Sắp có luật về bí mật và giải mật
Quang Chung
![]() |
Ảnh minh họa: internet |
(TBKTSG Online) – Theo dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vừa được công bố thì thời hạn giải mật bí mật nhà nước là 40 năm (độ tuyệt mật), 30 năm (độ tối mật) và 20 năm (độ mật). Bộ Công an (cơ quan soạn thảo), cho biết đây là lần đầu tiên pháp luật quy định về thời hạn giải mật.
Không quy định phạm vi bí mật, nhưng…
Điểm khác biệt giữa dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành là không quy định cụ thể phạm vi bí mật nhà nước theo từng độ mật, mà quy định những vấn đề chung nhất liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc để các cơ quan, tổ chức, địa phương làm căn cứ xác định, xây dựng danh mục bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, về thẩm quyền quyết định phạm vi bí mật nhà nước, cơ quan soạn thảo đang phân vân giữa hai phương án:
(i) Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật" và "Tối mật" của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương (trên cơ sở thẩm định của Bộ Công an); Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" (sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lập danh mục bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật", "Tối mật" thuộc lĩnh vực quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và ban hành danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" trong lĩnh vực quốc phòng.
Phương án (i) đảm bảo sự ổn định của danh mục bí mật nhà nước hiện hành khi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực. Tuy nhiên, danh mục bí mật nhà nước ban hành sẽ không đồng bộ do Bộ trưởng Bộ Công an phải chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật", "Tối mật" mới được ban hành danh mục bí mật nhà nước độ "Mật"; thời gian ban hành kéo dài, danh mục được ban hành không đáp ứng kịp với sự phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu công tác của các cơ quan, tổ chức, địa phương.
(ii) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước trên cơ sở thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng. Phương án này đề cao trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, danh mục bí mật nhà nước được ban hành đồng bộ, có hiệu lực đồng thời để triển khai thực hiện ngay trên thực tế; nhưng, sau khi Luật có hiệu lực phải sửa đổi toàn bộ hệ thống danh mục bí mật nhà nước hiện hành…
Quy định rõ thời gian giải mật
Pháp luật hiện hành không quy định về thời hạn giải mật bí mật nhà nước. Tuy nhiên, Tờ trình dự thảo luật của Bộ Công an cho biết, qua nghiên cứu pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước của một số nước trên thế giới, quy định về thời hạn bảo vệ các tài liệu có đóng dấu chỉ độ mật của Luật Lưu trữ và để đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch hóa thông tin trong thời kỳ hội nhập, đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, bộ đã nghiên cứu xây dựng quy định thời hạn giải mật bí mật nhà nước sẽ được giới hạn trong khoảng thời gian nhất định: 40 năm đối với bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật"; 30 năm đối với bí mật nhà nước độ "Tối mật"; 20 năm đối với bí mật nhà nước độ "Mật".
Đối với bí mật nhà nước đến thời hạn giải mật mà vẫn cần bảo vệ thì dự luật quy định "cơ quan soạn thảo, tạo ra bí mật nhà nước có quyền gia hạn thời hạn giải mật". Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, quy định trên sẽ đảm bảo chặt chẽ trong bảo vệ bí mật nhà nước mà không làm hạn chế quyền tiếp cận của công dân đối với các thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật.
Đối với việc in, sao, chụp bí mật nhà nước dự luật cũng quy định thoáng hơn quy định hiện hành (chỉ người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước hoặc người được ủy quyền mới có thẩm quyền quyết định việc in, sao, chụp bí mật nhà nước). Dự luật mở rộng thẩm quyền in, sao, chụp bí mật nhà nước đến cấp trưởng phòng.
Cụ thể:
In, sao, chụp bí mật nhà nước đến độ "Tuyệt mật": người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; cấp tổng cục (và tương đương) trực thuộc cơ quan, tổ chức ở trung ương;
In, sao, chụp bí mật nhà nước đến độ "Tối mật": lãnh đạo cấp cục (và tương đương) trực thuộc tổng cục; tập đoàn của cơ quan, tổ chức ở trung ương; thủ trưởng, phó thủ trưởng các sở, ban, ngành ở địa phương, ủy ban nhân dân cấp huyện (và tương đương);
In, sao, chụp bí mật nhà nước độ "Mật": trưởng phòng (và tương đương) của các cục thuộc cấp tổng cục (và tương đương); trưởng phòng (và tương đương) của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện (và tương đương).
Về thẩm quyền cung cấp bí mật nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài dự luật (cũng thoáng hơn quy định hiện hành) quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có thẩm quyền duyệt cung cấp bí mật nhà nước độ "Tối mật", "Mật" cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (pháp luật hiện hành – Nghị định 33 – quy định Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền duyệt cung cấp bí mật nhà nước độ "Tối mật" cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài). Riêng cung cấp bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật" vẫn do Thủ tướng Chính phủ duyệt (như quy định hiện hành).