(KTSG) - Tất cả chúng ta dường như là một con người khác sau những năm tháng dài chịu đựng dịch giã. Ai cũng trầm lắng suy tư nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn. Làm sao mà không thay đổi cơ chứ, bởi cuộc sống thật mỏng manh “có đấy-mất đấy”. Những người thân trong gia đình, bạn bè mới đây thôi còn tíu tít mà giờ đây đã ở nơi xa ngái trong sự bàng hoàng thảng thốt, cũng mới đây thôi cả thành phố rơi vào trạng thái bất động, tĩnh lặng và lạnh giá đến buốt lòng.
Tối giản vật chất
Tôi mới ghé thăm cô bạn quen vốn là một chủ doanh nghiệp, ngay sau khi có chủ trương “thích ứng linh hoạt” cô ấy chuyển từ một penhouse với tiện nghi sang trọng, đắt tiền đến một ngôi nhà nhỏ cấp 4 ở Hóc Môn, nội thất hầu như không có gì ngoài cái giường, bàn làm việc và bếp. Hàng ngày, ngoài lúc làm việc từ xa ra là cô tha thẩn với mấy khóm hoa, cây cảnh. Cô từng bị F0 và may mắn qua khỏi. Những ngày đứng giữa lằn ranh sinh tử làm cô ngộ ra nhiều điều về sự vô nghĩa của các cuộc cạnh tranh khốc liệt, của sự hào nhoáng và cả cơn cuồng nộ kiếm tiền rồi lao vào cơn mê sảng mua sắm. Cô chọn lối sống giản dị, đơn giản cho nhẹ nhàng.
Sau hơn hai năm dịch, rất nhiều người trên thế giới cũng chọn lối sống ấy. Có thể một ngày nào đó hết dịch, sẽ có nhiều người lại quay trở về với “chủ nghĩa tiêu dùng”, nhưng sẽ có những người rời xa nó. Một dự báo có cơ sở là cách sống ít phụ thuộc vào tiện nghi sẽ trở thành một xu hướng xã hội thu hút rất nhiều người. Đó là lối sống tối giản về cả vật chất lẫn quan hệ xã hội.
Những ngày đứng giữa lằn ranh sinh tử làm cô ngộ ra nhiều điều về sự vô nghĩa của các cuộc cạnh tranh khốc liệt, của sự hào nhoáng và cả cơn cuồng nộ kiếm tiền rồi lao vào cơn mê sảng mua sắm. Cô chọn lối sống giản dị, đơn giản cho nhẹ nhàng.
Chủ nghĩa tối giản (minimalism) đã có từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Nó phát triển khá mạnh ở Nhật Bản, Hồng Kông. Lối sống tối giản của người Nhật Bản, thường được gọi là danshari hay minimalism. Tối giản ban đầu xuất phát từ kiến trúc gọi là kiến trúc tối giản, trong đó tiêu điểm là nội thất tối giản. Một bộ phận người Nhật họ sống không phụ thuộc vào đồ nội thất, trong nhà họ không có đồ đạc thừa, tất cả chỉ vừa đủ ở mức tối thiểu nhất.
Ở một số nơi như Hồng Kông, Singapore có thể do đất không rộng, giá nhà quá đắt cho nên nhà ở, căn hộ rất nhỏ chỉ chừng 10-12 mét vuông, do vậy họ buộc phải tạo ra không gian sống tối giản đến mức nhiều nhất có thể. Đó không phải là lối sống khổ hạnh hay cách phải chấp nhận của người nghèo, mà là một triết lý sống chi phối hành vi. Quan niệm sống của họ thu gọn trong triết lý “less is more” (ít có nghĩa là nhiều). Điều đó có nghĩa là ít đồ đạc (được hiểu là những thứ ngoại thân) sẽ có nhiều không gian rỗng để cho chúng ta tự do di chuyển; ít hay không có đồ đạc sẽ làm chúng ta không phải bận lòng để làm sao có được nó, phải kiếm tiền, mua sắm, giữ gìn, rồi đến lúc thanh lý.
Ít ở đây làm cho chúng ta sống không phải phụ thuộc vào nó như không ngủ được nếu không có máy lạnh, không có đồ hiệu không ra khỏi nhà; ít đồ đạc không phải vay nợ, không phải mất công sức và trí tuệ tìm kiếm, truy lùng các món đồ được gọi là “phong cách” như là cách khẳng định vị thế của mình trong xã hội; và khi di chuyển đi đâu đó không phải vất vả mang theo và ân hận vì những cái bỏ lại. Khi bắt đầu vứt bớt những thứ đồ được cho là thừa thãi, bạn sẽ bắt đầu thấy cuộc sống nhẹ nhàng và thoải mái hơn, ung dung tự tại hơn, như những người có máu phiêu lưu nói “cuộc sống gói gọn trong cái ba lô”.
Việc không cần chú trọng quá nhiều vào vật chất giúp người ta tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và năng lượng tư duy để dành cho những điều khác quan trọng hơn trong cuộc sống, trong đó phải kể đến là làm thiện nguyện. Các nghiên cứu khoa học cho thấy chủ nghĩa tối giản giúp cho chủ thể không phải chạy theo những thứ phù phiếm bên ngoài để thỏa mãn người khác và làm hài lòng những đánh giá của xã hội, mà được trở về với bản ngã thực của mình để sống hạnh phúc hơn. Thêm nữa khi theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng, mọi người không chỉ là nô lệ của tiền bạc, đồ vật mà luôn mệt mỏi với những quyết định trước những lựa chọn cái này hay cái kia.
Chừng 10 năm trở về đây, lối sống tối giản trong không gian sống cá nhân được mở rộng ra hơn vào các không gian làm việc, và điều kiện sống. Họ không mua sắm xe hơi, xe máy và hàng hiệu. Với họ không có khái niệm phòng làm việc mà có thể ngồi bất cứ đâu, quán cà phê, bãi cỏ, ghế đá công viên với cái máy tính có kết nối là đủ.
Trong điều kiện sống bình thường, lối sống này được nhiều người chọn như một thứ “khác biệt”, thậm chí thấy “hay hay” nhưng trong những ngày dịch bùng phát nhiều người sống sót sau khi nhiễm Covid và những người ở trong tâm dịch mới nhận thấy giá trị thực của nó. Chả biết có đúng không, các cụ xưa nói nợ trần gian nhiều quá khó mà “vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay”. Sống tối giản không nợ ai, mà cũng không để lại quá nhiều tiền bạc, tài sản, đất đai, cổ phiếu làm khó cho người ở lại.
Tối giản quan hệ xã hội
Người ta từng nói nếu bạn có nhiều người chơi thì có nghĩa là bạn giàu có, nói theo ngôn từ khoa học là “vốn xã hội dồi dào”. Nhưng trong cơn đại dịch người ta lại phải suy nghĩ lại điều đó đúng không? Anh chàng sinh viên Michel của trường Đại học Toronto nhận thấy chất lượng của quan hệ cần hơn là số lượng mối quan hệ, ngày thường lúc nào quanh anh ta cũng có khoảng 20 người bạn được coi là cùng một đội (team), cùng nhau đi picnic, đi chơi thể thao, đi bar và quậy phá các cô gái, nhưng mấy tháng dịch chỉ có ba người gọi điện hỏi thăm, trong đó có một người mượn tiền và từ đó anh ta bắt đầu có ý thức dọn dẹp các quan hệ xã hội không cần thiết như là dọn các món đồ không còn sử dụng ra khỏi tủ. Michael nghĩ thà có ít bạn nhưng thủy chung và nuôi dưỡng nó tốt hơn là nhiều mà cứ “lềnh bềnh” và anh ta xóa bớt những quan hệ như thế trong điện thoại, dành thời gian cho những việc có ích hơn.
Vào thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, hầu hết trong chúng ta không bước chân ra khỏi nhà. Cứ loanh quanh trong bốn bức tường, cứ nằm đó ngó mông lung lên trần nhà và tự nhiên thấy sao lúc trước mình phung phí thời gian và tiền bạc vào chuyện không đâu và những mối quan hệ nhạt nhẽo thế nhỉ. Lúc trước hầu như tối nào cũng tụ tập thành nhóm, ít thì vài ba nhiều thì vài chục kéo nhau gầy độ nhậu ở đâu đó, tụ tập nhau đi câu, đi du lịch, đi phượt, nhưng vào dịch còn có mỗi mình với cán bộ phường được phân công theo dõi một liên gia. Lúc đầu thấy tù túng khó chịu, nhưng riết rồi cũng quen, thậm chí có người tự vấn sao lúc bình thường có bao nhiêu bằng hữu “chèn thù chén tạc” là thế mà khi hết gạo, hết rau, thiếu muối chả thấy ai tiếp viện, cho dù ối anh trong số đó có quyền qua hết thảy các chốt chặn.
Mấy tháng dịch nhiều người nhận ra thấy lúc trước thời gian dành cho vợ chồng, con cái, người thân ngay bên cạnh quá ít, còn dành cho cha mẹ ở quê còn ít hơn thế nhiều lần. Bây giờ, mỗi khi gặp nhau ai cũng nói “còn nhìn thấy nhau là quý rồi”, điều đó cho thấy cuộc sống thật mỏng manh, từ đó mới biết việc tiết kiệm tiền bạc, thời gian và cả quan hệ nữa là điều cần thiết. Hơn 30.000 người mất vì dịch, hầu hết trong số họ ra đi không người thân, bạn bè bên cạnh. Họ chào con cháu, vợ chồng ra xe đi cách ly, ít ngày sau trở về trong một cái hũ. Lúc này mới thấm thía câu ca từ trong bài Không tên số 4 của nhạc sĩ Vũ Thành An rằng “Triệu người quen có mấy người thân/khi lìa trần có mấy người đưa”. Đến lúc mọi người nhận ra cần biết bỏ qua những mối quan hệ nào và tập trung chăm sóc, củng cố, gìn giữ những mối quan hệ nào. Việc cắt giảm những mối quan hệ được coi là “tào lao” cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa tối giản. Tuy vậy, lối sống tối giản xét theo góc độ nào đó, thời điểm nào đó là cần thiết, nhưng đừng cực đoan quá, coi chừng rơi vào triệt tiêu nhu cầu sống và hủy hoại quan hệ xã hội thì lại là điều dở.
Ngày Tết mà nói đến chuyện mất mát là không vui rồi, nhưng biết làm sao. Một biến cố giúp chúng ta nhìn nhận lại mình cũng là điều nên mà. Có thể ai đó trong chúng ta không đi theo lối sống tối giản này, nhưng ý tưởng của nó cũng nên tham khảo.