(KTSG) - Phát biểu tại phiên giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-8-2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH2013 của Quốc hội. Cho đến nay vẫn có những ý kiến khác nhau về việc này...
- Giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần trước thềm năm học mới
- Cung ứng sách giáo khoa: đâu phải không có cách!
Đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là cuộc đổi mới có chiều sâu, toàn diện và triệt để nhất so với những lần đổi mới trước đây, trong đó lấy phát triển toàn diện con người làm chỉ hướng. Cũng bởi tầm quan trọng như vậy, Quốc hội đã quyết định chọn chuyên đề giám sát này mặc dù chưa hết chu trình đổi mới (hết năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đến các lớp 1, 2, 3, 5, 6 và 10).
Liên quan đến sách giáo khoa, Nghị quyết 88 nêu rõ chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa với kinh phí 16 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Bộ GD&ĐT không thực hiện được việc này. Sau đó, Quốc hội đồng ý nếu mỗi môn học đã có ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt thì không dùng ngân sách để biên soạn sách giáo khoa của môn đó nữa.
Vẫn có những ý kiến khác nhau về việc có cần bộ sách giáo khoa của Nhà nước hay không. Ngay trong phiên giám sát hôm 14-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn “một lần nữa đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc điều này”.
Lộ trình thay sách giáo khoa mới được thực hiện từ năm 2022. Theo báo cáo của Đoàn giám sát, đến nay, đã có sáu nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp(1); sáu tổ chức biên soạn sách giáo khoa(2).
Từ năm 2020-2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa(3) mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành.
Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo “đúng tiến độ” đáp ứng nhu cầu dạy và học; tuy nhiên, chất lượng và giá thành lại là vấn đề khác!
“Sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều cuốn sách giáo khoa còn sai sót, trong báo cáo đã đề cập tới 18 cuốn sách có “sạn”. Giá sách giáo khoa, nhất là chi phí phát hành sách giáo khoa cao (29-29,5% đối với sách giáo khoa, 35% đối với sách bài tập), không hợp lý so với mặt hàng thiết yếu, có số lượng phát hành lớn, ổn định”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét.
Về “xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, “việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước”.
Theo ông Huệ, đây là vừa là tồn tại cũng vừa là nguyên nhân của các hạn chế khác liên quan tới trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý các rủi ro trong trường hợp không có sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không bảo đảm chất lượng, yêu cầu; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội đối với học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải chú trọng chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, quản lý chặt chẽ giá sách giáo khoa. Ông đề nghị sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.
Đáng chú ý, ông Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc in, phát hành, cung ứng sách giáo khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.
Cho đến nay vẫn có những ý kiến khác nhau về việc có cần bộ sách giáo khoa của Nhà nước hay không. Ngay trong phiên giám sát hôm 14-8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn “một lần nữa đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc điều này”. Ông cho rằng, Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ hỗ trợ giáo viên chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
“Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước không. Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho học liệu không?”.
Hơn nữa, theo ông Sơn, đây không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi nhất của đổi mới. Bộ GD&ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.
Nếu lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền hai bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5 - 9 - 12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định...
Trước đó, trong cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát phải làm rõ căn cứ cho thấy cần Bộ biên soạn một bộ sách. Ông cho rằng việc thay sách đã đi gần hết chặng đường nên nếu có thêm một bộ sách của Bộ GD&ĐT vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn.
(1) Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế.
(2) Công ty TNHH Education Solutions Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Cánh Buồm; Công ty cổ phần Zenbooks; Công ty cổ phần Công nghệ Bình Minh; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xuất bản phẩm giáo dục Victoria; Công ty Vepic.
(3) Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa qua các năm theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018: 46 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 (năm 2020); 35 bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và 40 bản mẫu sách giáo khoa lớp 6 (năm 2021); 43 bản mẫu sách giáo khoa lớp 3, 40 bản mẫu sách giáo khoa lớp 7 và 44 bản mẫu sách giáo khoa lớp 10 (năm 2022); 60 bản mẫu Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 (đến thời điểm báo cáo). Sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định. Sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 của các tổ chức, cá nhân đang được biên soạn.
Nhà nước không điều hành theo kiểu cầm tay chỉ việc. Kiến tạo hành lang pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng, mang lại cơ hội tốt nhất cho những người có nỗ lực cao nhất, là mới là điều quan trọng. Với SGK cũng vậy. Cần tôn trọng tinh thần nghị quyết 88 của quốc hội. Vấn đề đặt ra là, đã qua 10 năm rồi nhưng việc triển khai nội dung nghị quyết vẫn cứ ì ạch mãi. Lý do vì sao mọi người đều tự hiểu. Lỗi thuộc về khâu tổ chức thực hiện chứ không phải lỗi định hướng.