Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ thực phẩm của châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ thực phẩm của châu Á

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Hiện chỉ có thể tự cung ứng 10% lượng thực phẩm, Singapore có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030. Các trang trại đô thị và thịt nhân tạo được xem là công cụ hiệu quả để đạt mục tiêu đầy tham vọng đó.

Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ thực phẩm của châu Á
Phương pháp thủy canh được áp dụng trong các trang trại cao tầng của Unfold với 50% vốn góp từ quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings. Ảnh: Unfold

Các công ty khởi nghiệp khắp thế giới đang kéo về Singapore nhằm tận dụng các tận dụng các ưu đãi của hòn đảo dành cho ngành công nghệ thực phẩm (foodtech), từ những ý tưởng đầu tiên cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm cuối.
Bằng các chiến lược đầu tư tài chính và nhân lực bài bản, đảo quốc này đang có tham vọng trở thành đại bản doanh của ngành foodtech châu Á và thế giới.

Lượng thực phẩm thế giới tiêu thụ vào năm 2050 sẽ tăng hơn 40% so với mức hiện nay – theo nghiên cứu của quỹ đầu tư Temasek Holdings. Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới chuẩn thuận thương mại hóa thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, kế tiếp có thể là thịt tôm hùm và thịt tôm nhân tạo.

Mảnh đất mới đầy hứa hẹn

&ever, một startup của Đức chuyên canh tác nông trại theo chiều thẳng đứng, đang tìm kiếm chân trời phát triển mới ở Singapore. “Singapore là một thị trường hấp dẫn khi nhắc đến mật độ dân số cao và các ưu tiên với an ninh lương thực của hòn đảo. Ngày nay, Singapore được xem là nơi có hệ sinh thái canh tác nông trại theo chiều thẳng đứng tiến bộ nhất thế giới”, CEO Henner Schwars nói với Nikkei Asia.

Tháng 12 vừa rồi, lần đầu tiên trên thế giới, thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của Eat Just được chính phủ Singapore chuẩn thuận sử dụng làm thức ăn cho con người. Hiện Eat Just đang cung cấp loại thịt nhân tạo mới cho một nhà hàng ở Singapore.

Các trang trại của &ever được xây dựng ở Đức và Trung Đông với các luống rau quả và hoa màu theo nhiều tầng dính vào các bức tường của trang trại hay các tòa nhà. Rau quả trồng trong các trang trại này tắm mình trong nguồn ánh sáng nhân tạo, không phải nắng tự nhiên.

&ever sẽ mở trung tâm nghiên cứu và sản xuất (R&D) và trang trại tại Singapore trong năm nay với mục tiêu sản xuất 500 tấn rau quả và gia vị mỗi năm.

Ủy ban phát triển kinh tế Singapore (EDB) đã hỗ trợ hãng công nghệ Đức bằng nhiều cách thức khác nhau, như tìm địa điểm cho nhà xưởng. Còn Cơ quan thực phẩm Singapore lại giúp &ever tìm kiếm các trợ cấp tài chính thích hợp.

Hồi tháng 10 năm ngoái, startup Eat Just của Mỹ công bố rằng họ sẽ kết hợp cùng với một tổ hợp các công ty cùng đầu tư 120 triệu đô la để xây dựng và điều hành một nhà máy chế biến đạm từ đậu xanh thành các chế phẩm thay thế cho trứng gia cầm. Sản phẩm sẽ được phân phối cho các thị trường châu Á như Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc.

CEO kiêm nhà đồng sáng lập Josh Tetrick đánh giá cao các nỗ lực của chính phủ trong hình thành môi trường kinh doanh thân thiện. “Singapore có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt và nguồn tài năng có tay nghề cùng kỷ luật cao. Châu Á vốn là thị trường tiêu thụ lượng đạm động vật nhiều hơn bất cứ nơi nào trên toàn thế giới. Và đảo quốc này tự định vị mình là một giao điểm quan trọng trong mạng lưới giao thương rộng lớn kết nối châu Á và thế giới”, ông nói.

Startup Eat Just bắt đầu cung cấp thịt gà nhân tạo cho các nhà hàng ở Singapore từ tháng 12 vừa rồi. Ảnh: Nikkei Asia

Hỗ trợ từ khâu R&D cho đến tiêu thụ

Chính sách hỗ trợ của chính phủ không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất và bán hàng. Đã có nhiều kế hoạch để trung tâm R&D của &ever kết hợp nghiên cứu với lĩnh vực công và đối tác tư ở Singapore nhằm tối đa hóa sản lượng mùa màng bằng ánh sáng nhân tạo.

Cơ quan khoa học, công nghệ và nghiên cứu Singapore đã thành lập Trung tâm sáng tạo công nghệ thực phẩm với nguồn vốn từ quỹ đầu tư Temasek Holdings của chính phủ Singapore. Trung tâm này được trang bị các phòng thí nghiệm và các nhà bếp thử nghiệm dành cho các startup chưa đủ tài lực xây dựng các cơ sở này. Họ đặt ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ thương mại hóa ngành foodtech đầy hứa hẹn ở Singapore.

Chính sách hỗ trợ ngành foodtech của Singapore đã bắt đầu tượng hình ngành công nghiệp mới ở Singapore. Shiok Meats, startup của hai nhà khoa học nữ, đã tổ chức sự kiện nếm thử loại thịt tôm hùm và thịt tôm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trong tháng 11-2020. Đây cũng là những loại thịt đầu tiên được phát triển từ tế bào trên thế giới.

Mảng công nghệ thực phẩm đã hình thành khá sớm ở châu Âu và Mỹ có điều kiện thuận lợi với đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu từ các trường đại học và nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Để đuổi kịp các đồng nghiệp Âu - Mỹ, Singapore đã xác định foodtech là ngành công nghiệp trọng yếu cần được hỗ trợ của các cơ quan chính phủ, từ khâu R&D cho đến khi đưa sản phẩm ra thị trường và buôn bán.

Chương trình đánh giá an toàn thực phẩm quốc gia Singapore có một chương riêng dành cho các loại thực phẩm mới tập trung vào các loại thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Thịt gà nhân tạo của Eat Just là sản phẩm đầu tiên được áp dụng các tiêu chí nghiêm ngặt trong sản xuất và kiểm tra các nguy cơ. Đối với Singapore, đây là đột phá bước ngoặc khi định ra một khuôn khổ và hội đồng chuyên gia xem xét quá trình chuẩn thuận đối với thịt nhân tạo.

Nhưng trồng trọt và chăn nuôi tiêu tốn lượng tài nguyên nước khổng lồ và cũng là thủ phạm chính của hiệu ứng khí thải nhà kính. Công nghệ thực phẩm có tiềm năng giảm bớt các tổn hại môi trường và đón bắt nhu cầu phát triển trong tương lai.

Nhưng hiện thách thức chính của công nghệ thực phẩm là hạ giá thành tối đa. Một ký thịt tôm nuôi cấy từ phòng thí nghiệm tốn đến 5.000 đô la - theo Shiok Meats. Startup này đang tìm cách giảm giá thành xuống chỉ còn 1%, tức là 50 đô la mỗi ký thịt tôm, trong năm tới. “Vì thế, chúng tôi có thể tung sản phẩm ra thị trường”, Shiok Meats cho biết.

Singapore đang tìm cách vượt qua tình trạng thiếu đất canh tác trầm trọng khi chỉ có 0,8% diện tích của hòn đảo có thể trồng trọt được. Quỹ Temasek Holdings đã đầu tư vào các startup phát triển các sản phẩm thay thế thịt và cá, cũng như sữa thực vật… ở Singapore và nước ngoài.

Hợp tác với hãng dược Bayer của Đức, quỹ này đã thành lập liên doanh có tên Unfold, với tỉ lệ 50-50 nhằm phát triển và kinh doanh các loại hạt giống cho các trang trại nhiều tầng ở Singapore và đại bản doanh của Unfold ở California, Mỹ.

Theo trang tin DealStreetAsia, hãng hải sản đóng hộp Thai Union của Thái Lan cũng lập quỹ đầu tư mạo hiểm ngành công nghệ thực phẩm VisVires New Protein có vốn hơn 30 triệu đô la, với trọng tâm là ba startup foodtech đặt ở Singapore.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới