(KTSG) - Khó khăn khởi phát từ cuối năm 2022 càng lộ rõ trong những tháng đầu năm 2023 khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chính đều thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.
- Lưu ý tiêu chuẩn về môi trường để thúc đẩy xuất khẩu sang Bắc Âu
- Nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo của Việt Nam
Tăng trưởng xuất khẩu dệt may quí 1-2023 chạm đáy, xuất khẩu thủy sản cũng lao dốc 28%. Tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc năm ngoái tăng đồng loạt, quí này kéo nhau giảm. Qua đợt kiểm tra lần thứ 3 (công bố ngày 3-2-2023 tại Đà nẵng), Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa gỡ thẻ vàng cho Việt Nam vì vẫn có tàu cá bị bắt khi hoạt động ở vùng biển nước ngoài. Khi bị thẻ vàng, chỉ riêng thủ tục hành chính vào EU trước chỉ mất 1-3 ngày, bây giờ cả tháng mới xong… Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm nhiều và sẽ còn tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường thế giới.
Năm 2023 nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%. Đây là yếu tố giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, thuế giảm bao nhiêu chi phí lại tăng bấy nhiêu, nên có doanh nghiệp nói rằng: cơ hội dù rộng mở nhưng cánh cửa thị trường đang khép lại.
Tại các thị trường xuất khẩu, hàng Việt càng phải cạnh tranh với các đối thủ khác đã đứng chân tại đó mà sức lực của họ không hề thua kém. Cùng với đó, một số hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và đang bị một số bạn hàng lớn khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, sẽ làm cho triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới càng thêm u ám.
Khó khăn về xuất khẩu sẽ tác động ngược tới ngành sản xuất trong nước, có thể làm cho làn sóng sa thải nhân công tăng lên.
Dù mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 thấp hơn của năm 2022, song vẫn là thách thức lớn. Năm 2023, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát tăng cao; thị trường thu hẹp, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát ở nhiều nước sẽ tác động mạnh đến thị trường nội địa cũng như xuất khẩu theo hướng bất lợi khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.
Để có thể vượt qua khó khăn trong xuất khẩu, những giải pháp có thể tính tới:
(1) Các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan, vì thế mỗi doanh nghiệp phải chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA. Mỗi FTA có ưu đãi riêng nhưng đều là hành lang dẫn doanh nghiệp tới thành công, cần mặn mà tiếp cận đối tác để có nhiều sự chọn lựa và chọn được điều thích hợp nhất. Các nhà quản lý, đội chuyên gia nhiệt thành vào cuộc.
(2) Xúc tiến thương mại phải là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.
(3) Doanh nghiệp càng phải đa dạng hóa sản phẩm. Với nông sản, việc cần và có thể làm ngay là tăng cường chế biến, nhất là chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, theo đòi hỏi của khách hàng. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi, giảm trung gian, hạ giá thành, nâng chất lượng theo quy chuẩn VietGAP, cảm quan hấp dẫn.
(4) Để gắn với các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử, kinh tế số, doanh nghiệp cần khẩn trương chuẩn bị chủ yếu là nhân sự, tài chính, đầu tư cho xuất khẩu đúng, trúng, hiệu quả trên nền tảng số hóa.
Hiện nay lãi vay vẫn quá cao. Các đại sứ và hiệp hội doanh nghiệp vẫn chưa hỗ trợ nhiều thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chưa hình thành vùng nguyên liệu lớn cho sản lượng cao đồng đều và ổn định cho xuất khẩu. Chưa tạo dựng được nhiều thương hiệu lớn. Mà toàn xuất thô và gia công cho nước ngoài vì vốn quá nhỏ. Không có nhiều ưu đãi để phát triển lớn mạnh hơn.
Khó chồng chất do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Khách quan là do tình hình thế giới không thuận lợi, chủ quan là tình hình trong nước mà nguyên nhân là do ta ngáng chân ta, nên loanh quanh hoài không đi tới đâu mà cái chủ quan mới là đáng sợ vì khi kinh tế thế giới phát triển mà nguyên nhân chủ quan vẫn còn đó thì ta cũng không phát triển theo thế giới được.