sản xuất tại Việt Nam” khác nhau. Toan tính “nhịn miệng đãi khách” rõ ràng không còn phù hợp khi thị trường 100 triệu dân đã chứng minh sức hút không thể cưỡng lại của mình với các doanh nghiệp nước ngoài và là cứu cánh cho các nhà sản xuất trong nước khi chuỗi cung ứng đứt gãy vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ.

Chúng ta sẽ khó làm được điều mà người Nhật đã thành công, tạo nên một mặc định về việc hàng sản xuất nội địa tại Nhật Bản có chất lượng cao hơn hàng xuất khẩu. Cũng không dễ theo con đường của hàng hóa Trung Quốc, chất lượng khác nhau theo từng mức giá và ở phân khúc nào, “made in China” đều cạnh tranh bậc nhất về giá rẻ. Vậy thì đối với Việt Nam, bước đầu chỉ cần một hệ chuẩn thống nhất cho hàng Việt.

Thêm vào đó, dù đã có những hướng dẫn đối với hàng xuất khẩu và để được hưởng ưu đãi, mỗi FTA có một yêu cầu khác nhau, hàng Việt trước tiên phải là… hàng Việt. Nhìn vào bối cảnh phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới hiện nay, đó còn là cách để tự bảo vệ nền sản xuất của chính mình.

Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, trước sự đụng độ của các siêu cường, những “tai bay vạ gió” mà các thực thể kinh doanh yếu hơn có thể phải gánh chịu hay cánh cửa mở hờ trong xuất nhập khẩu như một dạng van xả áp cho các nền kinh tế vốn đang không cởi mở với nhau…, nếu không đảm bảo các vấn đề về xuất xứ, một sản phẩm đang xuất khẩu trơn tru ngay lập tức có thể trở thành một sản phẩm không đủ điều kiện thâm nhập thị trường đối tác.

Cùng với đó, vấn đề này còn là tai tiếng cho từng nhóm hàng hóa đó nói riêng và hàng Việt Nói chung. Công thức cần hướng tới nên là hàng Việt cùng với những tùy chỉnh phụ thuộc vào từng nhóm thị trường xuất khẩu.

Vấn đề thứ hai liên quan tới kỳ vọng của dư luận. Cách đây hơn chục năm, nhiều người băn khoăn nếu dòng chữ “made in Vietnam” trên bao bì chỉ với hàm nghĩa một chỉ dẫn địa lý, việc hăm hở dùng hàng Việt tạo được bao nhiêu cơ hội cho sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nội địa? 10 năm sau, sự cố xảy ra với một thương hiệu đồ điện tử có ông chủ là người Việt Nam lại thể hiện sự khắt khe của người tiêu dùng với sản phẩm “đội lốt hàng Việt”.

Phản ứng rụt rè, thận trọng của nhiều người trước những thông tin lạc quan như: hàng Việt chiếm trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, từ 60-96% tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam và từ 60% trở lên đối với kênh bán lẻ truyền thống… càng chứng tỏ, xã hội đã đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn với những sản phẩm được gọi là hàng Việt Nam.

Dự thảo thông tư chưa đáp ứng được đòi hỏi này hoặc ít ra không tạo được sự khác biệt, đồng thời là động lực để nhà sản xuất muốn chứng tỏ tính chất Việt Nam của họ cao hơn mức tối thiểu được ghi “Sản xuất tại Việt Nam”.

Đặc biệt, khi không có sự phân biệt này, việc áp dụng chính sách để thúc đẩy sản xuất nội địa dễ tạo nên kiểu phân bổ cao bằng, “ai cũng có phần” và không khiến cuộc cạnh tranh nhận ưu đãi sẽ có quả ngọt là những sản phẩm chất lượng tốt hơn, thể hiện rõ nét hơn lao động và trí tuệ của người lao động Việt.

Cuối cùng và quan trọng nhất, giống như giải một bài toán: ra đề đúng thì mới mong có được một đáp án đúng. Định nghĩa về hàng Việt nên được coi là căn cứ để xây dựng thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu xa hơn là định vị nền sản xuất của chúng ta trên bản đồ kinh tế thế giới. Đến đây, lại phải nói về câu chuyện của người Nhật. Với các tiêu chuẩn khắt khe về công nghệ, chất liệu và đặc biệt là tinh thần Nhật Bản thể hiện trong từng sản phẩm hàng hóa, “made in Japan” đồng nghĩa với chất lượng cao.

Một ví dụ khác là chiến lược “made in China 2025”, được đưa ra trong tham vọng biến đất nước láng giềng từ một “gã khổng lồ sản xuất” trở thành “cường quốc sản xuất thế giới” theo lộ trình đạt 70% mức “tự cung tự cấp” trong các ngành công nghiệp công nghệ cao năm 2025 và “thống trị” thị trường toàn cầu vào năm 2049.

Xem ra, người Trung Quốc không còn hài lòng với vị trí một công xưởng hàng hóa, cũng như họ đang muốn xóa mờ dần nhận thức không mấy tốt đẹp về hàng hóa Trung Quốc trong nền sản xuất đại trà. Trung Quốc xác lập “made in China” trong những thập kỷ tới phải là đi đầu và chất lượng cao.

Vậy “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ hướng tới điều gì? Chúng ta đã có một khẩu hiệu “make in Việt Nam” với nội hàm chính là các sản phẩm công nghệ sáng tạo, thiết kế tại Việt Nam. Điều này đương nhiên cần áp dụng cho toàn nền kinh tế, nghĩa là, “Sản xuất tại Việt Nam” phải thể hiện nét đặc trưng và chứa đựng nhiều giá trị nội địa.

Nếu thành thật hơn, có vẻ như, chúng ta không còn nhiều lựa chọn. Quả thật, hơn hai mươi năm đầu thế kỷ 21, chúng ta chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam. Tổng sản phẩm quốc nội, thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2000-2021 đều tăng gấp hơn 10 lần, lần lượt từ 31,17 tỉ đô la Mỹ tới 362,64 tỉ đô la, từ 390,1 đô la/người tới 3694,1 đô la/người, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Thế nhưng, mọi tiềm lực đã được khai phóng trong giai đoạn này, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, dân số vàng, những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài và cả sự đầu tư hào phóng vào nhóm doanh nghiệp nhà nước…

Nội lực mạnh nhất trong giai đoạn phát triển sắp tới là tài năng, trí tuệ, sự cần mẫn chịu khó của con người Việt Nam, thể hiện qua những sản phẩm hàng hóa được sản xuất tại dải đất hình chữ S này.

Như vậy, nếu xác định nông nghiệp là ngành mũi nhọn, chúng ta phải tự chủ được phần lớn quy trình làm ra hạt lúa, củ khoai, nuôi được con gà, con cá…, rồi đặt tiếp mục tiêu có những sản phẩm trái cây cả trăm đô la Mỹ một quả.

Nếu muốn trở thành một nước công nghiệp phát triển, không thể hài lòng với công đoạn gia công, lợi nhuận của doanh nghiệp FDI chủ yếu chuyển về “nước mẹ” dù vẫn có những chiếc điện thoại sang trọng với dòng chữ “made in Vietnam”. Tất cả bắt đầu bằng việc xác định: Thế nào là hàng Việt?

3 BÌNH LUẬN

  1. Nếu cứ để hàng Việt Nam kém chất lượng, không đảm bảo ATTP, thời gian tới sẽ phải trả giá, khi đời sống của dân ngày càng nâng cao, nhất là ở các đô thị lớn, sức tiêu thụ lớn.

  2. Tôi cũng thường xài hàng Trung Quốc, thấy hàng có in chữ Made in China là mua vì biết chất lượng tốt , còn hàng Trung Quốc nào không có in chữ này thì hên xui không biết chất lượng như thế nào, tôi nghĩ Trung Quốc chắc cũng có qui định về việc này mà Mình không biết mà thôi

  3. Made in ABC. Chỉ là một quy ước quốc tế mà thôi. Nghĩa là sản phẩm đó sản xuất tại quốc gia nào. Điều này không khẳng định được chất lượng tốt/ xấu/ đắt/ rẻ… Trung quốc là công xưởng thế giới, thứ gì cũng sản xuất từ đây, sản phẩm cao cấp cho đến thấp cấp, kể cả nếu chỉ làm được khoảng 10% giá trị công đoạn lắp ráp Iphone cũng được mang tên Made In China. Quan trọng là thương hiệu hàng hóa dịch vụ, qua đó thể hiện chất lượng và uy tín sản phẩm. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, không dễ để thiên hạ hợp tác với ta để sản xuất cái gì đó cho họ. Làm thuê cũng cần có kỹ năng. Bạn phải có năng lực nhất định, chứ không có kiểu tay không bắt giặc được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới