Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ theo dõi tình hình nhập khẩu gạo, làm rõ dấu hiệu gian lận xuất xứ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ theo dõi tình hình nhập khẩu gạo, làm rõ dấu hiệu gian lận xuất xứ

Trung Chánh

(KTSG Online) – Doanh nghiệp trong nước nhập gạo Ấn Độ để tái xuất dưới danh nghĩa gạo Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín ngành hàng này của Việt Nam. Song, xét theo quy định của pháp luật, việc doanh nghiệp trong nước nhập khẩu gạo là không cấm, miễn đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

Việt Nam nhập gạo 5% tấm của Ấn Độ để làm gì?

Sẽ theo dõi tình hình nhập khẩu gạo, làm rõ dấu hiệu gian lận xuất xứ
Gạo được chuyển về chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang: Ảnh: Trung Chánh

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp kinh doanh gạo trong nước đã quyết định nhập khẩu gạo 100% tấm và 5% tấm từ Ấn Độ. Bởi, giá gạo của quốc gia này cạnh tranh hơn rất nhiều so với Việt Nam (gạo Ấn Độ thấp hơn gạo Việt khoảng 100 đô la Mỹ/tấn- PV), trong khi gạo nhập từ Ấn Độ có thuế suất là 0% theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA).

Trao đổi với KTSG Online, đại diện Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết quy định của pháp luật hiện hành, mà cụ thể là Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, thì gạo không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện.

Theo vị này, tất cả các doanh nghiệp đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và hải quan đều được nhập khẩu theo nhu cầu. Điều này có nghĩa, việc doanh nghiệp nhập gạo từ Ấn Độ hay Campuchia thời gian qua hoàn toàn được phép.

Theo vị đại diện Cục xuất nhập khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2021, gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm để phục vụ cho những ngành như sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến bột và làm men bia. “Qua theo dõi, có thể thấy các doanh nghiệp có xu hướng nhập khẩu gạo, nhất là gạo tấm, cấp thấp để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho một số ngành sản xuất trong nước, dành gạo cao cấp và gạo thơm cho xuất khẩu, mang lại giá trị cao hơn, đồng thời nâng tầm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”, vị này cho biết.

Tuy nhiên, theo một số phản ánh, gần đây có nghi vấn một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc được phép nhập khẩu gạo để mua từ Ấn Độ, sau đó tái xuất khẩu sang nước thứ ba dưới danh nghĩa gạo Việt Nam nhằm hưởng lợi, bởi gạo từ Ấn Độ có giá thấp hơn rất nhiều so với gạo Việt.

Liên quan việc này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu gạo, chống gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu đang phối hợp với Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) theo dõi sát tình hình nhập khẩu gạo, tổng hợp và xác minh thông tin liên quan đến những trường hợp có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, có biện pháp quản lý phù hợp với thực tiễn thương mại gạo.

Trao đổi với KTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL (đề nghị không nêu tên) nhấn mạnh: “VIệc gian lận xuất xứ, mà cụ thể “hô biến” gạo Ấn Độ thành gạo Việt để xuất khẩu sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín ngành gạo trong nước”.

Theo vị này, xét ở góc độ doanh nghiệp thực hiện gian lận, nếu “trót lọt”, họ sẽ hưởng lợi nhuận lớn từ việc lấy gạo giá rẻ bán với giá cao cho đối tác. “Tuy nhiên, đúng ở góc độ của ngành, sẽ gây mất lòng tin nơi khách hàng nhập khẩu, từ đó, họ có thể quay lưng với gạo Việt”, vị này cho biết và đề xuất cần sớm làm rõ và ngăn chặn việc mạo danh” gạo Việt trong xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới