(KTSG) - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa ban hành danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn trong năm 2022. Có thể thấy năm nay việc công bố kế hoạch thoái vốn khá chậm trễ so với mọi năm, trong bối cảnh diễn biến không mấy thuận lợi của thị trường chứng khoán trong quí 2 vừa qua, với chỉ số VN-Index đã giảm 20%, HNX-Index lao dốc 38% còn UpCom-Index cũng rớt hơn 24%.
Áp lực thoái vốn trong nửa cuối năm
Trong danh sách lần này SCIC đưa ra 101 doanh nghiệp, nhiều hơn đáng kể so với con số 88 doanh nghiệp cần triển khai bán vốn trong kế hoạch năm trước. Đáng lưu ý là trong bản danh sách này có 17 doanh nghiệp SCIC đã thực hiện bán vốn trước khi công bố kế hoạch này. Do đó, nếu loại 17 doanh nghiệp này ra thì số doanh nghiệp SCIC cần phải thoái trong thời gian còn lại của năm nay là 84 doanh nghiệp.
Với kết quả thoái vốn chậm chạp trong những năm qua, có năm chỉ bán được vài doanh nghiệp, có thể thấy kế hoạch đưa ra cả trăm doanh nghiệp thoái vốn trong mỗi năm dường như chỉ mang tính hình thức. Thực tế có không ít doanh nghiệp luôn xuất hiện thường trực trong bản danh sách dự kiến bán vốn mỗi năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể thoái được, dù không ít trong số này kinh doanh khá hiệu quả và được nhiều nhà đầu tư “thèm muốn” sở hữu.
Ngoài câu chuyện về giá thoái chưa đảm bảo phù hợp và đáp ứng mong muốn của cả người bán và người mua, hiện trạng này còn khiến một số ý kiến cho rằng SCIC chưa thật sự muốn “nhả” những “con gà đẻ trứng vàng” này. Cần phải thừa nhận rằng một số doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nói trên là nhờ vào vị thế độc quyền và hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía cơ quan chủ quản.
Nhìn lại quá khứ, những doanh nghiệp nổi trội như Vinamilk hay Sabeco thoái vốn thành công là không nhiều. Thực tế đây cũng là những doanh nghiệp được xem là “gà đẻ trứng vàng” trong nhiều năm cho Nhà nước, với thương hiệu nổi tiếng, mạng lưới phân phối phủ rộng và thị phần chiếm lĩnh tốp đầu, do đó đã hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận mua lô cổ phần mà SCIC thoái ra với giá cao hơn nhiều so với thị giá trên sàn.
Những tên tuổi được kỳ vọng
Trong danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn trong năm 2022 có 24 doanh nghiệp đang niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán, ít hơn tám doanh nghiệp so với năm ngoái, trong đó chỉ có bốn doanh nghiệp trên sàn HOSE, bốn doanh nghiệp trên sàn HNX và sàn UpCom vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội khi có đến 16 doanh nghiệp.
Quá khứ cho thấy những doanh nghiệp sở hữu tài sản ngầm gồm lượng “đất vàng” lớn luôn là điểm ngắm của các nhà đầu tư tổ chức, cũng chính là các doanh nghiệp có thế mạnh triển khai các dự án bất động sản.
Có bảy doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước chỉ còn từ 10% trở xuống gồm AGF, BMP, CID, HND, PPC, SMA, VNB, nên có lẽ không quá hấp dẫn với các nhà đầu tư muốn mua nắm cổ phần chi phối. Trong số này VNB gây chú ý hơn cả khi có cổ đông lớn là tập đoàn Vingroup đang sở hữu hơn 65% cổ phần.
Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp từng có tên trong danh sách thoái vốn năm trước và được kỳ vọng lớn nhưng năm nay đã vắng bóng là Sabeco, FPT, Nhựa Tiền Phong (NTP), Bảo Việt (BVH), Bảo Minh (BMI), Vinatex,... dù cuối năm ngoái, Bộ Tài chính có công văn gửi SCIC đề nghị tập trung thoái vốn tại ba doanh nghiệp là NTP, BVH và BMI.
Trong số các doanh nghiệp đang niêm yết nằm trong kế hoạch bán vốn năm nay của SCIC, một số tên tuổi được kỳ vọng có thể kể đến là Tổng CTCP Vật liệu Xây dựng số 1 (UpCom:FIC) với tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước là 40%. Lĩnh vực kinh doanh chính của FIC là xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng, được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ các chính sách thúc đẩy đầu tư công hiện nay. Về tài chính, FIC hiện có 55 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối quí 1-2022. Dù giá cổ phiếu FIC đã giảm mạnh 40% trong quí 2 vừa qua, nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì vẫn đang ghi nhận tăng hơn 2,8 lần. Điểm hạn chế là thanh khoản của cổ phiếu FIC rất thấp.
Kế tiếp là Tổng CTCP Thủy sản Việt Nam (UpCom: SEA), với tỷ lệ sở hữu của SCIC còn đến 63%. Dù hoạt động kinh doanh cốt lõi của SEA chưa được như kỳ vọng, nhưng hiệu quả kinh doanh của các công ty con và công ty liên kết của SEA khá tốt. Trong quí 1 năm nay, SEA đã trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 95%. Tuy giá cổ phiếu đã lao dốc kể từ sau khi chia cổ tức đến nay, nhưng doanh nghiệp này vẫn đang trong tầm ngắm của không ít nhà đầu tư, khi các tài sản ngầm là “đất vàng” mà doanh nghiệp đang sở hữu là rất hấp dẫn. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận chưa phân phối của SEA hiện vẫn còn đến 582 tỉ đồng vào cuối quí 1 vừa qua.
Trong năm 2021, cổ phiếu CTCP Nhựa Việt Nam (UpCom: VNP) đã có màn bứt phá khi tăng gấp 3 lần, chạm đỉnh cao 30.000 đồng/cổ phiếu trước khi rơi vào chu kỳ điều chỉnh cho đến nay. Đặc biệt, tính từ giữa tháng 3 cho đến nay, giá cổ phiếu VNP đã điều chỉnh đến 50%. Chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu VNP tăng vọt trong năm 2021 ngoài kỳ vọng thương vụ thoái vốn của SCIC, kết quả kinh doanh cải thiện khi lãi cơ bản trên cổ phiếu tăng gần gấp 3 so với năm trước lên hơn 3.800 đồng/cổ phiếu, còn là những tin đồn về việc nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp này. Hiện SCIC vẫn còn sở hữu đến 66% vốn tại VNP, với triển vọng ngành nhựa được dự báo tăng trưởng tốt, thương vụ thoái vốn tại VNP khả năng sẽ vẫn thu hút nếu sớm được triển khai.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng đáng chú ý gồm Tổng CTCP LICOGI (UpCom:LIC) với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước gần 41%; Tổng CTCP Điện tử và Tin học (UpCom:VEC) Nhà nước còn sở hữu 88%; CTCP Quản lý đường thủy nội địa số 4 (UpCom:DT4)- 51%; Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (UpCom:HEJ)- 49%; CTCP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam (UpCom:QTC)- 54%...
Quá khứ cho thấy những doanh nghiệp sở hữu tài sản ngầm gồm lượng “đất vàng” lớn luôn là điểm ngắm của các nhà đầu tư tổ chức, cũng chính là các doanh nghiệp có thế mạnh triển khai các dự án bất động sản.