(KTSG Online) – 17 bộ, cơ quan Trung ương ước chi giải ngân khoảng 464 tỉ đồng vốn đầu tư công tính tới 31-5-2022, bằng 3,86% kế hoạch năm 2022, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại buổi làm việc ngày 17-5 giữa Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được giao cho 17 bộ, cơ quan Trung ương là 12.019 tỉ đồng.
Tuy nhiên, giá trị ước giải ngân của các cơ quan này tính đến tháng 5-2022 chỉ ước đạt khoảng 464 tỉ đồng, đạt 3,86% kế hoạch năm 2022 và thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 20,27%. Trong đó có 13 đơn vị dự kiến giải ngân dưới 10%.
17 bộ, cơ quan gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TPHCM, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam là 12.019 tỉ đồng.
Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – cho biết các dự án thuộc Bộ quản lý chậm giải ngân do do chất lượng chuẩn bị hồ sơ dự án chưa kỹ lưỡng nên gặp vướng mắc khi triển khai.
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - cho rằng việc giao vốn ngân sách Nhà nước muộn cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, giải ngân.
Ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội – cho biết hiện nhiều dự án vốn ODA đang bị chậm do quy trình, thủ tục còn phức tạp, nhất là trong trường hợp phải điều chỉnh, bổ sung nội dung dự án.
Để tăng tốc độ giải ngân, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu.
Ngoài ra, từng đơn vị phải chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Chia sẻ tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ tất cả các khâu, từ chuẩn bị dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng đến triển khai thi công, đôn đốc tiến độ, đồng thời, khắc phục tình trạng đưa dự án chưa hoàn thiện thủ tục vào danh mục đầu tư. Ngoài ra, cần thực hiện dứt điểm việc giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án.
Tiền có, nhưng giải ngân chậm, dẫn đến chậm lương, thu nhập người lao động thấp, nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, vẫn thăng quan, tiến chức.