Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sau vụ Tân Hoàng Minh, sạch bóng trái phiếu bất động sản trong tháng 4

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tháng 4, nhóm ngân hàng đứng đầu về giá trị huy động trái phiếu khi chiếm gần 91%, trong khi nhóm bất động sản không xuất hiện thương vụ huy động nào sau vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đây là số liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ghi nhận trong tháng 4 dựa trên các công bố từ trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu trong tháng 4. Ảnh minh họa: V.Dũng

Cụ thể, VBMA cho biết tính đến hết ngày 29-4, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.472 tỉ đồng trong tháng. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp phát hành trái phiếu tháng 4 đến từ các ngân hàng thương mại với giá trị 14.940 tỉ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành. Trong nhóm này, MBBank là nhà băng phát hành nhiều nhất với 4.600 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và Sacombank đứng sau với 2.500 tỉ đồng trái phiếu phát hành cũng với kỳ hạn 3 năm.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng tham gia phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng vừa qua nhưng khối lượng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành.

Đáng chú ý, theo thống kê từ VBMA, trong tháng 4 vừa qua không ghi nhận bất kỳ đợt phát hành trái phiếu nào của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Điều này trái ngược hoàn toàn so với tháng 3 liền trước khi các doanh nghiệp địa ốc vẫn dẫn đầu với 46,7% tổng giá trị trái phiếu phát hành trong tháng.

Tuy nhiên, theo VBMA, tính chung 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm đứng đầu về giá trị phát hành trái phiếu với 28.850 tỉ đồng, chiếm 37,35% tổng giá trị trái phiếu phát hành trong tháng.

Theo sau là nhóm ngân hàng với 24.393 tỉ đồng trái phiếu phát hành, chiếm 31,57% tổng giá trị phát hành. Trong nhóm này, MBBank phát hành nhiều nhất với 4.600 tỉ đồng, sau đó đến VIB với 3.948 tỉ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã bùng nổ trong 5 năm qua, tăng trưởng bình quân 42%/năm và hiện chiếm khoảng 12% tổng dư nợ và khoảng 15% GDP. Tuy nhiên, trong sự bùng nổ này, những điều căn bản để phát triển một nền trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững còn rất thiếu sót, do đó đang gây ra những thiệt hại cho các nhà đầu tư, các trái chủ.

Những động thái mới đây liên quan đến việc siết dòng vốn vào bất động sản đã đặt các doanh nghiệp này bước vào giai đoạn khó khăn khi phải giảm lệ thuộc vào trái phiếu và ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới