Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7-2024

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội ban hành, cả nước đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6-6,5%. Quốc hội cũng đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp đạt mục tiêu trên như xây dựng phương án để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng độ bao phủ người tham gia…

Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ lên phương án để thực hiện chính sách về cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024. Ảnh: TL

Trang web quochoi.vn thông tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, cả nước đặt mục tiêu đến năm 2024, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng hơn 24%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4-4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân là 4,8-5,3%. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt từ 6-6,5%.

Kế hoạch còn đưa ra những mục tiêu là tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó số lao động có bằng, chứng chỉ đạt hơn 28%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%...

Những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đạt mục tiêu trên là xây dựng, hoàn thiện pháp lý để thực hiện phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024 theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ nhóm người tham gia; có giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Chính phủ ưu tiên tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng.

Ngoài ra, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có khả năng ứng dụng công nghệ là giải pháp cần thiết. Một số phương án khác được đề cập đến như ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới