Sẽ tạo việc làm mới cho lao động về nước trước hạn
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) - Trước tình hình suy thoái kinh tế ngày một trầm trọng, nhiều lao động phải trở về nước vì không có việc làm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có chính sách gì để hỗ trợ họ, và chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2009 có thể thực hiện được không?
Phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.
TBKTSG Online: Số lượng lao động về nước trước hạn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế mà bộ thống kê được đến nay là bao nhiêu, và nước nào hiện đang trả lao động về nhiều nhất, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Từ cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế của các nước nhận lao động Việt Nam. Nhiều lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài không có nhiều việc làm như trước đây dẫn đến thu nhập giảm.
Bên cạnh đó, nhiều lao động còn phải về nước trước thời hạn hợp đồng. Tính đến nay, đã có khoảng 3.000 người phải về nước trước hạn, nhiều nhất là Đài Loan (khoảng trên 2.000 người).
Bộ có chính sách hỗ trợ nào dành cho người lao động khi họ về nước không, thưa ông?
Trước tình hình đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình việc làm của người lao động ở nước ngoài, động viên họ và thực hiện các giải pháp bảo vệ quyền lợi.
Đối với người mất việc làm, sẽ cố gắng chuyển sang nơi làm việc mới, trường hợp phải về nước thì phải bảo đảm người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ đối với người lao động chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của pháp luật nước sở tại.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã thống nhất với Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi tình hình và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại bảo vệ quyền lợi người lao động.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp cụ thể về chế độ của các nước nhận lao động đối với người lao động mất việc làm.
Đối với người lao động về nước, nhà nước sẽ hỗ trợ về đào tạo, giới thiệu việc làm mới, bao gồm cả việc giới thiệu để đi xuất khẩu lao động tại thị trường khác, cho vay vốn để tự tạo việc làm...
Theo thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa trả lời trên báo chí thì trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tìm thêm thị trường mới như châu Âu và Bắc Mỹ. Ông nghĩ sao về điều này khi hiện nay tình hình khủng hoảng kinh tế đang xảy ra trầm trọng tại các nước thuộc hai khu vực vừa nói đến? Nước nào sẽ là thị trường tâm điểm cho xuất khẩu lao động trong năm 2009?
Châu Âu và Bắc Mỹ là các thị trường nhận nhiều lao động nước ngoài mà chúng ta chưa đưa được số lượng lao động đáng kể. Đẩy mạnh khai thác các thị trường này là một hướng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Đối với các thị trường hiện có, các nước Trung Đông là khu vực mà Việt Nam đã đưa lao động đi trong vài năm qua, lao động ta đã có uy tín tại thị trường này. Chúng ta cũng đã ký thỏa thuận về hợp tác lao động với một số nước trong khu vực. Các nước khu vực này bị ảnh hưởng ít hơn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây sẽ là khu vực nhận nhiều lao động nước ta trong năm 2009.
Tình hình đơn hàng của các công ty xuất khẩu lao động hiện nay ra sao? Ông đánh giá thế nào về thị trường lao động xuất khẩu năm 2009? Kế hoạch xuất khẩu lao động năm 2009 là 90.000 người theo ông có thể hoàn thành không?
Cùng với việc người lao động đang làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn về việc làm thì nhu cầu nhận lao động mới của các nước cũng giảm xuống. Vì vậy, kế hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2009 thực sự là một thách thức lớn.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng phương án cho từng thị trường cụ thể để phấn đấu thực hiện kế hoạch này. Hướng cơ bản là sẽ tiếp tục khai thác các thị trường mới; đối với thị trường hiện có sẽ đẩy mạnh khai thác các hợp đồng nhận lao động trong các ngành ít bị tác động bới khúng hoảng kinh tế, đẩy mạnh công tác đào tạo để đưa lao động tay nghề cao và lao động trong các ngành dịch vụ là các nghề vẫn đang có nhu cầu trên thị trường lao động quốc tế.
THANH THƯƠNG thực hiện