Thứ năm, 1/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sau “phòng the” là “xài chùa”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau “phòng the” là “xài chùa”

Tiến Tài

(TBKTSG) - Bên cạnh xu hướng dung tục, lá cải hóa, một hiện tượng không kém phần lo ngại là chuyện “xài chùa”, “chôm chĩa” tin, bài của nhau trên báo mạng hiện nay. Tình trạng này diễn ra hầu như khắp nơi, từ các báo chính thống đến các trang thông tin điện tử tổng hợp, các trang mạng xã hội...

Thử lấy vài ví dụ gần đây nhất.

- Ngày 11-7-2011: lúc 6 giờ 42 Bee.net.vn có bài viết “Công chức chỉ làm việc 15 giờ 30 phút một năm?”, tác giả Văn Như Cương. Chỉ sau đó vài giờ, bài này được Doanhnhansaigon.vn, Vef.vn (phụ trang của Vietnamnet), Angiang.com.vn lấy xuống và đăng lại. Tham gia cùng với báo chính thống, còn có hàng loạt trang thông tin điện tử tổng hợp, các trang mạng xã hội như Baomoi.com; Tintuc.me; Xaluan.com; Toitim.net; Linkhay.com...

Cũng trong ngày, Vietnamnet có bài “Mất đời con gái vì vụng trộm với sếp”. Ngay lập tức bài viết nói trên đã được tái xuất hiện trên nhiều website khác nhau như Bariavungtau.com; Megafun.com; Chuyenhot.com; Netcafe.com...

- Vào ngày 12-7-2011: Vào lúc 14 giờ 32 nld.com.vn có đăng tin “Lạc tay lái, hiệu trưởng tông trưởng phòng giáo dục”. Gần ba giờ sau tin này đã được Bee.net.vn cho đăng lại nhưng tựa đề đã được sửa lại thành “Hiệu trưởng lái ô tô đâm trưởng phòng giáo dục”. Tương tự, rất nhiều website khác cũng xuất hiện bản tin có nội dung như trên.

- ...Ngoài những bài báo hay, có vẻ tình trạng “xài chùa” của nhau rơi nhiều hơn vào những tin, bài có nội dung giật gân, câu khách. Đại loại như giết người, hiếp dâm, tình ái, đời tư, xì căng đan... Đáng chú ý là kể cả nhiều tờ báo lớn cũng vô tư làm chuyện này. Cách “xài chùa” thì khá đa dạng. Có nơi ghi đầy đủ tên tác giả và tên báo nhưng cũng có không ít trường hợp ghi rất sơ sài (chỉ ghi tác giả hoặc báo) hoặc chẳng ghi gì cả. Lại có trường hợp tự chỉnh sửa lại một số nội dung của bài viết như sửa tựa đề, câu chữ, bố cục... thậm chí “xào” thành tin, bài của mình.

Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, tác phẩm báo chí là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Tác phẩm báo chí được quy định ở đây bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí...

Theo ông Nguyễn Mạnh Quý, Trưởng cơ quan đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TPHCM, việc sử dụng tác phẩm báo chí bao gồm các thể loại nói trên mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu đều là hành vi xâm phạm đến quyền tác giả đã được pháp luật bảo hộ. “Sử dụng vào bất cứ mục đích gì, kể cả thương mại hay cho, biếu... khi chưa được phép đều là phạm luật”, ông Quý nhấn mạnh.

Người đứng đầu cơ quan đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TPHCM lưu ý thêm là chỉ có một số trường hợp ngoại lệ tác phẩm được sử dụng mà không phải xin phép là trường hợp quy định tại điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ(1) và khoản 6, điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ(2). “Hoặc ví dụ đặt đường link dẫn tới bài báo mà không làm thay đổi giao diện tờ báo, chủ sở hữu bài báo đó thì không sao”, ông Quý nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, ngay cả trong trường hợp có “cẩn thận” ghi đầy đủ xuất xứ tác phẩm báo chí mà chưa xin phép thì việc sử dụng vẫn bị cho là vi phạm. “Nhiều tờ báo cứ tưởng ghi đầy đủ tên tác giả, nơi xuất xứ tác phẩm thì không sao cả. Đấy là một sự ngộ nhận!”, một luật sư phát biểu.

Về phía mình, có tờ báo chỉ nêu yêu cầu: “Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ trang web này”. “Việc cho phép dễ dãi như vậy chứng tỏ quyền tác giả vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ. Bởi thông tin có thể bị lợi dụng để khai thác vào mục đích thương mại; bị sữa chữa, cắt xén hoặc những hành vi có thể gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở tác phẩm”, vị luật sư nhận định.

Ngược lại, theo các chuyên gia, hành vi “xài chùa”, “chôm chĩa” nói trên không chỉ vi phạm pháp luật mà người “xài chùa” còn có thể tự “rước họa” vào thân. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp tác phẩm báo chí có những sai sót. Khi đăng lại những tác phẩm này, chính các tờ báo ấy cũng phải chịu liên đới trách nhiệm.

Một trường hợp mới đây là trường hợp cô Huỳnh Thị Thu Trang kiện một nhiếp ảnh gia về việc để cho hình ảnh của mình bị phát tán trái phép trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong vụ kiện này, hàng loạt cơ quan báo chí cũng sẽ phải liên lụy hầu tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan do đã “xài chùa” hình ảnh nói trên của nguyên đơn.

Tình trạng “xài chùa” trên báo mạng rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Không lẽ một hành vi phạm luật như vậy lại trở thành chuyện vô tư hàng ngày?

______

(1) Điều 15. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả 1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin...

(2) Khoản 6, điều 1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới