Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore cải cách để trở thành trung tâm gọi vốn cho startup công nghệ ASEAN

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) đã giảm 50% mức quy định tối thiểu về vốn hóa đối với các công ty vỏ bọc (SPAC) niêm yết trên thị trường này, từ hơn 220 triệu đô la Mỹ  theo quy định trong tháng 3-2021 xuống còn hơn 111 triệu đô la. Quy định mới của SGX nhằm giúp doanh nghiệp công nghệ nhỏ trong khu vực tham gia cuộc đua SPAC.

Trong khi đó, các hãng công nghệ lớn ở Đông Nam Á lại hướng đến chân trời rộng mở hơn ở New York, không chọn các sàn châu Á.

Trong khi Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) và các sàn châu Á khác đang kiện toàn khung quy định cho công ty vỏ bọc SPAC, dòng vốn đầu tư của châu Á đang đổ dồn về New York. Ảnh: Reuters

Sáu tháng “ế ẩm”

SPAC là công ty sáp nhập với mục đích đặc biệt, còn gọi là “công ty vỏ bọc” hay “công ty check khống” giúp các công ty thực hiện niêm yết lần đầu (IPO) nhanh hơn so với cách thức IPO truyền thống. Bởi công ty vỏ bọc có rất ít giao dịch và không mất quá nhiều thời gian kiểm toán. Grab Holdings, chẳng hạn, đã thông báo thực hiện IPO ở Mỹ thông qua hình thức SPAC với công ty Altimeter Growth trong thương vụ trị giá đến gần 40 tỉ đô la.

SGX cũng muốn lướt sóng SPAC và đã hình thành khung thử nghiệm cho SPAC tại thị trường này vào tháng 3-2021. Tuy nhiên, mức trần vốn hóa 220 triệu đô la bị các doanh nghiệp nhỏ than phiền bởi đây là rào cản ngăn họ tham gia cuộc chơi.

SGX nói trên 80 người tham gia khảo sát về mức khung trần SPAC trên và đây là cuộc khảo sát có nhiều người phản hồi nhất của SGX trong thời gian gần đây. Đơn vị tham gia khảo sát  gồm các định chế tài chính, ngân hàng đầu tư, các quỹ mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân, luật sư, kiểm toán viên và các hiệp hội cổ đông.

Bên cạnh quy định trần vốn hóa, SGX nói rằng trong khuôn khổ mới, quá trình “de-SPAC” – tức là công ty vỏ bọc SPAC sáp nhập với công ty bị mua lại hay công ty đích (target firm)  – phải được thực hiện trong vòng 24 tháng của quá trình IPO, và có thể gia hạn thêm 12 tháng nữa với một số điều kiện nhất định.

“Chúng tôi muốn quá trình SPAC tạo ra các công ty đích có triển vọng tốt niêm yết trên SGX, cung cấp cho các nhà đầu tư thêm nhiều lựa chọn và cơ hội. Để đạt được điều này, quý vị có thể đặt niềm tin vào chúng tôi trong việc tập trung vào chất lượng và quá trình theo dõi hồ sơ việc sáp nhập”, CEO Tan Boon Gin của Ủy ban quản lý SGX nói trong thông cáo hôm 2-9.

"Bụt nhà không thiêng"

Có khá nhiều nguyên nhân để khiến SPAC ở Singapore không hấp dẫn. Tương tự như vậy là các thị trường “vỏ bọc” ở Hàn Quốc và Malaysia. Tương tự như Nasdaq của Mỹ, nhưng thị trường Kosdaq của Hàn Quốc chỉ có bốn thương vụ SPAC trong quí 1 năm nay.

“Nhà đầu tư cần mất thời gian để tìm hiểu sản phẩm và ngay cả cơ quan quản lý cũng cần thời gian để cải thiện cơ chế bảo vệ nhà đầu tư vào SPAC”,  Stephanie Tang, người đứng đầu quỹ đầu tư cá nhân thị trường Trung Quốc mở rộng tại hãng luật Hogan Lovells, nói với Nikkei Asia.

Trong khi đó với dòng tiền mặt dồi dào đang tìm kiếm “tiền mẹ đẻ tiền con”, không thể đợi thị trường Singapore, Hồng Kông, Seoul hay Kuala Lumpur chín mùi và thuận lợi, các nhà đầu tư châu Á đã đem tiền khổng lồ đổ vào Nasdaq. Chẳng hạn, đến 50% việc rót vốn vào ba thương vụ SPAC trên Nasdaq cuối quí 1-2021 là từ các định chế đầu tư châu Á.

Với các nhà đầu tư châu Á, nước Mỹ vẫn như miền Viễn Tây đầy hấp lực đầu trong hai thế kỷ 19-20. Các hãng đại công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, ByteDance… đều hướng về Nasdaq cho đến khi gặp lệnh cấm của cựu Tổng thống Donald Trump thì mới quay về với thị trường gọi vốn ở Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến. Không thể đổ hết vốn liếng hay vận may vào Nasdaq, chẳng đặng đừng các công ty Trung Quốc mới chọn niêm yết đôi ở Nasdaq và quê nhà.

Sea - công ty đại chúng lớn nhất Đông Nam Á, hãng chế tác game Razer và các công ty công nghệ khác của Singapore đều chọn các thị trường khác mà niêm yết, thay vì chọn quê nhà của những nhà sáng lập.

Grab chọn Nasdaq bởi giá trị vốn hóa sau IPO sẽ đạt gần 40 tỉ USD, giúp hãng công nghệ non trẻ này sánh vai với các gã khổng lồ toàn cầu như DuPont de Nemours ( trị giá 41 tỉ đô la), Electronic Arts (40,5 tỉ đô la) và Prudential Financial (39 tỉ đô la). Sau khối bạc khổng lồ, danh tiếng là điều các doanh nghiệp châu Á cần nhất. Hãng công nghệ này chưa bao giờ có lợi nhuận và hoạt động vẫn giới hạn trong vùng Đông Nam Á.

Vụ IPO của Grab trên thị trường New York bị ách lại do Mỹ siết chặt quy định, buộc Grab phải dời đến cuối năm nay hay đầu năm 2022. Đến khi có những trục trặc về thời điểm, Grab mới nói có ý định niêm yết thêm ở sàn chứng khoán Singapore.

Không để quê nhà trở thành lựa chọn số hai như Grab hay Sea của Singapore, tập đoàn mới sáp nhập GoTo - giữa hai kỳ lân Gojek và Tokopedia của Indonesia ngay từ đầu đã ngầm thông báo sẽ chọn niêm yết đôi ở New York và Jakarta. Phần lớn là bởi mối liên kết khắng khít của các nhà lãnh đạo GoTo với Tổng thống Joko Widodo.

Tài xế của Grab đang giao nhận hàng trên đường phố Jakarta. Các hãng công nghệ Indonesia và Đông Nam Á đều chọn Nasdaq là nơi niêm yết duy nhất. Trong một số trường hợp hiếm hoi, họ mới niêm yết ở quê nhà. Ảnh: Nikkei Asia

Sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh

Các nhà phân tích và nhà đầu tư cho rằng các công ty công nghệ vẫn sẽ lựa chọn hợp nhất với các SPAC ở Mỹ. Các thị trường tài chính châu Á sẽ sớm ra khuôn khổ mới để cạnh tranh trong cuộc đua gọi vốn thông qua công ty vỏ bọc. Lúc này, Singapore không giấu tham vọng trở thành trung tâm gọi vốn cho các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á.

Thị trường chứng khoán Singapore ghi nhận mức lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm 2021 chỉ đạt hơn 150 triệu đô la, giảm 20,5% so với cùng kỳ sau khi đã giảm vào nửa cuối năm 2020. Việc đưa mô thức SPAC vào thị trường SGX có thể là cánh cửa mở rộng chào đón các vụ niêm yết đầy sinh khí.

Trong khi đó, đối thủ của SGX là thị trường chứng khoán Hồng Kông (HKEX) vẫn bình thản trước làn sóng SPAC và cũng chưa có động tĩnh gì trong việc đưa ra khuôn khổ tương tự để thu hút các hãng công nghệ muốn niêm yết cùng các nhà đầu tư.

“Việc giới thiệu SPAC ở Singapore sẽ cung cấp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ các cơ hội đầu tư mới. SPAC khiến dòng vốn mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân trở nên ‘dân chủ’ hơn bởi vì bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể tiếp cận cổ phiếu của SPAC trên thị trường, kể cả nhà đầu tư cá nhân”, theo lời David Gerald, Chủ tịch của Hiệp hội nhà đầu tư chứng khoán Singapore (SIAS) – một tổ chức vận động hành lang của các nhà đầu tư cá nhân.

“Với bất cứ sản phẩm nào mới trên thị trường, bao giờ cũng có lằn ranh giữa quy định tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và quy định bất lợi. Khuôn khổ mà SGX cung cấp cơ hội cho cả nhà bảo lãnh SPAC và các công ty muốn tiếp cận thị trường tài chính Singapore”, Gerald phát biểu.

Singapore cũng đang muốn chạy đua để giành lấy vị trí trung tâm tài chính châu Á của Hồng Kông sau khi đặc khu này thực hiện luật an ninh nội địa từ giữa năm 2020. Ngoài việc kiện toàn khung SPAC, hôm 19-8 SGX đạt được thỏa thuận hợp tác với hãng cung cấp chỉ số FTSE Russell của Anh trong việc phát triển và kinh doanh một số các sản phẩm chứng khoán phái sinh cho các nền kinh tế mới nổi và châu Á. Thỏa thuận này nhằm bù đắp lại việc chấm dứt hợp đồng với hãng MSCI của Mỹ.

Singapore cũng đang gặp mâu thuẫn trong quản lý khi một mặt phải nới lỏng quy định để thu hút nhà đầu tư, mặt khác phải có các quy định chặt chẽ để bảo vệ danh tiếng của nền tài chính và bảo vệ nhà đầu tư.

Theo một khảo sát năm 2020, các công ty trên sàn SGX có tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp thấp hơn Thái Lan và Malaysia.  Vì vậy, nhà chức trách Singapore bắt đầu siết chặt các quy định niêm yết.

Đầu năm 2021, SGX đặt ra quy định mới là kể từ tháng 1-2022, các hãng niêm yết chính tại Singapore phải sử dụng công ty kiểm toán được Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kiểm toán (ACRA) của Singapore công nhận. SGX giải thích là nhằm ngăn chặn tình trạng quản trị lỏng lẻo của các doanh nghiệp niêm yết. Các công ty từ các thị trường phát triển như Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ và Anh đang niêm yết thứ cấp ở Singapore có thể tiếp tục chọn hãng kiểm toán từ thị trường chính, không cần đăng ký với ACRA.

Mới nhất là hôm 26-8, SGX thông báo có ý định siết chặt các công ty niêm yết bằng các quy định bắt buộc về phát triển bền vững trong vòng ba năm tới. Tuy vậy, SGX nói sẽ tham khảo công luận trước khi ban hành các tiêu chuẩn hay quy định mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới