Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sạt lở ĐBSCL: Hai việc cần ưu tiên

Nguyễn Hữu Thiện(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tình hình sạt lở tràn lan ở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng gia tăng. Trước mắt, không có lý do gì để sạt lở dừng lại, do đó cần phải sắp xếp ưu tiên các hành động thích ứng và tập trung nguồn lực vào các hành động ưu tiên.

Một nhà dân ở cồn Ngoài, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre bị sạt lở. Ảnh: Trung Chánh

ĐBSCL là sản phẩm của quá trình vận chuyển phù sa (bùn, cát) và miệt mài bồi đắp trong sáu ngàn năm qua, gọi là “quá trình kiến tạo đồng bằng”. Ông bà ta thường nói “dòng sông bên lở bên bồi” là vì một dòng sông tự nhiên không bao giờ đứng yên mà tự nó luôn tiến hóa, điều chỉnh, khi thì sạt lở bên này bồi đắp bên kia một thời gian rồi quay qua sạt lở bên kia bồi đắp bên này. Như vậy, sạt lở bao gồm hai thứ là sạt lở địa chất tự nhiên và sạt lở tăng tốc do tác động gia tăng của con người.

Cần phân biệt nguyên nhân chính và phụ

Trước đây, trong quá trình kiến tạo đồng bằng, dù có sạt lở và bồi đắp nhưng do phù sa dồi dào nên bồi đắp luôn trội hơn. Kết quả là đồng bằng luôn nở ra, tiến về phía biển Đông được 250 ki lô mét với tốc độ trung bình mỗi năm 16 mét về phía biển Đông và 26 mét về hướng Mũi Cà Mau.

Đến đầu thập kỷ 1990, khi các đập thủy điện dần xuất hiện trên lưu vực Mêkông thì sạt lở bắt đầu gia tăng, bồi đắp chậm lại. Đến năm 2005 thì đạt ngưỡng cân bằng và từ đó về sau, sạt lở gia tăng dữ dội. Kết quả là ngày nay, hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL hơn 500 ki lô mét bờ sông đang sạt lở.

Thêm vào đó, hoạt động khai thác cát suốt dọc chiều dài sông Mêkông và ngay ở ĐBSCL càng ngày càng gia tăng theo thời gian. Thiếu phù sa mịn (bùn) làm cho dòng nước trở thành “nước đói” phải ăn vào bờ để bù năng lượng. Thiếu cát làm cho đáy sông sâu hơn, bờ trở nên cao hơn, nặng hơn nên sụp đổ.

Khi đáy sông cái (sông Tiền, sông Hậu) bị sâu thì nó rút đáy sông nhánh ra để bù. Các sông nhánh tới lượt mình bị sâu thì sẽ rút đáy sông con ra. Các sông con sẽ tiếp tục rút đáy các sông con nhỏ hơn và các kênh rạch nhỏ hơn nữa.

Theo đó, sạt lở lan tỏa khắp nơi trên toàn đồng bằng. Ở các kênh rạch nhỏ, còn một nguyên nhân góp vào nữa đó là các con lộ nông thôn mới thường được làm sát mé sông và lòng sông được nạo lên để đắp đường làm cho lòng sông, kênh rạch đã sâu càng sâu thêm.

Vậy nguyên nhân chính của sạt lở ở ĐBSCL là do thiếu bùn và cát, chính là vật liệu đã tạo nên đồng bằng này. Tất cả nguyên nhân khác đều là phụ hoặc cục bộ tại chỗ, không phải là nguyên nhân phổ quát của sự mất cân bằng nghiêm trọng gây ra tình trạng sạt lở khắp nơi ở ĐBSCL ngày nay.

Chúng ta hãy thử xem xét một số nguyên nhân khác thường hay được liệt kê, ví dụ: (i) Nguyên nhân sạt lở là do ĐBSCL có địa chất yếu. Điều này không đúng bởi vì địa chất ĐBSCL đã luôn luôn như thế chứ không phải mới yếu gần đây.

(ii) Nguyên nhân sạt lở là do ĐBSCL có mức chênh lệch thủy triều quá lớn, trong ngày có hai lần nước lớn nước ròng, nước lớn dâng nước lên làm cho đất bị ướt, sau đó vài tiếng lại rút ra làm cho đất bị mất cân bằng nên sạt lở. Điều này cũng không đúng vì thủy triều đã luôn như thế, không phải mới có gần đây.

(iii) Sạt lở là do sóng tàu thuyền. Điều này chỉ đúng ở một vài nơi cụ thể, không phải là nguyên nhân phổ quát có thể giải thích cho sạt lở cả ngàn ki lô mét bờ sông, bờ biển được. (iv) Sạt lở là do tập quán người dân ĐBSCL sống ven sông, cất nhà cửa chất tải lên bờ sông gây sạt lở.

Ngoại trừ những công trình lớn ven sông, còn lại thì nhà cửa ven sông không phải là nguyên nhân mà là nạn nhân của sạt lở. Có những ngôi nhà đã tồn tại sáu bảy chục năm, trước đây không sạt lở nay bị sạt lở thì phải do biến động khác. Có nhiều đoạn bờ sông không có nhà cửa trên đó vẫn sạt lở.

Biện pháp thích ứng nào với tình hình sạt lở?

Đối với vấn đề sạt lở, chúng ta có thể nghĩ tới ba nhóm giải pháp: công trình, phi công trình và rút lui.

Biện pháp công trình có hàng loạt nhược điểm. Công trình rất đắt đỏ, chúng ta sẽ không bao giờ đủ tiền để chạy theo sạt lở bằng cách này. Can thiệp bằng công trình ở nơi này sẽ gây sạt lở nơi khác vì dòng sông tự tìm cách cân bằng động lực. Không có công trình nào vĩnh cửu cả.

Công trình nào cũng có tuổi thọ và chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ tăng theo thời gian. Công trình có thể tạo ra cảm giác an toàn giả, đến khi sụp đổ thì gây thiệt hại nhiều hơn. Do đó, biện pháp công trình không nên được thực hiện tràn lan mà chỉ nên thực hiện để bảo vệ những nơi xung yếu như đô thị, nơi đông dân cư, nơi có cơ sở hạ tầng quan trọng chưa thể di dời.

Biện pháp phi công trình như kè mềm, trồng bần ven sông có lợi thế chi phí thấp, phù hợp sinh thái, tạo cảnh quan đẹp, tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh. Do đó, biện pháp này nên được ưu tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu phù sa ngày nay, các biện pháp mềm cũng chỉ khả thi ở những nơi đang bồi hoặc ít sạt lở, còn những nơi bị sạt lở mạnh thì biện pháp mềm này cũng không còn khả thi nữa.

Ngày nay, chúng ta thường hay nghe rằng “phải tìm biện pháp căn cơ, biện pháp dài hơi” để ứng phó với sạt lở. Nhưng trong tình hình thực tế này, cần hiểu rằng mọi hành động ở nội tại ĐBSCL chỉ là chống đỡ với hệ quả chứ không giải quyết được nguyên nhân gốc của vấn đề. Một nguyên tắc đơn giản để nhìn nhận vấn đề đó là một khi nguyên nhân còn thì hệ quả còn và chúng ta không thấy có lý do nào để sạt lở sẽ dừng lại.

Vậy biện pháp căn cơ là gì và biện pháp dài hơi để nhằm đạt được mục tiêu gì? Như đã phân tích ở trên, gốc rễ của vấn đề sạt lở của ĐBSCL là thiếu cát và phù sa nên việc tiếp tục chống đỡ và hy vọng dừng được sạt lở xem ra là không thể. Vậy với thực tế này, chúng ta cần sắp xếp ưu tiên những hành động thích ứng để tập trung nguồn lực, tránh tình trạng làm dàn trải, lãng phí?

Hai việc cần ưu tiên

Hai việc ưu tiên để tránh thiệt hại tài sản, tính mạng và ổn định đời sống cho 20.000 hộ dân ven sông ĐBSCL là di dời, tái định cư ổn định sinh kế cho người dân và cảnh báo sớm trước khi sạt lở xảy ra để người dân kịp di tản.

Việc ưu tiên thứ nhất là di dời, tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân. Di dời trước sẽ đỡ thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân hơn là di dời sau khi sạt lở đã xảy ra. Đây là một thách thức lớn, cả với người dân và chính quyền.

Khi chúng ta sống ở một nơi nào đó thì như là cái cây bám rễ về mặt xã hội, quan hệ xóm giềng, quan hệ mua bán, sinh kế, con cái đi học. Dù biết là sạt lở đang đe dọa nhưng bây giờ đi đâu, đến nơi mới thì sống bằng cái gì?

Đối với chính quyền, cái khó là không thuyết phục được người dân di dời và quỹ đất ở đâu mà lập khu tái định cư, rồi làm sao hỗ trợ người dân ổn định sinh kế trong khi thiếu ngân sách. Biết là khó, nhưng biện pháp này vẫn cần được ưu tiên. Hơn nữa, càng thiếu kinh phí thì càng phải giảm đầu tư hàng ngàn tỉ vào những công trình chống sạt lở kém hiệu quả để ưu tiên cho việc này.

Việc ưu tiên thứ hai là cảnh báo sớm. Còn nhiều những vụ sạt lở xảy ra bất ngờ, khi mà chân bờ sông đã rỗng mà người dân sống ở trên không hề hay biết cho đến khi toàn bộ khối đất trượt xuống sông, kéo theo nhà cửa, tài sản, có khi vào ban đêm lúc người dân đang ngủ.

Với đặc điểm sạt lở bờ sông ĐBSCL là chân bờ bên dưới bị rỗng, hay gọi là “hàm ếch” bên dưới bờ sông, thì việc cảnh báo sớm để người dân kịp chạy là tìm phát hiện kịp thời những hàm ếch mới hình thành trong tuần, trong tháng để thông báo cho người dân.

Việc này hoàn toàn không khó, không tốn kém với những thiết bị siêu âm quét lòng sông tại những điểm nguy cơ cao vào những tháng từ giữa đến cuối mùa khô. Nghiên cứu khoa học bài bản về sạt lở là rất cần thiết, nhưng chỉ nên làm tổng lực, một lần trên toàn đồng bằng để từ đó đưa ra chiến lược.

Ngược lại, nếu chúng ta cứ loay hoay với những “nghiên cứu bài bản”, khoan sâu lấy mẫu phân tích địa chất, tính toán biên độ thủy triều, lưu tốc dòng chảy, tính độ ổn định bờ sông, hàm lượng phù sa trong nước, đếm số tàu thuyền, đo năng lượng sóng tàu thuyền, đo biến đổi lưu lượng các nhánh sông… sau mỗi vụ sạt lở, rồi lập hội đồng nghiệm thu đề tài, thì sẽ không kịp ứng phó với tình hình.

(*) Chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới