Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore và các nước châu Á siết chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm lạm phát

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS ) hôm 14-4 đã siết chặt chính sách tiền tệ trước các áp lực lạm phát gia tăng đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine. Thay vì lãi suất, chính sách tiền tệ của Singapore đã dựa trên tỷ giá hối đoái, cho phép đồng đô la địa phương tăng hoặc giảm so với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn.

Trong tuyên bố chính sách nửa năm mới nhất, ngân hàng trung ương cho biết sẽ tập trung vào điểm giữa của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái và tăng nhẹ tỷ lệ tăng giá của biên độ để "gây hiệu ứng giảm liên tục đối với lạm phát”. MAS nói chiều rộng của biên độ được giữ nguyên.

Tăng trưởng giảm, lạm phát tăng

Nền kinh tế Singapore hồi phục và tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Nhưng lạm phát đã là cái phanh hãm đà tăng trưởng trong quí 1 và vẫn sẽ là bài toán đau đầu cho các quí còn lại trong năm. Ảnh: Reuters

Chính quyền thành phố cũng công bố rằng GDP của quí 1-2022 tăng 3,4%, giảm mạnh so với tốc độ 6,1% được ghi nhận trong quí trước. Tính theo khu vực, ngành sản xuất chế tạo tăng 6%, nhưng tốc tăng trưởng của ngành xây dựng và một số ngành dịch vụ vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch.

Những hạn chế về nguồn cung toàn cầu đang ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong khi thị trường lao động được kiểm soát chặt (khống chế người nước ngoài làm việc ở Singapore) dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tiền lương và giá dịch vụ tăng. MAS đã nâng dự báo lạm phát cơ bản lên 2,5-3,5% trong năm nay, tăng so với dự báo 2-3% vào tháng 1. Lạm phát chung được dự báo ở mức 4,5-5,5%, tăng so với mức 2,5-3,5% trước đó.

MAS cảnh báo: “Giá hàng hóa toàn cầu cao hơn đáng kể kể từ cuối tháng 2 vừa rồi và sự gián đoạn chuỗi cung ứng mới do chiến tranh Ukraine và dịch bệnh gây ra sẽ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát đã có từ trước”.

Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng của Singapore đã tăng 4,3%, tốc độ nhanh nhất trong 9 năm do chi phí vận tải cao hơn.

Hồi tháng 1, MAS đã thắt chặt chính sách tiền tệ và đây là bước đi ngoài chu kỳ lần đầu tiên trong 7 năm qua sau một đợt siết chặt trước đó vào tháng 10-2021.

Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của hòn đảo này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế đi lại toàn cầu. Vào tháng 3-2020, MAS đã nới lỏng chính sách bằng cách giảm tỷ lệ tăng giá mục tiêu xuống 0% trong khi hướng đến mục tiêu giảm tỷ giá hối đoái. Nhưng ngân hàng trung ương rõ ràng đã chuyển sang kiểm soát lạm phát.

Song Seng Wun, nhà kinh tế tại chi nhánh ngân hàng tư nhân CIMB của Malaysia, nói với Nikkei Asia rằng với lạm phát dẫn đến chi phí sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn trước nhiều lần, không chỉ ở Singapore mà khắp nơi trên thế giới.  "Vì vậy, Singapore cũng sẽ gặp những vấn đề tương tự như những gì chúng ta đã chứng kiến ở những nơi khác, trong việc thực hiện các bước kế tiếp để kềm giữ lạm phát và duy trì lạm phát ở mức dễ chịu”, thông cáo của MAS viết.

Theo Bloomberg và Reuters, các ngân hàng trung ương ở châu Á – Thái Bình Dương cũng hành động tương tự như MAS. Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) thông báo sẽ tăng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản lên 1,5%. Các nhà phân tích nói rằng đây chưa phải là lần cuối của chu kỳ siết chặt tiền tệ ở Hàn Quốc nhằm đương đầu với lạm phát.  Trước đó, hôm 13-4 Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ – ngân hàng trung ương) đã quyết định nâng tỷ lệ lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản, lên 1,5%. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất trong vòng 22 năm qua của "xứ kiwi". Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) nhận định vế cơ bản xung đột Nga – Ukraine, đã làm đảo lộn triển vọng lạm phát, sẽ dịu lại trong năm nay và RBI sẽ đặt ưu tiên kiềm chế lạm phát, thay vì mục tiêu tăng trưởng. Các ngân hàng thương mại Standard Chartered, HSBC và ANZ cũng đánh giá là lạm phát sẽ khó “kềm cương” và là vấn đề đau đầu của nhiều nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong năm nay.

Mở cửa nền kinh tế cũng khiến lạm phát tăng

Tỷ lệ tăng trưởng của Singapore trong các quí gần nhất. Nguồn: Bộ Công thương Singapore

Đối với toàn bộ năm 2022, chính phủ Singapore cũng đã tái khẳng định dự báo tăng trưởng GDP trong khoảng 3-5%, không thay đổi so với ước tính hồi tháng 2. Năm ngoái, nền kinh tế Singapore đã tăng trưởng 7,6% - tốc độ tăng nhanh nhất trong một thập niên. Đây là con số ấn tượng so với mức tăng trưởng âm -4,1% trong năm 2020.

Từ ngày 1-4, Singapore bắt đầu cho phép những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ từ tất cả các quốc gia được nhập cảnh miễn kiểm dịch. Các quy định trong nước cũng được nới lỏng, quy mô tối đa của các cuộc tụ họp xã hội tăng gấp đôi lên 10 người từ 5 người. Các biện pháp nới lỏng này dự kiến sẽ thúc đẩy dịch vụ tăng trưởng mạnh trong quí 2 này.

Nhưng các yếu tố đó cũng có thể sẽ là nguyên nhân gây lạm phát.

Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á thuộc hãng tư vấn và nghiên cứu Capital Economics, đã lưu ý trong một báo cáo ngày 14-4 về nguy cơ lạm phát của việc mở cửa trở lại bởi giá cả của hàng hóa và dịch vụ như thực phẩm, chi phí ăn ở và đi lại bằng hàng không sẽ gia tăng.

Ông viết: “Với mức dự báo tăng trưởng mạnh, lạm phát cơ bản có khả năng tiếp tục tăng cao. Chúng tôi kỳ vọng MAS sẽ duy trì lập trường chính sách chặt chẽ của mình trong ít nhất vài năm tới. Do đó, đồng đô la Singapore được lập trình sẽ tăng giá trong một thời gian dài, kể cả so với đồng đô xanh đang mạnh”.

Nhưng cuộc chiến Ukraine có thể phủ bóng mờ lên hy vọng hồi phục của nền kinh tế Singapore cũng như châu Á.

MAS đã nhấn mạnh rằng chiến tranh đã làm mờ triển vọng. "Nền kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ tiếp tục đà hồi phục trong năm nay, nhưng sẽ giảm tốc so với dự kiến trước đó”, MAS dự báo.

Trước áp lực của lạm phát, Priyanka Kishore – người phụ trách thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á của Oxford Economics – tin rằng MAS sẽ thắt chặt hơn nữa trong năm nay. "Chúng tôi không loại trừ khả năng điều này xảy ra sớm hơn tháng 10 nếu áp lực giá tiếp tục mạnh về cơ bản trong thời gian tới", bà Kishore viết trong báo cáo ngày 14-4.

Nhà kinh tế cấp cao Irvin Seah thuộc DBS Group Holdings - ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á của Singapore, dự báo rằng tỷ lệ tăng trưởng của Singapore trong năm nay sẽ vào khoảng 3,5%.

“Tác động trực tiếp của chiến tranh đối với tăng trưởng của Singapore vẫn còn hạn chế, nhưng chắc chắn rằng lạm phát là sức nặng trì kéo hiển nhiên. Về cơ bản, chúng ta phải neo giữ nó lại, nếu không lạm phát sẽ cướp đi không gian tăng trưởng của nền kinh tế”, nhà kinh tế này nói với Nikkei Asia.

 

 

SingaporeQuaterly: Tỷ lệ tăng trưởng của Singapore trong các quí gần nhất. Nguồn: Bộ Công thương Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới