(KTSG Online) - Hơn mười năm trước, tôi đến Sở Y tế TPHCM làm hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề y cho người thân do tiện đường đi lại. Sau vài lần trễ hẹn, người thân cũng nhận được chứng chỉ hành nghề còn tôi nhờ vậy mà cảm thông hơn cho công chức của sở khi có dịp vào Phòng Quản lý dịch vụ y tế, nơi làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề và thấy hồ sơ “chất cao như núi” sau lưng mỗi công chức.
- Dịch vụ công đâu thể cứ cung cấp rồi sai đâu sửa đó!
- Cải cách hành chính: đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh
Dù hiện hay có ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được áp dụng nhưng chắc chắn rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề y dược, giấy phép hoạt động y tế cho ngành y của một đô thị hơn chục triệu dân với hàng chục ngàn bác sĩ vẫn cần không ít công chức để xử lý và nếu có quá tải cũng không có gì lạ. Mà đâu chỉ dịch vụ cấp chứng chỉ hành nghề y của Sở Y tế TPHCM, một mảng rất nhỏ của ngành y mà hiện nay, rất nhiều dịch vụ công có liên quan tới cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề của các bộ ngành đang được công chức từ trung ương tới quận, huyện thực hiện.
Tôi không nắm chắc lượng công chức của Sở Giao thông Vận tải TPHCM tham gia trong việc cấp đổi giấy phép lái xe máy, xe ô tô nhưng tôi tin là không nhỏ, do thành phố có hàng triệu xe máy, xe ô tô và nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe ngày càng nhiều lên.
Tâm lý các bộ ngành mỗi khi ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các nghị định có liên quan đến nghề nghiệp thì thường lồng vào các điều kiện cấp giấy phép hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề thật nhiều, dường như là để an toàn trách nhiệm cho mình sau khi cấp. Gần đây, các bộ ngành có xu hướng muốn “giấy tờ” nhiều lên thông qua các điều kiện cấp phép hơn trước mà báo chí đã nói rất nhiều. Nhiều cơ quan nhà nước coi việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề là “con gà đẻ trứng vàng” vì phía sau giấy phép là xin - cho, là thu phí, lệ phí.
Thế nhưng, đã đến lúc Nhà nước nên mạnh dạn xã hội hóa dịch vụ công, nhất là các dịch vụ công mà các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề có lợi thế hơn. Chẳng hạn, cấp chứng nhận trang trại trong ngành nông nghiệp sao không giao cho hội nông dân; cấp chứng chỉ hành nghề y sao không giao cho hội hành nghề y tư nhân hay hội y học; cấp đổi giấy phép lái xe cũng có thể giao cho hội doanh nghiệp vận tải, hội vận tải hành khách hay hội hành nghề nào đó, nếu hội ngành nghề đó chưa có thì Nhà nước có thể vận động thành lập.
Tới đây chắc nhiều người có thói quen, tâm lý dựa dẫm vào Nhà nước sẽ cho rằng giao cho các hội, hiệp hội thì không đáng tin lắm nhưng Nhà nước có quyền thí điểm chuyển một vài dịch vụ công cho các hội, hiệp hội, còn cơ quan quản lý thay vì hao tâm tốn sức cho việc này thì chỉ còn giám sát, hậu kiểm. Trước mắt, Nhà nước có thể thí điểm chuyển giao cấp giấy phép hành nghề y và giấy phép lái xe máy cho hội nghề nghiệp, sau đó tiến tới làm đại trà.
Trong bài báo “Tổng Bí thư Tô Lâm: Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển”(*) đăng trên báo điện tử Vnexpress ngày 31-10, Tổng bí thư đã nói: “Hiện ngân sách chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ các hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển”. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, các khu phố, quận huyện, phường xã trong nước bắt đầu sáp nhập theo hướng tinh gọn, rồi hiện nay là các bộ ngành, nhằm mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu chỉ sáp nhập cho tinh gọn mà không giảm tải thì bộ máy khó lòng hoạt động có hiệu quả bởi người ít mà việc vẫn như cũ, thậm chí nhiều lên, gây quá tải. Muốn giảm tải cho các cơ quan quản lý thì bắt buộc phải giảm dần các dịch vụ công không cần thiết hoặc xã hội hóa dịch vụ công, chuyển sang vai trò hoạch định chính sách, ban bố các điều kiện, thủ tục cấp phép, giám sát và hậu kiểm.
Đã đến lúc Nhà nước cần xã hội hóa bớt các dịch vụ công, không nên ôm đồm, vừa tốn ngân sách lại mất quá nhiều thời gian để tập trung hơn cho công tác quản lý nhà nước đúng nghĩa.
(*)https://vnexpress.net/tong-bi-thu-to-lam-bo-may-cong-kenh-kim-ham-su-phat-trien-4810560.html
Có ba hình thức cần vận dụng để mở rộng xã hội hóa dịch vụ công: Ủy quyền/ Ủy nhiệm/ Ủy thác, góp phần nâng cao năng suất/ chất lượng/ hiệu quả công việc. Tuy nhiên, trước khi xã hội hóa thì bắt buộc phải tinh gọn hóa. Rà soát lại toàn bộ quy trình công vụ, phân cấp, phân quyền, từ đó loại bỏ những việc/ người thuộc diện không cần/ không nên/ không muốn.
Với chỉ đạo quyết liệt và khẩn trương của Tổng bí thư Tô Lâm, chủ trương tinh gọn và hiệu quả dịch vụ công hi vọng sẽ có chuyển biến mang tính bước ngoặt. Từ trên, làm trước. Xuống dưới, làm ngay. Mọi việc chắc chắn sẽ “đâu phải vào đó”. Chứ không thể để tình trạng kéo dài “đâu lại vào đó” ?
Cứ xem quy trình đào tạo và cấp chứng chỉ luật sư sẽ hiểu tại sao các cơ quan quản lý nhà nước không đời nào chịu bỏ hay giao chức năng cấp chứng chỉ hành nghề cho xã hội hóa (hội, đoàn, nhà trường, doanh nghiệp).
Hiện nay chỉ riêng chứng chỉ hành nghề thì cả nước có tới gần 40 chứng chỉ hành nghề do bộ ngành cấp, tôi tin là Nhà nước hàng năm phải nuôi lương cho bộ máy cấp chứng chỉ hành nghề này từ trung ương tới địa phương không ít hơn 5.000 người, có nghĩa cả ngàn tỷ đồng từ tiền thuế chỉ để lo cấp chứng chỉ, trong khi giao hiệp hội, hội, doanh nghiệp, ta không mất tiền. Chưa kể 1 số giấy phép nhưng có tính chất như chứng chỉ hành nghề.