Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sau tê giác, có thể là hổ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau tê giác, có thể là hổ

Sơn Tùng

Sau tê giác, có thể là hổ
Bà Trần Minh Hiền.

(TBKTSG) – Việc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam (WWF Việt Nam) công bố sự tuyệt chủng của loài tê giác tại Việt Nam một lần nữa lại khấy động dư luận. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải làm gì để tránh những chuyện đau lòng tương tự tiếp tục xảy ra với động vật hoang dã tại Việt Nam. TBKTSG đặt câu hỏi này với bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam.

TBKTSG: Xin cho biết cảm giác của bà khi WWF công bố tài liệu cho thấy chắc chắn con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã biến mất.

– Bà Trần Minh Hiền: Đau đớn và tiếc nuối vô hạn. Chúng ta đã để tuột mất cơ hội cuối cùng vì đây không chỉ là sự tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên Việt Nam mà còn là sự biến mất vĩnh viễn của một phân loài tê giác Java trên toàn thế giới.

TBKTSG: Theo một số tài liệu, trước đây đã có lần người ta nói tê giác một sừng tại Việt Nam đã tuyệt chủng, nhưng tê giác lại xuất hiện sau đó. Theo bà, có phần trăm hy vọng nào để sự kiện này lặp lại một lần nữa hay không?

– Tôi ước gì điều thần tiên này sẽ lại một lần nữa xảy ra, đó cũng là ước mơ của rất nhiều người nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn. Tuy nhiên, điều mơ ước này chỉ là không tưởng. Hai mươi năm về trước, rừng nguyên sinh tại Việt Nam còn nhiều, công tác nghiên cứu và bảo tồn chưa được sự trợ giúp của các phương pháp kỹ thuật hiện đại như ngày nay nên khả năng xác định chưa chính xác. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã thực hiện khảo sát và khẳng định tê giác chỉ còn lại trong khu vực Cát Lộc. Rất đáng tiếc là kết quả khảo sát-nghiên cứu, trong đó quan trọng nhất là phân tích ADN, cho thấy đây là cá thể tê giác cuối cùng ở Việt Nam.

TBKTSG: Được biết số phận tê giác một sừng còn lại ở Indonesia cho đến nay rất khác so với đồng loại kém may mắn của chúng ở Việt Nam. Theo WWF, Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm của Indonesia?

– Chỉ đơn giản là họ đã dành cho quần thể tê giác này những ưu tiên cao nhất về sinh cảnh cũng như các sự hỗ trợ khác về nhân lực và vật lực. Ở Indonesia, tê giác được coi như một báu vật quốc gia và hơn thế nữa là báu vật quốc tế nên sự quan tâm bảo tồn tê giác ở đó không chỉ đơn thuần là của một vườn quốc gia cụ thể mà cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và cả quốc tế. Cần nói thêm rằng việc tuyệt chủng của loài tê giác ở Việt Nam sẽ gây một áp lực lớn hơn lên việc bảo tồn quần thể tê giác ít ỏi còn lại này.

TBKTSG: Tê giác là chuyện đã rồi và chắc chắn không phải là câu chuyện cuối cùng. Theo WWF, danh sách các động vật quý hiếm “báo động đỏ” có nguy cơ theo dấu chân tê giác là gì?

– Theo những nghiên cứu gần đây nhất của WWF thì loài hổ đang bị xem là đã tiệt chủng về mặt sinh thái ở Việt Nam, tức là không có dấu hiệu sinh sản ngoài tự nhiên và quần thể, ước tính còn lại không quá 30 cá thể. Các loài khác như sao la vừa mới phát hiện gần hai thập kỷ cũng đang đứng bên bờ tuyệt chủng, số lượng còn lại chưa đến vài chục cá thể; voi chỉ còn dưới 100 cá thể; vượn cao vít chỉ còn dưới 100 cá thể; các loài linh trưởng khác như voọc mũi hếch, voọc quần đùi trắng, voọc vá chân xám với những quần thể rất nhỏ và vùng sinh thái đang bị thu hẹp dần cũng đang đứng bên bờ vực của sự tuyệt chủng. Một loài mà chúng ta tưởng như đang còn rất nhiều như gấu cũng đang bị suy giảm vô cùng nhanh chóng ngoài tự nhiên.

WWF cũng đang hỗ trợ việc bảo tồn hổ thông qua công tác tuần tra bảo vệ hổ và con mồi của hổ, đặc biệt là công tác giám sát con mồi của hổ để tìm giải pháp bảo tồn cho quần thể ít ỏi còn lại này.

TBKTSG: Từ câu chuyện tê giác Java, chính quyền và người dân Việt Nam cần rút kinh nghiệm gì để có thể bảo vệ được các động vật quý hiếm còn lại ở Việt Nam?

– Hãy dành những cam kết và ưu tiên cao nhất cho việc bảo vệ các loài quý hiếm và sinh cảnh của chúng. Cần nghiêm túc và tăng cường hơn nữa trong việc thực thi pháp luật. Thêm vào đó phải đầu tư và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong việc tuần tra giám sát như ứng dụng bộ công cụ giám sát thực thi pháp luật bằng công nghệ thông tin (MIST). Nhưng theo tôi, một cam kết mang tính quyết định là người dân Việt Nam phải thay đổi thói quen tiêu thụ động vật hoang dã.

Bài thuốc để chữa trị lúc này là “hãy hành động trước khi quá muộn”, bảo tồn không phải là nhiệm vụ của riêng lực lượng kiểm lâm hay một tổ chức nào mà là của toàn xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới