Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Siết hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều ngân hàng tỏ ý kiến lo ngại về thị trường khi nhà điều hành muốn siết hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng hiện là người chơi chủ lực trên thị trường trái phiếu sơ cấp hiện nay. Trong nửa đầu năm 2021, các ngân hàng phát hành 68.200 tỉ đồng, chiếm 32,7% lượng phát hành.

Phía ngược lại, các nhà băng mua vào 44.400 tỉ đồng, chiếm 21,3%. Đó là còn chưa tính đến các công ty chứng khoán (lượng mua vào chiếm tỷ trọng 34,4%) với nhiều khả năng chỉ đứng tên ngắn hạn rồi phân phối lại ngay lập tức, theo Công ty chứng khoán SSI.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại tọa đàm trực tuyến về việc góp ý kiến dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 22/2016 và Thông tư số 15/2018, quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh chụp màn hình.

Lo kéo lùi thị trường

Nhiều ngân hàng bày tỏ sự lo ngại về việc phát triển thị trường trái phiếu, thậm chí bức xúc trong buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, về quan điểm siết chặt hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của nhà quản lý.

Lo ngại chung là cơ quan quản lý đã bổ sung thêm nhiều điều khoản rất chặt chẽ khác so với lần trước đó, ảnh hưởng lớn đến việc tham gia thị trường trái phiếu.

Đại diện ngân hàng Standard Chartered đánh giá phần lớn nội dung cải tiến nhằm xây dựng thị trường trái phiếu an toàn, nhưng có một số điểm tác động không tích cực.

Mối quan ngại lớn nhất của đơn vị hoạt động mạnh trong mảng đại lý phát hành bảo lãnh bằng tiền đồng, là quy định trong vòng 12 tháng không được mua lại trái phiếu mà tổ chức tín dụng đã bán.

Điều này làm hạn chế thanh khoản trái phiếu và cả sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi yếu tố thanh khoản là câu hỏi quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài thường đặt ra. Trong khi đó, các thị trường trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines đều cho phép hoạt động mua đi bán lại trái phiếu.

Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng khác cũng đặt vấn đề bị vướng ở nhiều quy định khác nhau mà có thể hình dung hệ quả chung là siết lại giao dịch trái phiếu của ngân hàng.

Chẳng hạn, đại diện ban pháp chế của Hiệp hội ngân hàng đánh giá quy định không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu là làm khó với ngân hàng, vì hệ thống không thể đo lường dòng vốn theo kiểu “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”.

Giám sát và đảm bảo cam kết sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành cũng là một quy định được phản ánh là làm khó các nhà băng. Theo đó, ngân hàng phải đảm bảo yêu cầu doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian các tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu.

Theo các ngân hàng lý giải, tổ chức tín dụng cũng chỉ là một trong những nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như nhiều nhà đầu tư khác, không có ảnh hưởng trực tiếp và không thể kiểm soát hoàn toàn việc sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành.

Theo đại diện Techcombank, các tổ chức tín dụng sẽ có quy trình cần thiết để giám sát đảm bảo mục đích sử dụng vốn cho hoạt động sơ cấp, nhưng sẽ không phù hợp với các giao dịch thứ cấp, vì chúng diễn ra sau khi doanh nghiệp huy động tiền từ đợt phát hành.

Chẳng hạn, ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn 10 năm sau 8 năm doanh nghiệp huy động vốn. Như vậy rất khó để xác định tổ chức đó sử dụng vốn có đúng mục đích phát hành hay không. Chưa kể đến trường hợp doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh tùy theo điều kiện thị trường.

Ngoài ra, các quy định khác như ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, tăng quy mô vốn,… cũng được phản ánh là bất hợp lý, hoặc mô tả chưa rõ ràng.

Đại diện Techcombank, ngân hàng có doanh số trái phiếu dẫn đầu trên sàn giao dịch HNX, nêu ý kiến trong ba năm gần đây thị trường trái phiếu phát triển mạnh nhưng vẫn chủ yếu là sơ cấp, thiếu vắng thứ cấp, các nhà đầu tư chủ yếu là nắm giữ cho đến khi đáo hạn.

Do đó, chính sách nên hướng đến việc phát triển thị trường thứ cấp, đem đến nhiều lợi ích hơn không chỉ là yếu tố thanh khoản mà còn là kênh đánh giá rủi ro của doanh nghiệp.

Nhìn chung, các ngân hàng đánh giá dự thảo Thông tư thì không phân biệt cụ thể mà quy định chung nên khó thực thi. Đồng thời, các giao dịch liên quan đến trái phiếu lại được xem tương đồng như hoạt động cấp tín dụng cũng có điểm chưa hợp lý, dù đặt mục tiêu an toàn lên trên hết.

Ngân hàng là "người chơi" chủ lực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn: SSI.

Lo thay đổi mục đích sử dụng vốn

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến, đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ khó khăn của ngân hàng nhưng vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với hoạt động mua bán trái phiếu của các ngân hàng.

Lý do mà cơ quan quản lý đưa ra là vì rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng là rất lớn.

Dẫn lại World Bank đánh giá, Việt Nam đang là quốc gia có hệ số đòn bẩy tài chính lớn nhất trong nhóm các nước đang phát triển, với hơn 50% là dư nợ tín dụng trung, dài hạn trong khi nguồn vốn hạn hẹp. Do đó, các chính sách hiện tại của cơ quan quản lý hướng đến luôn là siết lại rủi ro này.

Theo đại diện NHNN, dù luật không nói đầu tư trái phiếu như là hình thức cấp tín dụng, nhưng quan điểm của cơ quan quản lý ban hành quy định đi theo hướng này.

“Các ngân hàng có thể cân nhắc việc cấp tín dụng ít nhất có 2 cửa sổ, một là trái phiếu, hai là tín dụng. Dù là đi theo hướng nào thì điều kiện chuẩn sẽ là như nhau”, đại diện Ngân hàng nhà nước chia sẻ tại hội thảo.

Quan điểm của nhà soạn thảo chính sách là ngân hàng phải đảm bảo về mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành. Theo đó, dự thảo Thông tư đã cho ngân hàng một “không gian” để thỏa thuận lại với doanh nghiệp về các hợp đồng phát hành thì ngân hàng nên thực hiện quyền đàm phán đó. Còn nếu không thực hiện được thì việc không được mua trái phiếu là chuyện có thể hiểu được, đặc biệt là tình huống thay đổi mục đích sử dụng vốn.

“Chúng tôi biết đưa ra quy định khó hơn cho các tổ chức tín dụng. Các quy định cao hơn chuẩn thông thường cũng có thể dẫn đến khó khăn cho thị trường, nhưng mặt khác, chúng tôi phải tăng cường chuẩn, đảm bảo quản lý dòng tiền ra với cả hình thức mua trái phiếu hay tín dụng, đảm bảo tình huống rủi ro phát sinh sau này”, đại diện Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Dựa trên văn bản mà Hiệp hội tổng hợp lại sau buổi thảo luận hôm nay, cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ xem xét từng nội dung cụ thể mà ngân hàng đề xuất, nếu nội dung nào không phù hợp sẽ có giải trình lý do chi tiết.

Ngày 1-9-2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059 gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường trong thời gian, nhưng cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.Bộ cũng yêu cầu tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới