Sẽ áp thuế trở về trước nếu nhập khẩu đường Thái Lan tăng đột biến
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Bộ Công Thương đang điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan. Trường hợp, kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, thì Bộ Công Thương có thể “áp thuế trở về trước”.
Vì sao doanh nghiệp chê hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2020?
Nông dân tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh |
Vào tháng 9-2020, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương mới đây đã nhận được ý kiến của bên liên quan đề nghị không áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước đối với một số sản phẩm đường mía của Thái Lan.
Liên quan vấn đề nêu trên, trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết quy định của luật, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thực hiện với mọi nước. “Khi ngành sản xuất của một nước thấy có hiện tượng bị bóp méo hay bất công xảy ra, thì nước đó sẽ điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để nâng thuế lên”, ông Lộc cho biết.
Đối với trường hợp của ngành mía đường Việt Nam, theo ông Lộc, hiện Việt Nam đang trong quá trình điều tra để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Bởi, trước đó đại diện ngành sản xuất trong nước cho rằng việc nhập khẩu đường từ Thái Lan đe doạ đến ngành sản xuất trong nước.
Theo ông Lộc, trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định việc nhập khẩu một số sản phẩm đường từ Thái Lan có gây thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, thì theo quy định, Bộ Công Thương có thể quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.
“Việc áp dụng thuế trở về trước này nhằm ngăn hiện tượng “chạy thuế”, tức cố tình tăng nhập khẩu để tránh thời điểm áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp”, ông cho biết và nói rằng, việc nhập khẩu trước thời điểm áp thuế cũng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành sản xuất trong nước.
Thực tế, thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, quy định tại khoản 4 điều 81 và khoản 4 điều 89 Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.
Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể được áp dụng với hiệu lực trở về trước là để phòng chống trình trạng hàng hóa bị điều tra được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra, gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước, theo Cục Phòng vệ Thương mại.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, trường hợp trong quá trình điều tra để xác định có gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong hay không nhằm tiến hành áp thuế, mà việc nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường, thì có thể không áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp trở về trước.