Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Scotland: độc lập hay không độc lập?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Scotland: độc lập hay không độc lập?

Ngọc Ý

(TBKTSG) – Hôm nay 18-9, ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý để quyết định Scotland có độc lập hay không sau 307 năm liên minh với Anh. Các chuyên gia nói rằng, nó sẽ là một cuộc “giằng co” về kinh tế hơn là tinh thần dân tộc.

Tiền tệ

Nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý tuần này dẫn đến quyết định độc lập, Edingburg sẽ có cuộc thảo luận với London về đồng tiền sẽ sử dụng, việc chia sẻ nợ và tài sản quốc gia, một quá trình phức tạp để đi đến một chính quyền Scotland hoàn toàn độc lập, dự kiến là vào năm 2016.

Lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland (SNP) và Thủ tướng Scotland Alex Salmond, cho rằng nền độc lập sẽ giúp đất nước này toàn quyền kiểm soát chính sách kinh tế, thu và chi tiêu thuế ra sao. Phe kêu gọi giữ liên minh thì cho rằng phe “Yes” (kêu gọi độc lập) đã quá ảo tưởng về sự giàu có của Scotland, chính 300 năm liên minh đã cho Scotland vốn hóa sức mạnh nền kinh tế của mình trên thị trường thế giới, và nền độc lập sẽ là mối nguy cho khoảng 270.000 việc làm của người Scotland liên quan tới thương mại với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Các mối lo ngại về kinh tế càng căng thẳng hơn khi hàng loạt tổ chức tài chính chủ chốt như Royal Bank of Scotland, Standard Life, TSB, Lloyds Banking Group và Clydesdale Bank – cảnh báo họ sẽ dời trụ sở về Anh trong trường hợp Scotland độc lập.

Về tiền tệ, Thủ tướng Anh David Cameron, người muốn Scotland vẫn ở lại liên minh với Anh, từng thề là sẽ không cho phép một Scotland độc lập sử dụng đồng bảng Anh, và sẽ không chấp nhận bất cứ dạng liên kết tiền tệ nào.

Thống đốc Bank of England, ông Mark Carney đã cảnh báo một loại tiền liên minh là không tương thích với nền tự trị, và thêm rằng một Scotland độc lập sẽ cần một lượng dự trữ đồng bảng lớn để bảo đảm nền tài chính có thể vận hành ổn định. Tìm đâu ra nguồn tiền dự trữ này cũng là một câu hỏi lớn mà phe “Yes” phải trả lời.

Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, trên tờ The New York Times, cảnh báo Scotland về việc sử dụng đồng bảng: “Những gì đã xảy ra ở châu Âu từ năm 2009 đã chứng tỏ rằng việc chia sẻ đồng tiền mà không chia sẻ chính quyền là nguy hiểm. Mà một Scotland độc lập dùng đồng bảng Anh sẽ còn tệ hơn các nước sử dụng đồng euro, bởi ít nhất các nước này còn có Ngân hàng Trung ương châu Âu”.

Một lo ngại khác là tư cách thành viên Liên hiệp châu Âu của Scotland độc lập. Chủ tịch Cao ủy châu Âu Jose Manuel Barroso đã cảnh báo từ tháng 2 năm nay về việc một Scotland độc lập tham gia EU là “rất khó, nếu không muốn nói là không thể”.

Kinh tế giàu có nhưng quá lệ thuộc vào dầu mỏ

Theo tờ Telegraph, các chỉ số kinh tế như việc làm và GDP, Scotland khá tương đồng với các vùng khác của Vương quốc Anh (Anh, Wales, và Bắc Ireland). Scotland là một trong các quốc gia giàu nhất châu Âu, và đứng thứ 14 khối OECD, với thu nhập đầu người gần 40.000 đô la, cao hơn mức trung bình Vương quốc Anh (35.000 đô la), phần lớn nhờ nguồn thu từ dầu mỏ.

Tuy nhiên, đổi lại, tỷ lệ thâm hụt chi tiêu so với nguồn thu của Scotland cũng lớn tương ứng với mức độ giàu có (xem biểu đồ 1) được các chuyên gia cho rằng do nguồn thu từ dầu mỏ giảm dần theo trữ lượng dầu ở Biển Bắc. Dầu mỏ ở Biển Bắc là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong việc Scotland độc lập hay không, do phần lớn kinh tế Scotland rất phụ thuộc vào nguồn thu này. Số liệu của chính phủ cho thấy nguồn thu từ dầu mỏ sẽ giảm đáng kể trong những năm tới (xem biểu đồ 2).

Phe “Yes” đang đối mặt với rất nhiều chất vấn về kinh tế, không phải chỉ là vấn đề dùng đồng tiền nào và trả bao nhiêu phần trong món nợ quốc gia, mà còn là việc thổi phồng trữ lượng dầu mỏ ở Biển Bắc và các chính sách thuế, Nick Lewis, Trưởng bộ phận thương mại của Capital Spreads, cho biết. Chính quyền Scotland ước tính doanh thu từ dầu mỏ trong vòng năm năm tới sẽ là 38,7 tỉ bảng (khoảng 62,9 tỉ đô la Mỹ, 48,5 tỉ euro); trong khi Anh dự đoán chỉ khoảng 17,6 tỉ bảng.

Phe “Yes” khẳng định chính quyền Vương quốc Anh hiện nay đã sử dụng toàn bộ nguồn thu từ dầu mỏ và không lập quỹ đầu tư từ nguồn này, và đảm bảo rằng nếu độc lập, Scotland sẽ lập quỹ này, và sẽ giải quyết các vấn đề xăng dầu tăng giá liên tục. Bộ trưởng Năng lượng Scotland, ông Fergus Ewing, cũng hứa rằng các hãng sản xuất dầu và khí sẽ được hưởng chính sách giảm thuế nếu Scotland độc lập.

Tuy nhiên, phe phản đối độc lập cho rằng việc Scotland độc lập lệ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ ở Biển Bắc là điều nguy hiểm, nhất là cho nguồn ngân sách công và an sinh xã hội.

Quả thật, nguồn thu này là phần chính yếu cho ngân sách chính phủ Scotland. Trung bình, Scotland chi khá cao cho người dân của mình (khoảng 10.152 bảng/người) cao hơn 16% so với phần còn lại của Vương quốc Anh (khoảng 8.530 bảng/người), trong khi dân ở thành phố London được chi cao nhất, cũng chỉ 9.435 bảng/người, theo IFS (Institute for Fiscal Studies).

Ngoài ra, với mức độ già hóa dân cư và mức nợ chính phủ cao hơn, quốc gia độc lập mới cũng sẽ phải gánh khoản nợ khá nặng, IFS dự đoán các khoản vay của Scotland sẽ tăng cao trong vòng 50 năm tới, đạt khoảng 10% thu nhập quốc gia vào năm 2047. Như thế, Scotland nếu độc lập sẽ phải tăng nợ nhanh hơn, dẫn đến lãi suất tăng.

Dịch vụ tài chính dễ tổn thương

Chính phủ Scotland ước tính, nếu độc lập, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Scotland vào khoảng 100 tỉ bảng, đứng thứ 35 trên thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu của Scotland hiện nay lại khá lệ thuộc vào thị trường Anh và chủ yếu là dịch vụ ngân hàng.

Xuất khẩu của Scotland vào Anh lớn hơn bất kỳ thị trường nào khác. Trừ dầu và khí, tổng giá trị xuất khẩu của Scotland vào Anh là 47,6 tỉ bảng, mà hơn một nửa là từ các ngành dịch vụ như ngân hàng và bảo hiểm. Trong khi tổng xuất khẩu của Scotland vào 10 thị trường châu Âu lớn nhất là dưới 12 tỉ bảng.

Tài sản ngân hàng của Scotland lớn gấp 12 lần tổng sản lượng quốc gia nước này (1.890 tỉ bảng), theo Bank of England, trong khi con số tương tự của phần còn lại của Vương quốc Anh là khoảng gấp năm lần GDP. Ngân hàng Credit Suisse cho rằng Scotland độc lập sẽ dựa dẫm nhiều vào các dịch vụ tài chính, vốn chiếm 13% GDP và cung cấp 7% số lượng việc làm.

Tuy nhiên, như các ngân hàng Royal Bank of Scotland và Lloyds đã tuyên bố sẽ dời về Anh nếu Scotland độc lập, làn sóng này có thể làm thay đổi cơ cấu kinh tế dựa vào dịch vụ ngân hàng của Scotland, và sẽ giúp tỷ lệ tài sản ngân hàng so với GDP của phần còn lại của Vương quốc Anh tăng lên.

Kinh tế Anh cũng tổn thương

Việc Scotland độc lập sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các thị trường tài chính và nền kinh tế EU và toàn cầu, đặc biệt là với nước Anh, vốn vẫn là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Một cuộc khảo sát của Telegraph với 100 lãnh đạo các công ty của sàn chứng khoán FTSE tuần trước cho thấy 80% lo ngại rằng nếu trưng cầu dân ý dẫn đến Scotland độc lập sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế của Vương quốc Anh.

Trước mắt, những lo ngại về việc Scotland tách khỏi Vương Quốc Anh đã khiến cả đồng bảng Anh lẫn thị trường chứng khoán Anh giảm mạnh các ngày đầu tuần này. Đồng bảng Anh đã giảm 1%, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Chỉ số FTSE 100 giảm 25 điểm (tương đương 0,4%) xuống 6.830 điểm, trong khi chỉ số Mid-cap 250 giảm 121 điểm (tương đương 0,75%) xuống 15.801 điểm, theo Forbes. Một trong các lãnh đạo của FTSE nói, chẳng ai thắng cả nếu Scotland độc lập, cả Scotland và Vương quốc Anh đều thua.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng sự kiện này, nếu diễn ra, sẽ thúc đẩy phong trào đòi độc lập ở châu Âu. Sẽ khó cho Chính phủ Tây Ban Nha nếu tiếp tục từ chối quyền dân chủ tương tự với xứ Catalan và Basque.

Những người ly khai vùng Flemish sẽ tăng cường áp lực ở Bỉ, và tại Ý, Bắc League cũng có thể đòi có cuộc sống mới. Tất cả những vấn đề này, cùng với việc Scotland thay đổi đồng tiền và hệ thống tài chính sẽ gây ra nhiều xáo trộn và bất ổn trong khu vực châu Âu, với sự hồi phục mong manh sau khủng hoảng tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới