(KTSG Online) – Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỉ đô la Mỹ, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 22,4 triệu đô la Mỹ/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 12,1 triệu đô la/dự án.
- Khuyến khích dòng vốn đầu tư Singapore vào các dự án phát triển xanh và bền vững
- Việt Nam-Singapore ký 12 biên bản ghi nhớ về thương mại, giáo dục, tài chính
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 29-8-2023. Theo Baochinhphu.vn, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, nhất là về kinh tế số-kinh tế xanh.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỉ đô la Mỹ năm 2021 và 9,15 tỉ đô la năm 2022 (tăng 11,6% so với năm 2021), trong đó, Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỉ đô la và nhập khẩu 4,8 tỉ đô la.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,5 tỉ đô la, giảm gần 6% so với năm 2022 (trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2 tỉ đô la, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu 2,5 tỉ đô la, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỉ đô la Mỹ, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 22,4 triệu đô la/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 12,1 triệu đô la/dự án.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với 163 dự án cấp mới, 72 lượt điều chỉnh và 164 lượt góp vốn mua cổ phẩn với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỉ đô la.
Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành). Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với 775 dự án và 28,6 tỉ đô la (khoảng gần 39% tổng vốn đầu tư đăng ký), thứ 2 là kinh doanh bất động sản với 214 dự án, vốn đăng ký hơn 19,1 tỉ đô la (26%), thứ 3 là sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa với 47 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11,8 tỉ đô la.
Singapore đã đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dẫn đầu là TPHCM (19,3%), Hà Nội đứng thứ 2 (10,8%), thứ 3 là Bắc Ninh (7,6%), tiếp đó là Bình Dương (thủ phủ của VSIP), Long An, Quảng Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 690 triệu đô la (đứng thứ 10/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam), tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ; thông tin truyền thông; bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…