Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sau giai đoạn căng thẳng, lãi suất tiền gửi đã ổn định trở lại nhờ đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau giai đoạn căng thẳng, lãi suất tiền gửi đã ổn định trở lại nhờ đâu?

Tuệ Nhiên

(KTSG) - Như bài viết Rục rịch tăng lãi suất huy động đăng trên Kinh tế Sài Gòn số 28 ra ngày 8-7-2021(*) đã chỉ ra những áp lực tăng lãi suất huy động thời điểm đó chỉ là nhất thời, diễn biến trong một tháng qua cho thấy đúng là mặt bằng lãi suất tiền gửi đang ổn định trở lại.

Sau giai đoạn căng thẳng, lãi suất tiền gửi đã ổn định trở lại nhờ đâu?
Techcombank tiếp tục là ngân hàng có khung lãi suất huy động thấp nhất hiện nay trên thị trường. Ảnh:

Lãi suất giảm nhanh trở lại

Từ ngày 10-8-2021, khung lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Techcombank đã giảm đồng loạt 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, theo đó kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 2,55%/ năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn từ 2,75-2,8%/năm, trong khi kỳ hạn 6-11 tháng niêm yết bằng với mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng hiện nay là 4%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 4,4-4,8%/năm.

Techcombank tiếp tục là ngân hàng có khung lãi suất huy động thấp nhất hiện nay trên thị trường. Với tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng) cao nhất hệ thống hiện nay và khung lãi suất huy động thấp kỷ lục này, Techcombank đạt được mức chi phí vốn đầu vào cũng gần như thấp nhất hệ thống hiện nay.

Ngay từ những ngày đầu tháng 8, OCB cũng đã giảm từ 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ 1-11 tháng, ngoại trừ kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm; các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cũng chứng kiến mức giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.

Một ngân hàng khác là VIB cũng giảm đều 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, trong khi HDBank giảm 0,1 điểm phần trăm kỳ hạn 1-5 tháng, giảm 0,15 điểm phần trăm kỳ hạn 6-11 tháng, giảm từ 0,2-0,4 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Thanh khoản ngân hàng thương mại lại dồi dào nhờ lượng tiền gửi tăng, phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ, NHNN cung tiền đồng qua kênh ngoại tệ và KBNN mua lại trái phiếu chính phủ.

Những ngân hàng có quy mô huy động lớn như BIDV cũng có động thái giảm 0,1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, hay Sacombank đã giảm 0,1 điểm phần trăm đều ở các kỳ hạn từ hai tháng trở lên từ giữa tháng 8.

Nhưng gây sốc nhất có lẽ là MBBank, khi giảm mạnh tới 0,5 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn 6-8 tháng và 13 tháng, các kỳ hạn còn lại cũng giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.

Thống kê cho thấy đã có xấp xỉ 10 ngân hàng quyết định giảm lãi suất huy động trở lại trong hơn một tháng qua, theo đó lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng đến giữa tháng 8 đã giảm 0,02 điểm phần trăm so với cuối tháng 6 ở kỳ hạn 1-5 tháng, giảm 0,03 điểm phần trăm kỳ hạn 6-11 tháng, giảm 0,05 điểm phần trăm kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,04 điểm phần trăm kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Như vậy, sau giai đoạn chịu áp lực trong tháng 5 và 6, lãi suất tiền gửi đã ổn định và giảm trở lại từ tháng 7 đến nay, chủ yếu nhờ thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại.

Thanh khoản lại dồi dào nhờ đâu?

Theo số liệu trong báo cáo về ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố gần đây, tăng trưởng huy động vốn đến cuối tháng 6 là 4,1% so với đầu năm, còn tín dụng tăng 6,5%. So với con số của Tổng cục Thống kê công bố tính đến ngày 21-6 là 3,1% và 5,5%, có thể thấy tiền gửi và tín dụng đều tăng nhanh 1% chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày cuối tháng 6. Tuy nhiên, với quy mô tiền gửi đang lớn hơn, nên tính theo số tuyệt đối thì tiền gửi tăng gần 97.200 tỉ đồng, cao hơn 2.500 tỉ đồng so với mức tăng tín dụng là gần 94.700 tỉ đồng trong chín ngày cuối tháng 6.

Nếu như phần tín dụng tăng thêm không loại trừ khả năng đến từ việc cơ cấu nợ theo hướng lãi nhập gốc do ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì tiền gửi tăng cũng bởi dịch bệnh khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngưng hoặc thu hẹp hoạt động dẫn đến nguồn vốn nhàn rỗi tạm thời trú ẩn tại ngân hàng, cộng thêm lượng tiền của cá nhân đọng lại trên tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán do nhu cầu thanh toán, tiêu dùng giảm sút vì chính sách giãn các xã hội.

Tuy nhiên, lượng vốn tăng thêm mạnh mẽ của nhiều ngân hàng chủ yếu đến từ việc phát hành trái phiếu. Trong bảy tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã phát hành gần 80.000 tỉ đồng trái phiếu, trong đó riêng lượng phát hành trong tháng 6 và tháng 7 đã lên tới hơn 44.800 tỉ đồng, chiếm 56% tổng giá trị đã phát hành. Trong đó, các ngân hàng tiếp tục tập trung vào việc phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn 2-4 năm với lãi suất thấp kỷ lục từ 3-4%/ năm, chỉ một số ít thương vụ phát hành ở kỳ hạn dài để tăng vốn tự có cấp 2.

Nguồn thứ ba giúp thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại đến từ lượng cung tiền đồng mạnh mẽ thông qua kênh ngoại tệ, khi các hợp đồng bán ngoại tệ đầu năm đáo hạn dần. Ước tính đã có 118.000 tỉ đồng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ra thị trường, tương ứng với 75% hợp đồng bán ngoại tệ ký kết đầu năm đã đáo hạn trong tháng 7, theo dữ liệu từ Công ty chứng khoán SSI. Ngoài ra, 40.000 tỉ đồng còn lại sẽ tiếp tục được bơm ra trong tháng 8 này.

Như vậy, chỉ riêng lượng trái phiếu phát hành của ngân hàng trong hai tháng 6 và 7 cùng với lượng tiền đồng bơm ra qua kênh ngoại tệ đã lên tới  gần 163.000 tỉ đồng, chưa tính 40.000 tỉ đồng sắp được bổ sung.

Mới đây NHNN cũng đã chuyển từ niêm yết giá mua đô la Mỹ kỳ hạn sang giao ngay, do đó lượng cung tiền đồng có thể tiếp tục được bơm ra trong thời gian còn lại của năm nay. Đặc biệt, mỗi khi thanh khoản chịu áp lực, chính sách mua ngoại tệ có thể được thực hiện mạnh tay hơn để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, tạo điều kiện giữ lãi suất tiếp tục ở mức thấp.

Nguồn cung tiền đồng thứ tư là từ kênh trái phiếu chính phủ (TPCP), khi Kho bạc Nhà nước (KBNN) có thể sử dụng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi để mua lại TPCP trước hạn, điều vốn đã có chủ trương từ tháng 4 năm nay. Theo đó, các ngân hàng đang sở hữu TPCP khi cần tiền có thể bán lại có kỳ hạn trái phiếu cho KBNN để bổ sung thanh khoản hoạt động.

Thực tế, giữa tháng 7, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và KBNN đã tổ chức phiên đấu thầu đầu tiên để mua lại TPCP có kỳ hạn với giá trị mua lại đạt 300 tỉ đồng. Theo lãnh đạo KBNN, trong quí 3 này, tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP là gần 55.000 tỉ đồng.

Cuối cùng là lượng vốn được bổ sung từ việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, đã bắt đầu được thực hiện từ tháng 7. Như MBBank hôm 12-7 đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:35 (100 cổ phiếu cũ nhận 35 cổ phiếu mới), hay VietinBank chia tỷ lệ 100:29 vào ngày 8-7… Việc tăng vốn điều lệ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian còn lại của năm nay, cũng như giai đoạn tới.

Ngày 12-8 VPBank đã chia sẻ về kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỉ đồng trong thời gian tới, từ các nguồn sau: bán 49% vốn điều lệ FECredit cho tập đoàn SMBC mang lại gần 1,4 tỉ đô la Mỹ; phát hành gần 2 tỉ cổ phiếu trị giá gần 20.000 tỉ đồng từ nguồn cổ tức và thặng dư vốn cổ phần; phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

(*) https://www.thesaigontimes.vn/318058/ruc-rich-tang-lai-suat-huy-dong.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới