Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Siết sở hữu chéo: vấn đề nằm ở thực thi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Siết sở hữu chéo: vấn đề nằm ở thực thi!

Phan Minh Ngọc

Siết sở hữu chéo: vấn đề nằm ở thực thi!
Thông tư 36/2014/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng. Ảnh: Giao dịch tại Vietcambank (TL SGT)

(TBKTSG) – Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-2-2015 được coi là một bước tiến về mặt pháp lý để siết lại sở hữu chéo và cho vay cổ đông nội bộ, góp phần tiếp tục thúc đẩy việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.

So với quy định hiện hành (Thông tư 13/2010), Thông tư 36 hạn chế thêm việc các tổ chức tín dụng (TCTD) mua cổ phần lẫn nhau, và bởi vậy được kỳ vọng giảm tình trạng sở hữu chéo giữa các TCTD đồng thời giảm tình trạng tăng vốn điều lệ ảo của TCTD nhằm đáp ứng các quy định về vốn và các tỷ lệ an toàn tối thiểu có liên quan do NHNN đặt ra.

Trên thực tế, điều đáng chú ý là hiện tượng vi phạm nặng những quy định hiện hành về sở hữu chéo (trong Thông tư 13) không phải là hiếm. Một ví dụ điển hình là vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị phát hiện đã dễ dàng qua mặt hệ thống kiểm soát giám sát của NHNN với thủ đoạn “mỡ nó rán nó” không quá phức tạp để tạo ra vốn ảo nhằm nắm giữ cổ phần mang tính thâu tóm và chi phối ở một số TCTD.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cho thấy ý chí luật pháp không nhất thiết đi đôi với thực thi và thừa hành luật pháp ở Việt Nam. Tuy là một bước tiến mới đáng hoan nghênh về pháp lý, theo hướng nâng cao an toàn hệ thống theo sát hơn những chuẩn mực quốc tế, mà cụ thể ở đây là Basel II, nhưng khi Thông tư 36 có hiệu lực và thay thế Thông tư 13, không có gì đảm bảo rằng các TCTD và cá nhân cổ đông (lớn) sẽ tự giác, tự nguyện thi hành những điều kiện, điều khoản nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác nay trở nên chặt chẽ hơn. Đồng thời, Thông tư 36 cũng không thể hứa hẹn hay đảm bảo rằng NHNN sẽ thanh tra giám sát sát sao, phát hiện và xử lý kịp thời được những vi phạm liên quan của các TCTD và cá nhân để có thể nói rằng tình trạng sở hữu chéo và tăng vốn ảo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ được loại bỏ về cơ bản trong tương lai gần.

Trở lại ví dụ về ông Nguyễn Đức Kiên, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tuy chỉ là phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng và đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ nhưng ông Kiên lại nắm vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động, quản trị, điều hành Ngân hàng ACB. Thực tế này cho thấy quy định trong Thông tư 36 rằng, ví dụ, việc mua cổ phần phải được hội đồng quản trị và hội đồng thành viên thông qua, trong nhiều trường hợp sẽ chỉ mang tính hình thức mà không góp phần gì trong việc làm chặt chẽ mọi quyết định mua cổ phiếu của TCTD khác.

Tương tự, với quy định phải có quy trình xét duyệt và đánh giá rủi ro đối với việc mua và nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác, tuy có thể là một điều kiện mới theo hướng gây khó khăn hơn cho những khoản đầu tư dễ dãi trước đây, quy trình này không nhất thiết làm cho việc mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD an toàn hơn, “tốt” hơn. Vì ngay đến cả hội đồng quản trị, hội đồng thành viên cũng có thể bị cho qua mặt thì việc làm cho một đề xuất mua cổ phiếu của TCTD khác trở nên “đúng chuẩn”, phù hợp với quy trình xét duyệt chỉ là chuyện nhỏ, thuộc nội bộ.

Về quy định chỉ được nắm giữ cổ phiếu của không quá hai TCTD (và dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết), rõ ràng trên lý thuyết các TCTD sẽ gặp khó khi muốn lách để sở hữu nhiều cổ phần hơn, chi phối nhiều TCTD khác hơn. Nhưng về bản chất sở hữu chéo chính là một cách để lách luật về giới hạn sở hữu. Nên với Thông tư 36, tuy có thể các TCTD sẽ không còn tùy tiện như trước được nữa, nhưng bằng việc cho vay, cấp tín dụng, đầu tư và ủy thác đầu tư… mỗi nơi một ít, trong giới hạn cho phép, với mục đích ngụy tạo hoặc không ngụy tạo… rốt cuộc TCTD cũng có được cơ hội, tạo được sức chi phối đối với một TCTD khác thông qua một mạng lưới sở hữu nhằng nhịt và, quan trọng hơn, lại hợp pháp.

Do đó, để Thông tư 36 có hiệu quả trong thực tế thì điều thiết yếu là phải có một cơ chế khuyến khích và xử phạt nghiêm minh, hữu hiệu để TCTD tự giác xây dựng và vận hành được một hệ thống kiểm soát, giám sát nội bộ hiệu quả giúp họ hạn chế các hành vi lách luật cố ý (cụ thể ở đây là việc chi phối các TCTD khác). Chỉ khi nào làm cho TCTD hiểu rằng việc ngăn ngừa từ trong nội bộ là cần thiết và có lợi cho chính bản thân mình thì mới hy vọng chế ngự được nạn sở hữu chéo. Bản thân NHNN cũng phải chuẩn bị đủ và triển khai được năng lực theo dõi, giám sát và xử lý việc tuân thủ các quy định pháp luật của TCTD, tránh để tình trạng NHNN chỉ biết khi mọi việc đã rồi như thời gian qua.

Đọc thêm:

– Tín hiệu tích cực từ một quy định mới trong hoạt động ngân hàng

– Cuộc chơi mới mang tên Thông tư 36

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới