Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sẽ thành lập quỹ hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư chiến lược

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo quyết định của Quốc hội, Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; đồng thời dùng nguồn thu này để thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024.

Thu thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội kết thúc ngày 29-11-2023 với hai tuyên bố quan trọng về thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024. Theo đó, các đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao tương đương 750 triệu euro trở lên trong ít nhất hai năm trong bốn năm liền kề trước năm tài chính đang hoạt động tại Việt Nam sẽ phải kê khai và nộp thuế tối thiểu toàn cầu.

Về cách đánh thuế, Việt Nam sẽ áp dụng “thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn” (viết tắt là QDMTT) theo quy tắc mẫu GloBE. QDMTT là cơ chế đạt chuẩn theo quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), được các chuyên gia quốc tế và trong nước “khuyên dùng”. Các cơ chế khác (ví dụ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%) sẽ không thống nhất theo công thức tính của OECD, dẫn đến tổng nghĩa vụ thuế của toàn tập đoàn sẽ bị tăng lên. Việc này vừa gây thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư, vừa gây khó khăn trong việc áp dụng và không thể hiện được sự hội nhập chính sách thuế của Việt Nam với quốc tế.

Thứ hai, trong nghị quyết của kỳ họp thứ 6, Quốc hội giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư; khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành nghị định này.

Để có được những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cùng lúc đạt được ba mục tiêu - bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp, không vi phạm các cam kết chung về việc áp dụng thuế tối thiểu, không quá tốn kém cho ngân sách - thực sự rất khó, và cần sự phối hợp vừa tích cực, vừa chặt chẽ của nhiều bên.

Cùng với việc thông qua nghị quyết khẳng định Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, thông điệp của Quốc hội về chính sách hỗ trợ đầu tư thể hiện trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, giữ chân họ và thúc đẩy họ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bởi lẽ, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì hầu hết biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15%) sẽ không còn giá trị với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu chỉ thấy Việt Nam tăng thu mà không hỗ trợ trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang quốc gia khác.

Hơn nữa, các quốc gia cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với Việt Nam trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội để duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu Việt Nam không có động thái điều chỉnh phù hợp thì sẽ đuối sức trong cuộc cạnh tranh này và ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút FDI - vốn đã, đang và sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam.

Gian nan phía trước

Nhìn chung, các tập đoàn có khả năng chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đang hoạt động ở Việt Nam tạm hài lòng với diễn biến này sau khi trải qua một giai đoạn đầy “thấp thỏm”. Nói vậy bởi, theo dự kiến ban đầu, dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và dự thảo Nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, do hồ sơ Nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, trong khi hai nghị quyết này liên quan mật thiết với nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị không trình Quốc hội cả hai dự thảo nghị quyết này tại kỳ họp thứ 6.

Khi kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào chương trình họp. Lý do là các “nước mẹ” của các tập đoàn đa quốc gia sẽ giành quyền đánh thuế nếu Việt Nam không tuyên bố việc này trước ngày 1-1-2024. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta mất quyền thu thuế mà môi trường đầu tư vẫn bị ảnh hưởng vì doanh nghiệp nước ngoài không được hưởng ưu đãi. Hơn nữa, dự thảo nghị quyết này cũng đã đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua. Đối với dự thảo nghị quyết còn lại (về chính sách hỗ trợ đầu tư), trên cơ sở chuẩn bị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Khi thảo luận về vấn đề này, cả trong phiên toàn thể và phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất rằng cần thiết ban hành ngay Nghị quyết về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để bảo vệ quyền đánh thuế. Cùng với đó, phải có thêm nghị quyết về chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp. Vì vậy, trong phiên họp giữa hai đợt họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ báo cáo Quốc hội và thể hiện nội dung về ưu đãi đầu tư trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6.

Dù kế hoạch có thay đổi liên tục, song kết quả đến nay cho thấy Quốc hội và Chính phủ đã có bước đi hợp lý và phản ứng linh hoạt trong việc tìm đối sách cho vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Có điều là gian nan vẫn đang ở phía trước, nhất là trong xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư mới bởi OECD không cho phép các nước đánh tráo việc tăng thuế với các biện pháp thu hút đầu tư khác. Để có được những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cùng lúc đạt được ba mục tiêu - bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp, không vi phạm các cam kết chung về việc áp dụng thuế tối thiểu, không quá tốn kém cho ngân sách - thực sự rất khó, và cần sự phối hợp vừa tích cực, vừa chặt chẽ của nhiều bên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới