Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

SHB muốn thoái vốn khỏi công ty cho vay tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

SHB muốn thoái vốn khỏi công ty cho vay tiêu dùng

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Công ty tài chính cho vay tiêu dùng SHB Finance muốn thoái vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ là bao nhiêu.

SHB muốn thoái vốn khỏi công ty cho vay tiêu dùng
SHB Finance đang muốn tìm đối tác chiến lược nước ngoài. Nguồn: SHBFC.

Thông tin từ Ngân hàng SHB mới đây cho biết Hội đồng thành viên Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHBFC) đã ra Nghị quyết, trình Hội đồng quản trị SHB đề xuất thông qua Đại hội đồng cổ đông, về việc thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ là bao nhiêu.

Theo đại diện SHB, việc thoái vốn SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường và với hoạt động của công ty hiện nay theo Đề án thành lập Công ty SHBFC đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trước đó, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng.

Có thêm đối tác ngoại không chỉ có thêm dòng vốn ngoại, mà còn là kinh nghiệm phát triển, năng lực và hệ thống quản trị lâu năm và hiệu quả của các định chế tài chính quốc tế, nhằm tăng năng lực kinh doanh trên thị trường cho vay tiêu dùng ngày càng gay gắt.

Trước đó đã có rất nhiều công ty tài chính nội bắt tay với các đối tác ngoại, như HD Saison hay MCredit (tỷ lệ sở hữu 49%). Ngay cả công ty đang dẫn đầu phân khúc cho vay tiền mặt là FE Credit cũng đang lên kế hoạch IPO. Ngược lại, cũng có trường hợp Techcombank chọn cách chuyển nhượng mảng tài chính tiêu dùng TechcomFinance cho Lotte (Hàn Quốc).

SHBFC hiện có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng do Ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn, sau thương vụ sáp nhập với công ty tài chính Vinaconex Vietel.

SHBFC cho biết lượng khách hàng tiếp cận đã đạt trên 460.000 người sau gần 20 tháng triển khai bán hàng toàn diện, với mạng lưới kinh doanh tại 34 tỉnh thành trọng điểm. Theo đó, dư nợ của SHBFC cuối năm 2019 đạt 2.700 tỉ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2018; trong khi lợi nhuận đạt gần 107 tỉ đồng. Còn tỷ lệ nợ xấu ở mức tốt so với mức trung bình trên thị trường.

Về cấu trúc vốn, SHBFC năm ngoái huy động được 1.800 tỉ đồng giấy tờ có giá từ 14 định chế tài chính, bao gồm các công ty quản lý quỹ và các tổ chức tín dụng.

Cũng trong năm 2019, SHBFC cho biết đã đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin bài bản, với tỷ lệ tự động hóa cao trong ngành tài chính tiêu dùng, đạt 65% trong quy trình end-to-end.

Năm 2019, tổng tài sản của SHBFC đạt gần 3.300 tỉ đồng, chỉ chiếm dưới 1% tổng tài sản hợp nhất của SHB. Dù vậy, việc thoái vốn khỏi SHBFC cũng được kỳ vọng sẽ mang lại khoản lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng mẹ. Trong năm ngoái, SHB ghi nhận lợi nhuận đạt 3.077 tỉ đồng.

Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển. Đây cũng là lý do các tập đoàn tài chính nước ngoài thường xuyên để mắt tới và tích cực rót vốn vào các công ty tài chính tiêu dùng Việt trong thời gian qua.

Báo cáo của FiinResearch về thị trường cho vay tiêu dùng cho thấy tính đến giữa năm 2019, dư nợ vay tiêu dùng chiếm đến 20,05% tổng dư nợ, tăng đáng kể so với năm 2018 (18,3%). Trong số này các ngân hàng chiếm đến 92,5% thị phần, còn lại là của các công ty tài chính tiêu dùng với đối tượng là nhóm khách hàng chưa tiếp cận được với các ngân hàng. Riêng thị phần SHBFC tính đến giữa năm 2019 đạt 1,6%, tăng nhanh đáng kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 7-2018.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới