Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sẽ xem xét công nhận ‘gạo thơm ST25’ là thương hiệu quốc gia?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ xem xét công nhận 'gạo thơm ST25' là thương hiệu quốc gia?

Nam Bình

(KTSG Online) - Liên quan đến việc gạo thơm ST25 bị bốn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ, ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25 và là con trai kỹ sư Hồ Quang Cua), cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang có kế hoạch họp, xem xét việc bảo hộ chữ “Gạo thơm ST25” và công nhận thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm này.

Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ

ST25 bị đăng ký bảo hộ tại Mỹ, xuất khẩu gạo vào thị trường này có bị ảnh hưởng?

Gạo ST25 bị bảo hộ tại Mỹ, vấn đề cần làm ngay lúc này là gì?

Theo ông Trí, hiện tại, việc bốn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ sản phẩm ST25 tại thị trường Mỹ chưa ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của doanh nghiệp ông Trí, tuy nhiên, ôngTrí cho rằng, đây là vấn đề quốc gia, liên quan tới việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Việc này vượt ngoài khả năng của doanh nghiệp ông.

“Tôi nghe thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xem xét việc bảo hộ chữ "Gạo thơm ST25" cũng như công nhận thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm này nhưng chưa biết cụ thể khi nào”, ông Trí thông tin với Kinh tế Sài Gòn Online.

Theo ông Trí, ở Thái Lan, giống gạo thơm Hom Mali rất được coi trọng, nhiều năm liền họ đạt giải nhất gạo ngon thế giới và giá bán sản phẩm này rất cao. Gạo Hom Mali đã được Thái Lan công nhận là thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp nào muốn bán gạo đó sang nước khác thì phải được nhà nước cấp giấy chứng nhận rằng doanh nghiệp đó có sản xuất gạo Hom Mali của Thái.

Sẽ xem xét công nhận 'gạo thơm ST25' là thương hiệu quốc gia?
Gạo thơm ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua nên được xem xét công nhận thương hiệu quốc gia. Ảnh: Nam Bình.

Trong khi đó, ở Việt Nam, cho đến nay chưa ai công nhận gạo ST25 là thương hiệu quốc gia, thuộc sở hữu của Nhà nước. Mà doanh nghiệp nhỏ như DNTN Hồ Quang Trí hay người chuyên tâm là khoa học như kỹ sư Hồ Quang Cua thì không đủ sức lo chuyện ở bên Mỹ.

“Về lâu dài, cần có thương hiệu gạo chung của Việt Nam giống như cách người Thái đã làm được với gạo Hom Mali”, ông Trí nhận định.

Ông Trí cho rằng, vì chưa được công nhận là thuộc sở hữu quốc gia nên trên thực tế, không chỉ bốn hay năm doanh nghiệp mà đến mười doanh nghiệp đăng ký bảo hộ tại Mỹ cũng “không thành vấn đề”.

Cũng theo con trai kỹ sư Hồ Quang Cua, hiện doanh nghiệp ông cũng đang tìm hiểu để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm gạo thơm ST24, ST25 tại Việt Nam cũng như một số thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ là đăng ký bảo hộ rồi… để đó chứ doanh nghiệp ông không có kế hoạch xuất khẩu gạo thơm mà chỉ tập trung vào sản xuất giống.

Kinh tế Sài Gòn Online đã liên lạc với Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cũng như lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Sở hữu Trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) nhưng chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan này.

Về phần kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” giống lúa ST24, ST25, sau khi báo chí đề cập tới việc “đứa con cưng” của ông đã bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ, ông Cua đã cho kiểm tra lại và xác nhận có bốn doanh nghiệp, đều do người Mỹ gốc Việt làm chủ, đăng ký bảo hộ tại Mỹ. Riêng tại thị trường EU, chưa có hồ sơ đăng ký nào liên quan đến ST25.

Theo luật sư Vũ Xuân Lâm, chi phí để đề nghị Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ hủy bỏ các đơn đăng ký bảo hộ liên quan đến ST25 ở mức khoảng 75.000 đô la Mỹ. Ảnh: Nam Bình.

Tra cứu thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có 3 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan trên sản phẩm gạo ST25.

Đó là Ngon Fish Sauce đăng ký bảo hộ "Gao Thom ST25" "Dac san Soc Trang" nộp đơn ngày 22-10-2020; Transworld Foods đăng ký bảo hộ "VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG", nộp đơn ngày 1-9-2020 và John D.Tran đăng ký nhãn hiệu ST25 nộp đơn ngày 18-6-2020.

Cả 3 đơn đăng ký bảo hộ trên đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending). Điều này có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ.

Phát biểu trên Báo Người Lao động sáng 22-4, luật sư Vũ Xuân Lâm (chuyên về sở hữu trí tuệ), cho biết, trong trường hợp này chủ sở hữu tại Việt Nam có thể khiếu nại đến USPTO để đề nghị hủy bỏ các đơn đăng ký trên và tiến hành thủ tục đăng ký "chính chủ".

Theo Luật sư Lâm, giai đoạn này xử lý đơn giản và đỡ tốn kém nhất vì khi USPTO đã cấp bảo hộ cho tổ chức, cá nhân khác thì đòi lại rất khó. Để thực hiện, chủ sở hữu gạo ST25 cần chứng minh về việc sử dụng nhãn hiệu, sự nổi tiếng của sản phẩm…

“Thường thì những vụ việc này luật sư phía Mỹ sẽ xem xét và báo giá chi phí cho chủ sở hữu. Theo kinh nghiệm của tôi, phí tối thiểu là 75.000 đô la Mỹ để khiếu nại 3 tổ chức, cá nhân trên" - luật sư Lâm tiết lộ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới