(KTSG) - Những quy định mới trong Nghị định 08/2023 có lẽ sẽ giúp các doanh nghiệp có tiềm lực thu xếp vấn đề trái phiếu, gia tăng tín nhiệm trong mắt nhà đầu tư để tiếp tục sử dụng kênh huy động vốn này.
- Gỡ khó cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu
- Giãn đáo hạn trái phiếu, bất động sản vẫn lênh đênh cùng các khoản nợ
Cánh cửa hé mở
Theo số liệu ước tính của VNDirect, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 vào khoảng 252.000 tỉ đồng, áp lực đáo hạn mạnh nhất rơi vào quí 2 và quí 3 với khoảng 63% tổng giá trị. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023.
Tính tới ngày 5-3-2023 đã có 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm đa số.
Nghị định 08/2023 sửa đổi bổ sung và ngừng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế tạo tiền đề giúp doanh nghiệp có một khoảng thời gian để cơ cấu và tìm kiếm dòng tiền, đồng thời tạo nên một cơ sở pháp lý trấn an nhà đầu tư. Dù vậy, muốn hoãn, giãn nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu tối đa hai năm hay hoán đổi chúng thành những tài sản khác theo Nghị định 08, cái gật đầu của trái chủ vẫn là điều kiện tiên quyết. Trong cuộc thương lượng này, chỉ doanh nghiệp mới có thể tự giúp mình.
Đầu tiên là sự tự nguyện chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp đang hoặc sắp rơi vào tình trạng không thể thanh toán lãi và nợ gốc cho các trái chủ phải chủ động liên lạc, đề xuất sắp xếp cuộc họp hội nghị chủ nợ.
Thứ hai là sự công khai, minh bạch từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính có kiểm toán cho các trái chủ. Quan trọng hơn, phải có giải trình chi tiết về việc sử dụng các khoản tiền huy động từ trái phiếu, trình bày cụ thể nguyên nhân doanh nghiệp chưa thể thanh toán lãi và nợ gốc đúng hạn. Nếu nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan, thì triển vọng trong ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp theo các kịch bản phát triển gắn với việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ có thể sẽ thuyết phục được nhà đầu tư. Nếu khó khăn là do sự lãnh đạo yếu kém, phải có người chịu trách nhiệm và các trái chủ cần được thông báo về con đường tái cơ cấu doanh nghiệp, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cuối cùng là sự tôn trọng và đáp ứng cao nhất lợi ích nhà đầu tư. Tại thời điểm này, lời hứa suông về một mức lãi suất cao hơn nếu trái chủ đồng ý hoãn, giãn kỳ hạn thanh toán rất khó lọt tai bất cứ ai. Tương tự, đề xuất hoán đổi nợ trái phiếu lấy bất động sản hình thành trong tương lai dựa trên một mức giá xa lạ với thị trường hiện tại chắc chắn không nhận được sự đồng thuận. Nếu nhà đầu tư lùi một bước, bản thân doanh nghiệp phải lùi hai đến ba bước, bám vào hai mục tiêu: hoàn trả nợ trái phiếu và đảm bảo doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại. Muốn hoán đổi nợ trái phiếu lấy tài sản, hãy mang ra những món đồ có chất lượng và tính thanh khoản cao nhất.
Vai trò của Nhà nước
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước phải được thể hiện trong sự giám sát quá trình đàm phán trả nợ của doanh nghiệp và đảm bảo trái chủ hiểu và thực thi quyền lợi của mình; không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp cố tình chây ỳ, viện cớ để kéo dài thời gian thương lượng hoặc thực hiện các nghĩa vụ đối với trái chủ.
Đối với các trái chủ, có hai vấn đề cần được các nhà quản lý lưu tâm. Đầu tiên là đảm bảo quyền được đàm phán, xin ý kiến của từng trái chủ theo quy định tại Nghị định 08. Ngoài việc tuyên truyền, thông tin về quyền lợi của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, có thể cân nhắc thành lập bộ phận tư vấn, hỗ trợ trái chủ thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chẳng hạn, trong trường hợp trái chủ muốn lựa chọn đòi quyền lợi tập thể, họ có thể tìm hiểu thông qua bộ phận tư vấn, thậm chí có thể nhờ bộ phận này giới thiệu những văn phòng luật sư uy tín đứng ra đại diện cho họ để thương thảo với doanh nghiệp. Tiếng nói lẻ loi của một nhà đầu tư chỉ là một cây đũa, khi tập hợp lại với nhau, nó sẽ trở thành bó đũa. Trong trường hợp này, sức mạnh đám đông đi cùng với sự sáng suốt của cả tập thể, nhờ vậy, việc đàm phán giữa doanh nghiệp và chủ nợ sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
Vấn đề thứ hai là bảo vệ quyền lợi của những nhà đầu tư riêng lẻ “bất đắc dĩ”. Một báo cáo công bố mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương đã đề cập tới vấn nạn “đại chúng hóa” trái phiếu riêng lẻ. Việc làm này đã vi phạm các quy định của pháp luật về phát hành, chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước.
Bộ phận tư vấn, giống như đề cập ở trên, cũng sẽ phát huy hiệu quả hoạt động trong vấn đề này. Các nhà đầu tư này có thể là những người về hưu, kinh doanh nhỏ..., yếu thế cả về năng lực hiểu biết tài chính, cả quyền tiếp cận, phổ biến thông tin nên cần được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý. Nếu muốn áp dụng những biện pháp dân sự, họ cần được giúp đỡ để đứng cùng nhau, tìm người am hiểu để đại diện cho quyền lợi của họ.
Nút thắt nằm ở điểm thanh khoản và dòng vốn, hiện tại TPDN chưa thể phục hồi vì niềm tin của thị trường chưa trở lại nên rất cần nhà nước xem xét hướng giải quyết cho các ngân hàng thương mại hay tổ chức tài chính đảm bảo trái phiếu dựa trên tài sản bảo lãnh như Hàn Quốc đã làm, vực dậy được lòng tin thị trường thì TPDN mới có cơ hội phát triển. Song song đó cũng cần xem xét các doanh nghiệp bị nợ tồn đọng trái phiếu lớn khi các nguồn tiền bị dàn trải dẫn đến mất thanh khoản, vì thế cần các tổ chức tín dụng lựa chọn những dự án đủ cơ sở pháp lý và có triển vọng để mua lại hay dùng nó để thế chấp vay mới để tạo nguồn tiền cho doanh nghiệp. Bởi vì các dự án nếu bán thời điểm này cũng rất khó kiếm được người mua và giá bán quá rẻ thì giao dịch sẽ không thành công. Nếu các phương án không tính toán và thực thi kịp thời thì chắc chắn rằng BĐS sẽ tê liệt trong thời gian tới.