(KTSG Online) - Bộ Công Thương phải lên tiếng trước thông tin về việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước trong thời gian gần đây.
Hôm 29-1, Bộ Công thương cho biết: Trong thời gian gần đây, trước diễn biến về việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn – Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước; trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
(1) Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
(2) Tiến hành xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật: áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định.
Bộ yêu cầu Vụ Thị trường trong nước: Chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến Giấy phép xăng dầu của Bộ Công Thương cấp theo thẩm quyền.
Liên quan đến các “răn đe” cứng rắn trên của Bộ Công Thương, xuất phát từ việc NSRP đã gửi công văn cho UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1/2022, giảm công suất hoạt động xuống 80% và ngừng hoạt động hoàn toàn vào ngày 31/12/2022 nếu tình hình tài chính không được cải thiện. Tại dự án có vốn đầu tư 9 tỉ đô la Mỹ với 4 liên doanh gồm: Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty dầu khí quốc tế Kuwait KPI, Công ty Idemitsu và Công ty hóa chất Mitsui (Nhật Bản), ngay từ khi ký hợp đồng đầu tư đã nhận được vô vàn ưu đãi.
NSRP được hưởng: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm. PVN, dù chỉ góp 25,1% vốn nhưng là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. PVN đã từng gửi văn bản báo cáo Chính phủ, cho biết, nếu thực hiện theo Hợp đồng bao tiêu sản phẩm, PVN sẽ phải bù lỗ 1,5-2 tỉ đô la Mỹ cho Nghi Sơn.
Với lý do đợi phê duyệt gia hạn Thỏa thuận hỗ trợ tài chính thanh toán tiền dầu thô (RPA) và Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liêu (FPOA) giữa PVN và NSRP nên NSRP đã cắt giảm công suất vận hành.
Về phía PVN, đơn vị phải bao tiêu thì cho rằng: Việc NSRP hoạt động hơn 3 năm, chưa thực sự ổn định, sản lượng sản xuất vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của thị trường… khiến công tác bao tiêu sản phẩm cho nhà máy rất khó khăn, phức tạp. Hơn thế nữa, công tác bao tiêu sản phẩm với điều kiện “không được gây lỗ” là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử kinh tế Việt Nam đã khiến PVN gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc.
PVN muốn cùng các bên liên doanh lên phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP. Với mục tiêu vận hành ổn định, hiệu quả, bền vững, tuân thủ quy định, luật pháp hiện hành, các Bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc NSRP do PVN đề xuất.
Đến tối ngày 28/1, PVN thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn cơ chế RPA và thanh toán sớm (Early Payment) hợp đồng FPOA để giúp NSRP cải thiện dòng tiền, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc
Thị trường nhiên liệu xăng dầu trong những năm qua luôn biến động không ngừng, có những thời điểm giá dầu thế giới liên tục đổi chiều, thậm chí có lúc còn có giá âm . Để đảm bảo yếu tố tôn trọng các quy định của hợp đồng ký kết giữa các bên đầu tư vào NSRP, việc bao tiêu sản phẩm luôn có tính rủi ro cao nhưng PVN vẫn phải thực hiện theo cam kết Chính phủ đã ký.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu thô liên tục tăng trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mạnh trong khi rủi ro gián đoạn nguồn cung ngày càng lớn. Ngày 20-1-2022, giá dầu Brent đã có lúc chạm “đỉnh” 90,92 đô la Mỹ/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 13-10-2014, trong khi dầu WTI thiết lập “đỉnh cao” 86,96 đô là/thùng - mức giá cao nhất của WTI kể từ ngày 9-10-2014.
Trong nước thì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước đang tăng cao, đặc biệt vào dịp trước Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong khi các nguồn cung cấp khác gặp nhiều khó khăn. Do vụ việc của NSRP xảy ra trong thời điểm nhiều khó khăn liên tiếp cùng lúc trên thị trường xăng dầu thế giới và trong nước nên, trong khi NSRP chiếm 35% nguồn cùng nên một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã phăỉ tăng công suất vận hành của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 103% từ 26-1-2022 để cân bằng, ổn định cho thị trường xăng dầu trong nước.
Nghi Sơn là doanh nghiệp do nhà nước quản. Nhưng hình như quản vẫn không được ? Trong khi đó, thị trường xăng dầu thì cũng do nhà nước cầm chịch là chính. Nhập và phân phối cũng do nhà nước cấp phép. Như vậy nếu không quản được nữa thì có lẽ nên xem lại ta đang sai ở chỗ nào ? Biện pháp dọa tước giấy phép là kiểu làm rất cũ và rất kém hiệu quả đã được chứng minh từ lâu.