(KTSG Online) – Ba tháng gần đây khi dịch Covid-19 bùng phát ở tất cả các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã khiến hơn 10.000 doanh nghiệp ở khu vực này phải rời thị trường.
Tại buổi đối thoại trực tuyến “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19” diễn ra vào hôm nay, 31-8, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này đã gây ra khủng hoảng trên toàn miền Nam, trong đó, với ngành chế biến nông, thủy sản ở ĐBSCL gần như "tê liệt" hoàn toàn.
Theo đó, chỉ trong vòng hai tháng qua, ĐBSCL đã có hơn 60.000 ca mắc Covid-19, dù không nhiều so với TPHCM hay tỉnh Bình Dương, nhưng việc xuất hiện rải rác ở cả 13 địa phương trong toàn vùng, dẫn đến tình trạng “đóng băng” trong sản xuất do các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế, theo ông Lam, từ tháng 6 đến 8-2021, toàn vùng ĐBSCL đã có trên 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, cao hơn tổng số doanh nghiệp đã rời thị trường trong nửa đầu năm nay đến khoảng 4.000 doanh nghiệp (6 tháng đầu năm có hơn 6.000 doanh nghiệp rời thị trường). Trong khi đó, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động của vùng ĐBSCL lên đến gần 90%.
Trong thư gửi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam của 14 Hiệp hội ngành hàng về việc “kiến nghị các chính sách hỗ trợ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19” hôm 30-8 cho thấy, trong các ngành sản xuất xuất khẩu, chỉ 15-20% doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, tức có 80-85% doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng sản xuất.
Đối với riêng ngành thuỷ sản, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng cho biết, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", tức có 70% doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Ngưng hoạt động đồng nghĩa các doanh nghiệp đều phải chấp không có doanh thu, nhưng vẫn phải chi trả các khoản định phí lớn như: thuê kho bãi- nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc cho người lao động...
Cụ thể, theo tính toán sơ bộ, một công ty thủy sản quy mô trung bình, mức thua lỗ là 10 tỉ đồng/tháng khi doanh nghiệp ngưng sản xuất.
Ông Lam của VCCI Cần Thơ cho rằng, khu vực ĐBSCL có đặc thù là vùng chủ lực của các mặt hàng nông, thủy sản, cho nên, nếu kéo dài tình trạng không thu hoạch được, sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí vùng nguyên liệu không còn và khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn. “Do vậy, có thể dẫn đến khủng hoảng về an ninh lương thực, thực phẩm, ảnh hưởng kéo dài đến sau đại dịch”, ông nói.