Sẽ kiểm tra môi trường đột xuất ở TPHCM
![]() |
Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm đến cộng đồng dân cư và liên tục bị người dân khiếu nại, thế nhưng việc xử lý vi phạm vẫn chưa thấy đâu. Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) – Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM Nguyễn Văn Phước cho biết, Sở Tài nguyên-Môi trường vừa trình UBND TPHCM phê duyệt quyết định thành lập tổ liên ngành kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố.
Dự kiến quyết định sẽ được phê duyệt trong tháng 10 này.
Tổ liên ngành này có nhiệm vụ kiểm tra đột xuất bất cứ doanh nghiệp nào đang hoạt động trên địa bàn thành phố, có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tập trung kiểm tra chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm, các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao.
Ngoài ra, tổ sẽ kiểm tra các doanh nghiệp nằm ven sông, kênh rạch, hệ thống thủy lợi; các doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải trên một ngàn mét khối nước thải mỗi ngày; các doanh nghiệp bị khiếu kiện gây ô nhiễm môi trường hoặc bị phản ánh qua đường dây nóng của Sở Tài nguyên-Môi trường.
Ông Phước cho biết, tổ liên ngành này sẽ kiểm tra đột xuất mọi thời điểm, kể cả ngoài giờ hành chính và ngày lễ. Tuy nhiên, thời gian hoạt động của tổ liên ngành này chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tháng, kể từ thời điểm có quyết định thành lập tổ liên ngành đến hết ngày 31-12 năm nay.
Theo Sở Tài nguyên-Môi trường, cơ quan này đang soạn thảo đề án quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tất cả các dự án đầu tư phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trước ngày 1-7-2006, nếu không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường thì phải lập đề án bảo vệ môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phê duyệt.
Chậm nhất đến hết ngày 31-3-2009, tất cả các doanh nghiệp phải hoàn thành các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Quá thời hạn nêu trên, tổ chức, cá nhân không thực hiện sẽ phải tạm đình chỉ hoạt động, hoặc cấm hoạt động, buộc di dời đến các vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường.
Trường hợp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường hoặc làm thiệt hại về kinh tế và môi trường, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Sáng 24-9, Sở Tài nguyên-Môi trường tổ chức lấy ý kiến các cơ quan chức năng và các quận huyện góp ý cho dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường do Bộ Tài nguyên-Môi trường soạn thảo và sẽ được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006.
Theo dự thảo nghị định mới, sẽ tăng mức phạt tối đa đối với vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên đến 500 triệu đồng (hiện nay tối đa là 70 triệu đồng), mức tối thiểu sẽ là phạt cảnh cáo.
VĂN NAM