Sẽ chia nhỏ Apple, Google, Amazon, Facebook?
Nguyễn Vũ
(TBKTSG) - Các đại công ty công nghệ như Apple hay Google hiện đang phải đương đầu với cả hai áp lực: một liên minh các doanh nghiệp hiện phải dựa vào nền tảng của hai nơi này để tiếp cận khách hàng đang kiện họ lạm dụng vị thế độc quyền vắt kiệt lợi nhuận và một Quốc hội Mỹ vừa đề xuất chẻ nhỏ các công ty công nghệ ra để hạn chế quyền lực ngày càng tăng của chúng.
Tuần trước Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ đã công bố một báo cáo dày đến 449 trang với kết luận cho rằng các công ty công nghệ gồm Amazon, Apple, Facebook và Google đã thiết lập và lạm dụng quyền lực độc quyền nên Mỹ cần điều chỉnh luật chống độc quyền để đối phó. Đây là kết quả 16 tháng điều tra và nhiều buổi điều trần để Quốc hội Mỹ đi đến kết luận này, một sự độc quyền mà báo cáo so sánh với thời các đại gia dầu lửa và đường sắt ngày xưa. Báo cáo nhắc đến từ “độc quyền” đến 120 lần!
Từ chỗ là các công ty khởi nghiệp non trẻ, các đại công ty Amazon, Apple, Facebook và Google nay đã chiếm vị thế trấn ngự từng lĩnh vực, có toàn quyền ấn định giá cả, đưa ra luật lệ cho đối tác, chi phối việc tìm kiếm thông tin, gần như độc quyền trong quảng cáo trực tuyến. Nếu không hóa giải tình thế độc quyền này, môi trường kinh doanh sẽ bị méo mó, không ai chen chân vào nổi và những bên tham gia sẽ phải thần phục các đại công ty này như thần dân của những vương quốc thời phong kiến.
Epic Games là một trường hợp điển hình gần đây nhất. Đây là nơi làm các trò chơi chơi trên nền tảng điện thoại di động, được ưa chuộng nhất là Fortnite chạy trên cả điện thoại iPhone (hệ điều hành iOS) và điện thoại Android. Người dùng có thể vào cửa hàng App Store của Apple hay Play Store của Google để tải Fortnite về chơi miễn phí - cái này thì cả hai nơi đều không thu phí của Epic Games.
Thế nhưng để kinh doanh, Epic Games tổ chức bán thêm vũ khí hay các trang bị khác cho người chơi Fortnite và với doanh thu này cả Apple lẫn Google đều “chém đẹp” 30% hoa hồng trước khi chuyển trả cho Epic Games. Khi Epic Games tìm cách bán các món này trực tiếp cho khách hàng để khỏi mất 30% thì Apple đóng sập cửa, không cho Epic Games đưa Fortnite lên cửa hàng của họ nữa. Nơi này vừa liên minh với 12 công ty khác để kiện Apple ra tòa.
Hàng loạt vụ như thế cũng như hiện tượng các báo khắp nơi trên toàn thế giới hầu như chỉ còn đăng quảng cáo do Google “bán giùm”, Facebook chi phối suy nghĩ của người dân khắp nơi, chủ cửa hàng bán lẻ trên Amazon phải “chiều chuộng” Amazon hết mực để khỏi bị hất ra khỏi nền tảng này... đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải có biện pháp nếu muốn lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, nuôi dưỡng tính cạnh tranh sòng phẳng và khích lệ cải tiến. Việc Facebook mua lại Instagram và WhatsApp đã loại trừ ngay các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, lại tập trung quyền lực mạng xã hội vào một tay Facebook.
Đến đây thì Hạ viện Mỹ chia phe theo đường lối của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Những đại biểu theo đảng Dân chủ đòi chia nhỏ các đại công ty Amazon, Apple, Facebook và Google thì mới phục hồi được tính cạnh tranh, ngăn ngừa việc đối xử thuận lợi cho sản phẩm của chính mình, o ép sản phẩm của đối thủ.
Chia nhỏ, ví dụ với Apple, có nghĩa chẻ nhỏ công ty này ra, một công ty lo xây dựng chợ ứng dụng App Store, một công ty lo phát triển các ứng dụng cũng sẽ đưa lên chợ này. Làm như thế sẽ ngăn cản được hiện tượng Apple làm khó dễ ứng dụng Spotify, thu phí hoa hồng cao trong khi ưu ái cho ứng dụng Apple Music tương tự như Spotify nhưng do Apple làm.
Với Amazon, chia nhỏ có nghĩa bộ phận tổ chức, điều hành nền tảng bán lẻ cho nhiều cửa hàng vào đăng ký sẽ tách biệt bộ phận bán lẻ của chính Amazon để hai bên mới cạnh tranh sòng phẳng. Từ báo cáo sử dụng là “tách biệt về cấu trúc”, có nghĩa cấm doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong cùng lĩnh vực họ đang chiếm ưu thế. Báo cáo cũng yêu cầu sửa luật cạnh tranh để bổ sung các quy định cấm doanh nghiệp công nghệ bỏ tiền ra mua đối thủ, triệt tiêu cạnh tranh ngay từ trứng nước.
Những đại biểu theo đảng Cộng hòa cũng đồng ý với kết luận của báo cáo nhưng không muốn nhà nước can thiệp sâu vào việc tái cơ cấu các công ty công nghệ hay thay đổi mô hình kinh doanh của họ. Giải pháp, theo họ, là củng cố vai trò của các cơ quan lo chuyện chống độc quyền, thêm ngân sách, thêm quyền hạn cho họ để qua họ kiểm soát được sự lạm dụng vị thế độc quyền.
Một số đại biểu đảng Cộng hòa lại nhấn mạnh đến khía cạnh các nền tảng trực tuyến có thiên kiến trong quan điểm nên tác động đến chính sách kiểm duyệt nội dung của họ. Ý của những người này muốn nói Facebook thường xóa các bài đăng của những nhân vật bảo thủ mà không có lý do chính đáng. Ken Buck, một Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, nhận xét: “Tôi đồng ý với chừng 330 trang của báo cáo” nhưng nói ông không đồng ý với các khuyến nghị tạo điều kiện dễ dàng cho người tiêu dùng kiện và biện pháp chia nhỏ các công ty công nghệ vì chúng là “loại vũ khí hạt nhân”.
Cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ khởi đầu từ tháng 6-2019, đã phỏng vấn hàng trăm khách hàng là doanh nghiệp và đối thủ của các đại công ty công nghệ. Vừa mới đây, ủy ban này đã gọi các nhà lãnh đạo của các công ty công nghệ này gồm Jeff Bezos của Amazon, Tim Cook của Apple, Mark Zuckerberg của Facebook và Sundar Pichai của Google ra điều trần trực tuyến. Bốn đại gia này có tổng trị giá thị trường lên đến trên 5.000 tỉ đô la Mỹ.
Báo cáo của ủy ban lần này sẽ là nền tảng cho việc hoạch định chính sách sắp tới của Mỹ đối với các doanh nghiệp công nghệ. Trước mắt sẽ có hàng loạt cuộc điều tra sâu hơn từ phía hành pháp, chẳng hạn Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tiến hành điều tra Google về tội độc quyền. Các cơ quan khác gồm Bộ Tư pháp, Ủy ban Thương mại Liên bang và hàng chục sở tư pháp của các tiểu bang cũng đang tiến hành điều tra chống độc quyền với Amazon, Apple và Facebook.
Báo cáo của Hạ viện Mỹ nói gì? Amazon Có chừng 2,3 triệu cửa hàng lên Amazon để kinh doanh, chừng 37% dựa vào nền tảng này như nguồn thu nhập duy nhất. Amazon đã tận dụng vị thế vừa là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới và là chợ thương mại điện tử hàng đầu để triệt tiêu cạnh tranh. Amazon thu thập dữ liệu bán hàng và sản phẩm trên nền tảng của mình để xác định các sản phẩm đang “nóng”, sao chép y chang và chào bán sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn. Với các sản phẩm Amazon có làm như sản phẩm dùng trong ngôi nhà thông minh thì Amazon đẩy sản phẩm của mình lên, dìm các sản phẩm tương tự của đối thủ xuống. Trong lĩnh vực điện toán đám mây, Amazon Web Service là sản phẩm dẫn đầu thị trường. Amazon thường xử ép các nhà phát triển phần mềm mã nguồn mở có sản phẩm chia sẻ miễn phí. Một kỹ sư phần mềm nói: “Chúng tôi phát triển hết mọi thứ rồi có một đại công ty xuất hiện, [bắt chước] và thương mại hóa sản phẩm của chúng tôi”. Apple Apple có vị thế độc quyền, có tính sinh sát trên cửa hàng ứng dụng App Store của họ. Bất kỳ nhà phát triển ứng dụng nào viết phần mềm chạy trên iPhone hay iPad đều phải “cống nạp” tiền hoa hồng cho Apple. Tỷ lệ hoa hồng 30% được cho là quá cao, buộc lòng các nhà phát triển phải nâng giá với khách hàng và giảm mức đầu tư cho sản phẩm. Apple lại kiểm soát App Store để trừng phạt đối thủ như dìm họ xuống dưới xa trong kết quả tìm kiếm, hạn chế họ tương tác với khách hàng hay gỡ bỏ ứng dụng nào cứng đầu đòi chống lại Apple. Apple cũng ưu ái cho các ứng dụng của chính họ bằng cách cài sẵn lên máy, đặt chúng là ứng dụng mặc định. Ví dụ khi người dùng iPhone nhấn vào một đường link, bài hát hay địa chỉ thiết bị của họ mặc nhiên mở ngay ứng dụng của Apple. Lợi thế này làm đối thủ khó lòng cạnh tranh nổi với Apple. Báo cáo khẳng định vị thế độc quyền của Facebook đã bén rễ ăn sâu và công ty này thường dập tan các đối thủ cạnh tranh bằng con đường mua lại hay bắt chước trắng trợn. Điểm đặc biệt là Facebook quá lớn nên cạnh tranh nhiều nhất là từ các công ty bên trong Facebook như Instagram do Facebook sở hữu đang lớn mạnh nhanh đến nỗi nó có khả năng đuổi kịp mức độ phổ biến chẳng kém gì Facebook. Vì thế lãnh đạo công ty tìm mọi cách ngăn không để điều này xảy ra. Bởi vắng bóng cạnh tranh nên sự riêng tư của người dùng bị xói mòn trong khi nội dung sai lạc và độc hại lại lan tỏa khắp mọi ngóc ngách của nền tảng này. Báo cáo cho rằng Google duy trì độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm bằng cách thu thập thông tin từ bên thứ ba mà không được phép nhằm cải thiện kết quả tìm kiếm. Nơi này còn chỉnh sửa thuật toán tìm kiếm để ưu tiên cho các dịch vụ của nó và dìm kết quả về các đối thủ. Báo cáo nhận định Google tìm mọi cách để dịch vụ tìm kiếm Google là chọn lựa của người dùng. Chẳng hạn, trong quá khứ Google từng buộc các nhà sản xuất điện thoại di động thông minh phải cài Google thì mới được sử dụng phần mềm Android và truy cập được cửa hàng Google Play. Google từng trả cho Apple hàng tỉ đô la để dịch vụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại iPhone là Google rồi có những biện pháp ngăn cản người dùng chuyển sang dùng dịch vụ tìm kiếm của nơi khác khi dùng Chrome. Google hiện có chín sản phẩm với hơn 1 tỉ người dùng, nhờ vậy mà có một kho dữ liệu khổng lồ như một nguồn tình báo thị trường hoàn hảo. |