Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Sáng’ không còn cơ hội trở về ‘nhà’

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sáng là con mèo rừng đáng thương được người dân ở Hà Nội mua và nuôi, nhưng vì Sáng khó gần nên người nuôi không thể chữa trị vết thương ở chân. Vậy là Sáng được người dân chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) 5 năm trước.

Sau khi được chữa trị, bàn chân trước bên trái của Sáng chỉ còn lại duy nhất một ngón chân cái, vì vậy Sáng gặp rất nhiều khó khăn khi leo trèo, đi lại. Đó cũng chính là lý do Sáng không có cơ hội trở về ngôi nhà tự nhiên của mình.

Hơn chục năm trước, Đại Lải là cá thể mèo rừng hoang dã đầu tiên mà SVW tiến hành cứu hộ, được chuyển giao về SVW bởi Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc sau khi được một người dân tìm thấy và giao nộp. Vì mới sinh được khoảng 3 tuần và nặng 290 gram, Đại Lải đã lớn lên trong tình thương và sự chăm sóc chu đáo của đội ngũ bác sĩ thú y cùng nhân viên tại trung tâm, được bú sữa bình và được kiểm tra sức khoẻ hàng ngày cho đến khi trưởng thành.

Sau một thời gian dài sinh sống tại trung tâm, mặc dù sức khỏe của Đại Lải đã tốt và tỏ ra rất tinh nghịch, thích khám phá mọi thứ xung quanh, nhưng bạn ấy đã không thể trở về ngôi nhà tự nhiên do không thể hòa nhập vì bị nuôi từ khi còn rất nhỏ.

Trên trang web của SVW, mọi người đều nhìn thấy chủ đề “Bảo trợ Sáng” với chia sẻ “Khi bạn nhận bảo trợ Sáng trong một năm, bạn đang giúp cứu mèo rừng – một trong những loài động vật đang bị đe dọa ở Việt Nam”, rất cảm động; hay lời kêu gọi “chỉ với 1.200.000 đồng mỗi năm, sự bảo trợ tượng trưng của bạn sẽ trực tiếp giúp đỡ mèo rừng”.

Trong khi rất nhiều trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn, vườn quốc gia đang ngày đêm tìm cách cứu hộ mèo rừng từ việc săn bắn, mua bán, nuôi bất hợp pháp, thì việc mua bán mèo rừng với suy nghĩ năm con mèo (Quý Mão) mà nuôi mèo rừng mới đẳng cấp cho gia chủ lại đang gia tăng.

Một tờ báo lớn ở TPHCM mới đây đã đăng bài phản ánh thực trạng rao bán mèo rừng tràn lan trên mạng, thậm chí người kinh doanh bất hợp pháp mèo rừng còn nghĩ ra trò lai tạo mèo rừng với mèo nhà, rao bán mèo rừng con thế hệ F1. Thực ra, việc rao bán mèo rừng bất hợp pháp đã có từ khá lâu trước nhu cầu nuôi thú cưng ngày càng cao cấp hơn, độc lạ hơn. Dạo quanh các trang mạng xã hội, có không ít hội nhóm có những cái tên nghe có vẻ như yêu thương bảo vệ mèo rừng, mà bản chất lại là công cụ giao dịch, mua bán mèo rừng, như hội yêu mèo rừng, nhóm giao lưu bảo tồn mèo rừng…

Trong khi các nhóm này ra sức khoe mèo rừng của mình đẹp, nhắn tin riêng để được báo giá thì cũng trên mạng xã hội, trang fanpage của một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã vài ngày trước đã đăng tải câu chuyện “Ba bé mèo rừng chúng mình cứu hộ cách đây hơn một tháng khi mới mười ngày tuổi. Các bé lớn nhanh và trở nên tò mò, vui chơi mỗi ngày. Tết Quý Mão 2023 đã đến rất gần. Hãy giúp chúng mình chăm sóc những chú mèo con này để các bé có một năm mới đủ đầy và vui vẻ, trước khi trở về nhà. Xuân sum vầy - Muôn loài đủ đầy”.

Theo trang web Sinh vật rừng Việt Nam của nhà đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung ở Đồng Nai thì mèo rừng (tên khoa học Prionailurus bengalensis) có hình dạng giống mèo nhà, nặng 3-5 kg, dài thân 450-550 mm, dài đuôi 250-290 mm. Lông mềm màu vàng trắng điểm nhiều u đốm đen không đều, quanh đốm đen viền vàng nâu. Bụng và chân màu xám trắng. Đầu có những sọc màu đen, trắng chạy dọc từ đỉnh đầu đến mũi. Mũi màu hồng nhạt, lông quanh miệng màu trắng. Ở Việt Nam, mèo rừng được bắt gặp ở khắp các tỉnh trung du và miền núi và kể cả các khu rừng phục hồi núi đá ven biển miền Trung. Nói chung mèo rừng là con vật đẹp trong tự nhiên.

Quỹ Thế giới bảo vệ động vật hoang dã (WWF) cảnh báo mèo rừng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy giảm về số lượng, được xếp vào Sách Đỏ, cần bảo vệ khẩn cấp. Nguyên nhân là vì chúng có bộ lông sặc sỡ nên nhiều người tìm cách săn bắt để lấy lông hoặc làm thú nuôi cao cấp.

Mèo rừng nằm trong nhóm các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định của Chính phủ.

Nhưng chừng nào người dân còn có nhu cầu nuôi mèo rừng làm thú cưng cao cấp thì chừng đó vẫn còn tái diễn cảnh săn bắt, mua bán trộm lén, có cầu thì ắt có cung. Năm con mèo nhưng cũng đừng tận diệt vẻ đẹp trời phú của mèo rừng trong tự nhiên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới