(KTSG Online) - Trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương,… về công tác quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư và quỹ đất xây nhà ở xã hội.
- Đề nghị giữ nguyên ưu đãi vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội
- Từ khó khăn ‘3 tại chỗ’ nhìn lại quỹ đất dành cho nhà ở công nhân trong khu công nghiệp
Tại kế hoạch thanh tra năm 2022, Bộ Xây dựng cho biết sẽ thanh tra hai chuyên đề diện rộng 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Cụ thể, ở chuyên đề thứ nhất, Bộ Xây dựng thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn với các chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ở chuyên đề hai, đối tượng thanh tra sẽ là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội với các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (quan tâm đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp).
Thời gian qua, nhiều chung cư xảy ra tranh chấp về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Mâu thuẫn chủ yếu là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư cố tình giữ quỹ bảo trì không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân.
Vấn đề quỹ đất dành cho nhà ở xã hội cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Cơ quan quản lý nhận được phản ánh nhiều bất cập khi một số nơi phê duyệt, điều chỉnh đồ án quy hoạch chưa bố trí quỹ đất cho loại hình nhà ở này, nhiều dự án còn không bố trí đất.
Cũng tại kế hoạch thanh tra, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra UBND tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hậu Giang liên quan đến công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch, hoạt động kinh doanh bất động sản.
Thanh tra UBND một số tỉnh, thành phố về việc thực hiện quyết định của Bộ trưởng Xây dựng về giải quyết khiếu nại về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1-7-1991.
Bộ Xây dựng cũng sẽ thanh tra chuyên ngành đối với việc quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án do bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư.
Các đơn vị nằm trong danh sách gồm: Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Nội dung thanh tra là công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỉ đồng.