Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sao lại phạt người tiêu dùng?!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sao lại phạt người tiêu dùng?!

Nguyễn Quang Bình (*)

Mới đây, xem TV, giật mình với phóng sự về người tiêu dùng nước ta. Hàng ngày người tiêu dùng vẫn phải ăn nhiều quả lừa đắng họng. Chưa hết, léng phéng còn bị phạt nếu như mua sắm không đúng quy định.

Cái ăn, cái uống, cái đốt, cái xài… cứ thò tay ra mua là nguy cơ bị lừa lúc nào không hay. Cà phê, nước sâm, nước mát… pha đủ thứ mùi màu rẻ tiền, có thể nguy hại vì sẽ nhiễm bệnh hiểm nghèo, chết dần chết mòn ngày qua ngày. Xăng pha, gaz chiết, sơn trộn… lộn tùng phèo; đến xe cháy, bếp nổ… nay vẫn chưa biết đâu là lý do.

Nói chung, tất tất người tiêu dùng phải gánh chịu. Lâu lâu, cố gọi hội người tiêu dùng để nhờ tư vấn, nhưng lại ngại cụ già tuổi 70 nay không biết còn đủ sức trực văn phòng? Sức liệu còn cầm nổi cây viết, gạt nổi cái cân… Nghĩ cán bộ cốt cán của hội không biết bảo vệ sức khỏe cho mình có nổi không nên thôi đành buông.

Nhớ mấy năm ở Hà nội thập niên 80, có tiền ra mua chiếc xe đạp, ham giá rẻ, vừa đạp vài vòng xe đã gãy đôi, không biết kêu ai. 

Từ lâu, thấy cũng chẳng ai lên tiếng để củng cố, thay đổi, hiến kế cách bảo vệ người tiêu dùng. Chuyện gì cũng dễ cho qua, có lắm chỉ bằng một phóng sự hay dăm bài báo… rồi lại chìm xuồng.

Có ông bạn gần về hưu, cháu tặng cái mũ bảo hiểm, đội nhẹ và mát như mũ nỉ! Thế mà, ra đường, bị cảnh sát thổi còi cái tuýt, phạt mũ không đúng quy cách, thôi đành nộp phạt. Đưa tiền, nhưng vẫn ấm ức lắm. Sao lại phạt người tiêu dùng nhỉ? Ông cắc cớ đưa ra kiến nghị sao trên mỗi bao thuốc lá, đều có in hàng chữ “Hút thuốc có hại cho sức khỏe” thì trên mũ bảo hiểm không đạt chất lượng đăng ký, ít ra nhà sản xuất cũng phải in hay sơn chết vào trên nón bảo hiểm đại loại như “Nón này không dùng thay nón bảo hiểm”, để bà con nào cần cho trẻ em chơi mới mua chứ! Ngay cả trên bao bì nylon, cũng cần ghi rõ “Sử dụng bao này là trực tiếp phá hoại môi trường”… Tại các trạm bán xăng, cấp cho mỗi cán bộ một máy in tay hóa đơn rằng công ty, trạm tôi mới bán cho chủ xe này, số xe này 5, hay 7 lít xăng… để còn có cớ mà kiện khi xe cháy…

Hàng ngày, hàng tuần, các cơ quan chức năng có đội kiểm tra mẫu mã như trên để loại hàng giả, hàng nhái ra khỏi đời sống thường nhật của người dân. Các biện pháp ấy hoàn toàn dễ làm và giúp cho các cơ quan chức năng dễ nhận ra đâu là hàng giả, hàng thật. Chỉ cần quanh một vòng, hốt hết các lô hàng nhái, hàng giả, phạt thật nặng nơi sản xuất nếu như không làm đúng mẫu mã quy định, thì khả năng dẹp bỏ gian dối trong sản phẩm-dịch vụ ra khỏi đời sống hàng ngày được ngay thôi!

Bao lâu không nâng cấp Hội Người tiêu dùng lên cấp “Cục Bảo vệ người tiêu dùng” do nhà nước quản lý, để có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng… thì bấy lâu người tiêu dùng vẫn còn chịu cảnh tiền mất tật mang… Vì vậy, đừng trách nhiều bạn trẻ nay thường tìm hàng ngoại.

Bảo vệ người tiêu dùng, không thể kêu gọi sự hiểu biết và chọn lựa chung chung. Nên chăng, phải làm một cuộc cách mạng bảo vệ người tiêu dùng bằng cách siết chặt chất lượng sản phẩm từ phía sản xuất với những biện pháp cứng rắn.

_____________________________

(*) Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới