Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ phục hồi ưu đãi thuế trong khu công nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ phục hồi ưu đãi thuế trong khu công nghiệp

Quồc Hùng

Sẽ phục hồi ưu đãi thuế trong khu công nghiệp
Sản xuất của Toshiba tại một khu công nghiệp -Ảnh minh họa: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và Ban quản lý các KCN ở khắp các tỉnh thành đang kỳ vọng việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN sẽ sớm tăng trưởng trở lại khi ưu đãi thuế cho nhà đầu tư vào khu vực này được phục hồi trở lại.

>>> Doanh nghiệp trong KCX-KCN than khó

>>> Nhiều doanh nghiệp trong KCX-KCN thấm đòn khó khăn

Cùng với việc đề xuất cho các dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi đầu tư, Bộ Tài chính cũng đã đưa quy định về ưu đãi thuế với khu công nghiệp vào dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi.

Trong bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính giữ nguyên đề nghị bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp.

Trong lần gặp gỡ với các nhà đầu tư Singapore ở TPHCM gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cũng cho biết chủ trương của Chính phủ là chính sách ưu đãi đầu tư trong thời gian tới sẽ tốt hơn, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp ở một số địa phương cũng được xem xét phục hồi trở lại.

Nếu điều này thành hiện thực thì theo các công ty phát triển hạ tầng việc thu hút đầu tư vào KCN sẽ "dễ thở" hơn trong bối cảnh đầu tư nước ngoài ngày càng giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Kể từ khi Luật Thuế TNDN 2008 có hiệu lực (1-1-2009), ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN, và cả doanh nghiệp đầu tư trong KCN đều bị bãi bỏ. Từ đó tới nay, theo các công ty phát triển hạ tầng việc thu hút đầu tư vào KCN rất khó khăn trên diện rộng khắp cả nước.

Nhìn thấy thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính, khi sửa đổi Luật Thuế TNDN thì nên khôi phục ưu đãi thuế TNDN cho KCN.

Thực tế cho thấy, việc bỏ quy định ưu đãi thuế đối với KCN đã phát sinh bất cập do hầu hết các KCN được phân bố ở vùng kinh tế trọng điểm (chiếm khoảng 80% trong tổng số KCN), không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, tuy có thuận lợi về vị trí, hạ tầng, nhưng chi phí đền bù, xây dựng hạ tầng cao, dẫn đến giá thuê lại đất trong KCN rất cao.

Vì vậy, nếu không có chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với KCN thì rất ít doanh nghiệp đầu tư vào KCN, điều này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý về môi trường, lao động, an ninh, trật tự cũng như phát triển ngành công nghiệp theo định hướng của  Nhà nước.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc ưu đãi thuế cũng cần có chọn lọc, tránh dàn trải; đối với các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đã được định hướng phát triển thành các trung tâm dịch vụ, tài chính, văn hoá của cả nước nên không cần thiết khuyến khích phát triển các KCN thuộc các thành phố này.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KCN, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung quy định doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương) được miễn thuế TNDN trong 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Đề xuất này được sự đồng tình của nhiều nhà đầu tư kể cả các cơ quan quản lý đầu tư.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần giữ nguyên như luật hiện hành, không áp dụng ưu đãi thuế đối với KCN. Theo ý kiến này, các KCN hiện nay được Nhà nước hỗ trợ đầu tư rất lớn và được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai. Nếu áp dụng ưu đãi thuế TNDN cho KCN như đề xuất trên sẽ khó thu hút đầu tư vào vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị chính sách cho KCN thực hiện ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn.

Theo Cơ quan Xúc tiến đầu tư Nhật Bản ở các cuộc họp tháo gỡ khó khăn thu hút đầu tư, việc Việt Nam bãi bỏ các ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư vào KCN là hết sức bất lợi cho khách hàng tiềm năng nước ngoài. Bỡi lẽ, khi một công ty chuẩn bị đầu tư ra nước ngoài, họ sẽ tìm hiểu môi trường đầu tư của cả khu vực, chứ không phải chỉ là một nước.

Điều mà các doanh nghiệp quan tâm là giá thuê đất, nhân công rẻ, thị trường lớn… và một yếu tố quan trọng nữa là chính sách ưu đãi về thuế. Theo vị này, vấn đề hiện nay của Việt Nam không phải là cạnh tranh trong nước, mà là phải cạnh tranh với các nước xung quanh. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của khu vực và toàn cầu, nếu Việt Nam vẫn áp dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện nay, thì sẽ hết sức khó khăn để thu hút đầu tư.

Các công ty phát triển hạ tầng KCN cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thu hút một dự án đầu tư sản xuất vào KCN đã rất khó khăn, nếu không phục hồi ưu đãi về thuế, sẽ càng khó khăn hơn. “Việt Nam có ưu điểm nổi bật là giá nhân công rẻ và có những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nay không còn ưu đãi nữa, trong khi nhân công của Việt Nam mặc dù rẻ, nhưng trình độ tay nghề lại thấp, thì Việt Nam sẽ không còn được lựa chọn ưu tiên”, đại diện một nhà phát triển hạ tầng lên tiếng.

Một báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thời gian gần đây đã chỉ ra rằng, sự sụt giảm thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng có phần là do chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, một trong những ưu đãi chủ yếu đối với nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng từ ngày 1-1-2009, đã thu hẹp đáng kể các doanh nghiệp, các dự án thuộc diện ưu đãi. Cùng với bối cảnh suy thoái kinh tế, điều này làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Điều này cũng đã được đại diện một số tỉnh, thành phố thừa nhận. Việc không còn được hưởng các ưu đãi về thuế khiến các nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm hơn tới việc đầu tư vào các KCN. Các dự án đầu tư vào KCN chủ yếu là dự án sản xuất, trong khi đầu tư ngoài KCN hầu hết là dự án bất động sản và dịch vụ.

Trước 1-1-2009, Luật thuế TNDN năm 2003 và văn bản hướng dẫn quy định doanh nghiệp mới thành lập tại KCN được hưởng ưu đãi thuế bằng với mức ưu đãi của địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (thuế suất 20% trong 10 năm); trường hợp doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất trong KCN thì được hưởng ưu đãi ở mức cao hơn (thuế suất 15% trong 12 năm)

Tuy nhiên, từ 1-1-2009, Luật Thuế TNDN sửa đổi không có quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp mới thành lập tại KCN (chỉ bảo lưu ưu đãi cho những doanh nghiệp đã đầu tư tại KCN trước năm 2009).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới