Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Shark Tank: đừng để bị đuối nước

Nguyễn Ngọc Trâm (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm trí tuệ có thể là yếu tố quyết định dự án của bạn và cả của các Shark (các nhà đầu tư trên chương trình Shark Tank hay còn gọi là “Cá mập”) thành công hoặc thất bại. Điều này chưa bao giờ được thể hiện rõ ràng đến thế trong The Shark Tank chương trình truyền hình phiên bản Mỹ.

Nhiều thực tế dự án của chương trình đã cho thấy việc công khai sản phẩm trí tuệ nhưng chưa được bảo hộ khiến việc gọi được vốn trên Shark Tank và nộp đơn xin phá sản chỉ cách nhau vài bước chân.

Nếu xem chương trình Shark Tank phiên bản Mỹ bạn sẽ thấy luôn có câu hỏi về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong một số bài thuyết trình khởi động chương trình, một số Shark đã đưa ra quan điểm về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cho thấy rằng vị trí sở hữu trí tuệ mạnh hay yếu có thể đóng một vai trò quan trọng trong quyết định đầu tư. Tại sao các Shark lại quan tâm tới các sản phẩm trí tuệ và quyền sở hữu chúng của các công ty tham gia chương trình?

Vị trí sở hữu trí tuệ và quyết định đầu tư

Tài sản trí tuệ được bảo hộ hợp pháp của một công ty đóng góp trực tiếp vào việc định giá công ty. Việc đã đăng ký bảo hộ hợp pháp cung cấp quyền để loại trừ người khác sử dụng các sản phẩm và tài sản trí tuệ này.

Điều này cho phép các công ty bảo vệ thành quả của công việc đổi mới sáng tạo của họ. Thậm chí, nếu nhu cầu của thị trường đối với những sản phẩm trí tuệ này lớn, công ty có thể tính phí người khác để li-xăng.

Các nhà đầu tư đương nhiên quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Họ thường muốn xem danh mục đầu tư sở hữu trí tuệ và nhiều khi căn cứ vào danh mục này để quyết mức đầu tư. Tương tự, trong thế giới mua bán và sáp nhập (M&A), nhiều công ty mua công ty khác để có được các nhãn hiệu, phát minh, phần mềm và bí mật thương mại của họ.

Mặt khác, sự bảo hộ tài sản trí tuệ của công ty đối thủ có thể tạo ra một “bãi mìn” hợp pháp có tính sát thương cao. Ví dụ, một công ty có một sản phẩm mới, quảng bá nó trên Shark Tank nhưng không phân tích bằng sáng chế của đối thủ có thể sau đó bị phát hiện đang vi phạm bằng sáng chế của đối thủ. Trong trường hợp tệ nhất, công ty có thể buộc phải thay đổi sản phẩm hiện có hoặc ngừng sản xuất.

SHTT có bốn lĩnh vực lớn, gồm bằng sáng chế, bí mật thương mại, bản quyền và nhãn hiệu. Và việc thẩm định phân tích nói trên không nên chỉ dừng ở sáng chế. Có thể xem trường hợp của Uber. Công ty này đã giải quyết một vụ kiện với Công ty Waymo thuộc Google và buộc phải hòa giải, đền bù cho Waymo mức tiền 245 triệu đô la, tất cả chỉ vì Uber đã thuê ba nhân viên cũ của Google, những người bị cáo buộc đã đánh cắp bí mật thương mại của Waymo.

Tương tự, việc không tra cứu nhãn hiệu trước khi tự sáng tạo ra một cái và mang lên Sharktank cũng là một bước đi thẳng vào hố cát lún. Nhiều doanh nghiệp gọi vốn thành công trên Shark Tank phiên bản Mỹ không thể đăng ký nổi tên mình quảng bá trên chương trình và buộc phải đặt lại tên khác cho doanh nghiệp và sản phẩm (rebrand) của họ, ví dụ:

RYAN’S BARKERY, sản phẩm thức ăn cho chó mèo: RYAN’S BARKERY đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào ngày 3-12-2012. Đơn này đã bị từ chối do giống nhau và mang tính nhầm lẫn với nhãn hiệu BARKERY, cho “đồ ăn cho thú cưng” và RYAN’S PET SUPPLIES, cho “các dịch vụ cửa hàng bán lẻ và cửa hàng bán lẻ trực tuyến có đồ dùng cho thú cưng”. Doanh nghiệp buộc phải đổi tên thành “Ry’s Ruffery”. Chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu cho RY’S RUFFERY được cấp ngày 17-3-2015.

REMYXX REKIXX, sản phẩm giày có thể tái chế: REMYXX đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào ngày 10-9-2011. Đơn đã bị từ chối do giống nhau và mang tính nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký là REMIX cho “quần áo, cụ thể là quần jeans, quần dài, quần shorts, áo khoác, áo sơ mi, áo thun và giày”. Doanh nghiệp buộc phải đổi tên thành “Rekixx”. Chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu cho REKIXX được cấp ngày 20-5-2014.

Tóm lại là doanh nghiệp nên mặc đồ bảo hộ SHTT trước khi bước xuống nước gặp Shark.

Ngập ngụa và giãy giụa

Emma Cohen nổi tiếng qua chương trình truyền hình Shark Tank, cô và công ty của mình vẫn tiếp tục xuất hiện trên báo đài sau khi gọi vốn thành công, nhưng không phải vì sản phẩm xuất sắc hay bài thuyết trình thuyết phục. Emma Cohen nổi tiếng vì lý do khác.

Ban đầu, công ty Final Straw của cô kêu gọi vốn trên trang góp vốn cộng đồng Kickstarter và đã huy động được tới 1,6 triệu đô la Mỹ. Thế rồi Emma đã được trao cơ hội giới thiệu mặt hàng ống hút gập tái sử dụng của mình trên chương trình Shark Tank nổi tiếng của đài ABC Mỹ. Một số Shark đã đề nghị đầu tư sau khi được thuyết phục trước phần trình bày của cô. Ngay lập tức sau giây phút thần kỳ ấy, tai họa liên tiếp ập xuống Emma.

Bất chấp việc Emma nỗ lực nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Mỹ, những bản nhái rẻ tiền sản phẩm ống hút của cô vẫn được rao bán trên khắp thế giới, đa số là trên chợ điện tử Alibaba.com. Tệ hơn nữa là cô còn bị khách hàng khiếu nại về thứ hàng “quay cóp” kém chất lượng vì họ nhầm tưởng rằng đã mua được sản phẩm chính hãng.

Chuyện càng trở nên nghiêm trọng khi một số người nổi tiếng trên Instagram còn giới thiệu về thương hiệu của Emma nhưng lại đính kèm đường dẫn đến các công ty đạo nhái. Đây là điều phổ biến khi các nhà khởi nghiệp công khai tiết lộ sản phẩm sáng tạo chưa được bảo hộ của mình để cố giành lấy những khoản đầu tư hậu hĩnh trên các chương trình như Shark Tank và trang web như Kickstarter.

Giống như đã nói ở phần đầu, ý tưởng của Shark Tank và những chương trình tương tự là nhà khởi nghiệp phát minh ra sản phẩm mới, sẽ trình bày ý tưởng kinh doanh của mình trước một nhóm các nhà đầu tư, doanh nhân và người quản lý quỹ đầu tư tư nhân.

Nếu nhà đầu tư thích ý tưởng đó, họ sẽ đề nghị đầu tư vốn cho nhà sáng chế hoặc nhà khởi nghiệp để đổi lấy cổ phần trong công ty. Lúc này nhà khởi nghiệp có thể chọn chấp nhận hoặc từ chối lời đề nghị đầu tư. Không may cho những nhà sáng chế này là các Shark không phải là những người duy nhất được thấy sáng chế mới, bởi chương trình được phát sóng cho cả thế giới xem.

Đôi khi những phát minh này đủ điều kiện để được cấp bằng sáng chế. Nếu họ đã đặt tên cho sản phẩm mới thì có thể vấn đề về nhãn hiệu sẽ phát sinh và nếu các nhà sáng chế đã tạo những nội dung khác như bản thiết kế hay tài liệu quảng cáo, thì còn phải lưu ý đến khía cạnh bản quyền nữa.

Vấn đề không chỉ dừng ở việc được công chúng biết đến qua Shark Tank hay Kickstarter. Các công ty Trung Quốc có thể sục sạo trong số những đơn đăng ký nhãn hiệu được đăng công khai trên trang web của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Liên bang Mỹ (USPTO) để “đạo nhái”.

Các nhà khởi nghiệp có thể bắt gặp sản phẩm giả mạo mang logo của mình bỗng nhiên xuất hiện trên những chợ điện tử như Alibaba.com hoặc có công ty khác đăng ký hồ sơ nhãn hiệu giả mạo tại nước ngoài.

Yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm vi phạm: khó khăn, mệt mỏi

Emma có thể yêu cầu trang Alibaba gỡ bỏ sản phẩm vi phạm bởi Alibaba và các trang web khác có cơ chế tố cáo và gỡ bỏ sản phẩm làm giả, nhưng cũng không khác gì trò chơi cút bắt. Ngay khi một nhà cung cấp bị phát hiện và tố cáo, họ lại dùng kế “ve sầu thoát xác” để hiện hình dưới cái tên mới hoặc bài niêm yết khác. Gỡ bỏ vi phạm là một quá trình rất khó khăn và mệt mỏi.

Tới nay, Emma thuê một đội ngũ 16 chuyên gia luật SHTT, ba người trong đó là chuyên gia chống hàng giả. Cô cũng sử dụng hai luật sư toàn thời gian và ước tính rằng chi phí bảo hộ thương hiệu Final Straw của mình trước các sản phẩm nhái và hành vi gian lận đã vượt quá con số 2 triệu đô la.

Kickstarter hay Shark Tank không phải là vấn đề duy nhất. Các công ty khởi nghiệp thường tạo tài khoản Instagram để đăng những hình ảnh bật mí sản phẩm họ đang sáng chế hay nguyên mẫu đang được phát triển.

Mạng xã hội đã trở nên quá phổ biến và chẳng ai nghĩ ngợi gì nhiều khi chụp ảnh sản phẩm rồi đăng lên Instagram để quảng bá. Nhưng một khi hình ảnh sản phẩm đã được công khai, bạn phải coi nó như vĩnh viễn nằm trong thế giới Internet và không thể bị gỡ bỏ.

Các doanh nghiệp cần lưu tâm rằng hiện nhiều quốc gia trên thế giơiis, bao gồm Mỹ, đã chuyển sang cấp bằng sáng chế theo hướng “ai nhanh hơn người ấy được”, sẽ có người nào đó nhìn thấy những bài đăng này trên mạng xã hội và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho sản phẩm - kể cả khi họ không phải là nhà khởi nghiệp phát triển nguyên mẫu ban đầu.

Bảo hộ để nở rộ

Trước khi nắm lấy những cơ hội như Kickstarter hay Shark Tank hoặc quyết định quảng bá sản phẩm trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào, hãy ưu tiên việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bạn phải tuyệt đối đảm bảo đã áp dụng đầy đủ biện pháp bảo hộ trước khi hé lộ với công chúng về sản phẩm của mình.

Những biện pháp đó bao gồm nộp đơn đăng ký bằng sáng chế tạm thời hoặc đầy đủ, đăng ký bản quyền và nhãn hiệu, và giữ kín bí mật thương mại. Những việc này còn nâng cao khả năng bạn nhận được lời đề nghị đầu tư từ các Shark. Nhiều Shark muốn đầu tư cho nhà khởi nghiệp nào biết suy nghĩ thấu đáo về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Các doanh nhân của chương trình Shark Tank nói riêng và trên thị trường nói chung cần phải thận trọng khi muốn tiết lộ cho công chúng hay quảng bá sản phẩm trí tuệ mới của mình - bất kể là họ có tự hào về nó đến đâu.

Sở hữu trí tuệ giống như một loài hoa đặc biệt vươn ra từ thân cây doanh nghiệp, các doanh nhân hãy luôn nghĩ tới xin ý kiến chuyên gia SHTT để bảo hộ loài hoa này, bởi chỉ có bảo hộ tốt, hoa mới có thể nở rộ!

(*) Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, trụ sở tại Manhattan, New York, Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới