Sau tê giác một sừng là...?
Thư Hoài
![]() |
Chiếc áo thun về hình con tê giác một sừng với dòng chữ "Ra đi nhưng không bị lãng quên" được nhân viên Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) mặc trong buổi họp báo ngày 25-10 công bố cái chết của con tê giác cuối cùng ở Việt Nam. |
(TBKTSG) - Tháng 7-1999, những bức ảnh đầu tiên chụp tê giác Java một sừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên được công bố đã gây chấn động trong nước và thế giới. Mừng vui khôn xiết vì một loài thú cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam tưởng chừng tuyệt chủng nay đã được xác nhận tồn tại.
Nhưng cùng lúc trong nỗi mừng vui đó đã xuất hiện không ít lo âu trước tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng “làm kinh tế” và nhất là nạn săn bắn lậu thú hoang dã ngày càng gia tăng, trong khi lời đồn thổi về cái sừng tê giác chữa bá bệnh đã như một bản án tử treo trên đầu chúng. Số phận của loài tê giác nặng đến hàng tấn ấy sao mà mong manh!
Xót thay, nỗi lo âu đó đã thành sự thật! Sau bao nhiêu nỗ lực quy hoạch rừng cấm, tiến hành các dự án bảo tồn với gần cả chục triệu đô la Mỹ, với rất nhiều công sức bỏ ra nhằm giữ cho được loài thú được xếp hạng CR (Critically Endangered - rất nguy cấp) trong Sách đỏ Việt Nam, ngày 25-10 vừa qua, giới thẩm quyền đã họp báo chính thức tuyên bố loài tê giác một sừng của Việt Nam đã tuyệt chủng. Lại một tin chấn động. Một mắt xích sinh thái đã bị chặt đứt. Một phần di sản thiên nhiên đã bị hủy diệt. Vĩnh viễn từ nay về sau, chẳng còn ai còn có cơ hội để nhìn thấy những con vật hiền lành này đi lại hoặc đằm mình trong vùng đầm lầy Cát Tiên nữa.
Từ sự mất mát lớn lao này, những câu hỏi trĩu nặng lo âu lại được đặt ra: bao giờ đến lượt sao la, hươu xạ, voọc mũi hếch, chà vá chân xám, cọp Đông Dương, bò xám, trăn gấm, gà lôi lam mào đen…? Đó không hề là sự phóng đại bi quan khi mà cả ngàn con gấu bị giam giữ để hút lấy mật, thậm chí để chặt tay ngâm rượu. Còn ông mãnh - cọp rừng thì các chuyên gia ước tính cả nước chỉ còn khoảng ba chục con! Và voi ơi là voi, chỉ mấy tháng gần đây thôi đã có hai con bị giết chết và chẳng thấy ai chịu trách nhiệm... Người ta thẳng tay tàn sát những loài thú lớn này vì giá trị kinh tế, vì cái ngà, cái sừng, bộ da, bộ xương mà ông Trời lỡ cho chúng. Nhưng ai là người uống mật gấu, ăn tay gấu, lấy ngà voi làm đồ trang sức, bày da cọp trang trí phòng khách…? Hiển nhiên hầu hết là những kẻ lắm tiền nhiều của, thích “của độc” và chính từ đây nảy sinh nhu cầu thúc đẩy nạn săn bắt thú hoang dã ngày càng rầm rộ.
Mà nói chi đến gấu, cọp, voi, ngay cả loài cò vạc, chim sẻ bé nhỏ vốn chẳng được xem có giá trị kinh doanh, và trước đây chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện ăn thịt thế mà nay cũng bị vặt lông, bày bán dọc đường, đưa lên bàn nhậu ngày này qua ngày khác. Chịu khó nhìn lại một chút diễn trình của “cái thú ẩm thực đặc sản” sẽ thấy có một sự tăng tiến lạm sát ghê khiếp về số loài vật và cái vòng tròn hủy diệt thú hoang dã ngày càng co lại từ rừng sâu đến vườn nhà, đường phố: từ nai, chồn, cheo, tê tê, khỉ… qua rùa, rắn, nhông, dơi… rồi đến chim chóc, côn trùng. Đại thể con gì cũng nhậu tất! Càng hoang dã càng chứng tỏ “đẳng cấp”, càng khoái. Cách cư xử bạo lực, sự hiếu sát đã nhiễm sâu trong máu không ít người. Văn hóa, “đẳng cấp” hay là sự lạc hậu, thấp kém, đáng hổ thẹn?
Bảo tồn sự đa dạng sinh học; hãy cư xử có văn hóa với thú hoang dã, với thiên nhiên - vẫn có đấy những quy định, luật lệ cùng với bao lời hô hào, khẩu hiệu. Nhưng vì sao các dự án thủy điện lớn gần vườn quốc gia vẫn được phép triển khai, vì sao các chợ, các quán bán thịt rừng vẫn còn nhan nhản, vì sao những trại nuôi gấu chích lấy mật, nuôi cọp làm kiểng (và lấy xương da - ai biết?) vẫn cứ tồn tại, vì sao hàng ngày ta vẫn bắt gặp cảnh cả đàn chim trời bị vặt trụi lông nằm run rẩy chờ chết bên đường phố…?