Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore và chiến lược ‘không để ai lại phía sau’ trong chuyển đổi số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Singapore và chiến lược 'không để ai lại phía sau' trong chuyển đổi số

Minh Việt

(KTSG Online) - Trong các mô hình đào tạo của các quốc gia hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong quá trình chuyển đổi số, Singapore - với quy mô dân số nhỏ, nguồn lực dồi dào và một môi trường hạ tầng công nghệ đã được triển khai đồng bộ ở mức cao - nổi lên như một mô hình bài bản và mang tính thực tế cao.

Ngoài việc xây dựng và thiết kế các khóa học đa dạng bổ sung kỹ năng mới, chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0, chính phủ Singapore cũng thiết kế các hướng dẫn chi tiết về chuyển đổi số cho từng nhóm ngành nghề khác nhau.

Đây cũng là yếu tố không thể thiếu để các doanh nghiệp, tổ chức có được cái nhìn đúng về bức tranh của nền kinh tế số, cũng như vai trò của từng ngành trong đó. Các khung logic chi tiết được thiết kế sẵn để doanh nghiệp biết tham khảo và xem cần chuẩn bị những mảnh ghép nào cho hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình.

Để chuyển đổi số thành công ở tầm quốc gia, đầu tiên phải xây dựng được một Hệ sinh thái bao gồm chính phủ, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức giáo dục, tổ chức nghiên cứu, các Hiệp hội, trong đó chính phủ đóng vai trò là kiến trúc sư trưởng của toàn bộ hệ thống để đưa ra bức tranh tổng quát, sau đó là các bước thực thi chi tiết kết hợp với các thành phần khác trong Hệ sinh thái, và toàn bộ chương trình phải đủ sức tác động đến từng con người trong Hệ sinh thái đó một cách lâu dài và liên tục. 

Singapore và chiến lược 'không để ai lại phía sau' trong chuyển đổi số
Người dân Singapore đến tìm hiểu thông tin khi Chính phủ Singapore công bố chương trình SkillsFuture đầu năm 2016. Ảnh: Straitstimes

SkillsFuture giúp người dân thích ứng với công nghệ mới

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là khẩu hiệu để tiến đến một quốc gia thông minh (Smart nation) trong cuộc cách mạng 4.0 của Singapore thông qua việc mỗi công dân Singapore sẽ được trang bị những kỹ năng mới, thích ứng với sự biến đổi của công nghệ mới.

Đi cùng với khẩu hiệu là sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của nhà nước với vai trò là người dẫn dắt, tạo cảm hứng và gắn kết thông qua các công cụ về chính sách, tài chính linh hoạt nhằm tạo nên một hệ sinh thái toàn diện, thúc đẩy thực hiện mục tiêu. Ở Singapore, điều đó được thể hiện qua chương trình đào tạo nghề nghiệp, kỹ năng với tên gọi SkillsFuture được triển khai từ 5 năm trước.

Dân số Singapore theo số liệu vào cuối tháng 6-2020 là 5,69 triệu người, giảm 0,3% so với năm trước đó, trong đó 4,04 triệu người có quốc tịch Singapore. Tỷ lệ của nhóm tuổi từ 20-64 tuổi so với nhóm tuổi trên 65 tuổi là 4,3; tức là cứ 4,3 người đang đi làm thì phải nuôi thêm 1 người già. Tỷ lệ sở hữu điện thoại di động rất cao, ở mức 148,2% giúp cho Singapore triển khai các ứng dụng trên điện thoại di động rất nhanh và hiệu quả. Cụ thể là các ứng dụng theo  dõi và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Với cơ cấu dân số phân chia theo ngành nghề theo Bảng dưới đây, những ngành nghề trong tương lai máy móc tự động dần thay thế con người thì khi đó việc cập nhật, bổ sung những kỹ năng mới là cực kỳ cần thiết.

Chương trình mang tính thực tế cao

SkillsFuture xây dựng các khung kỹ năng (Skill Framework) là một thành phần tích hợp không thể thiếu nằm trong Bản đồ chuyển đổi của các ngành công nghiệp, được tạo ra dựa trên sự hợp tác của Người sử dụng lao động - doanh nghiệp, Hiệp hội các ngành nghề, các tổ chức giáo dục, các Hiệp hội và Chính phủ cho lực lượng lao động tại Singapore.

Khung kỹ năng cung cấp thông tin chính theo từng lĩnh vực, lộ trình nghề nghiệp, vai trò của từng nghề nghiệp / công việc, cũng như các kỹ năng hiện có và kỹ năng mới cần thiết cho từng loại nghề nghiệp / công việc. Nó cũng cung cấp một danh sách các chương trình đào tạo để nâng cấp và thành thạo các kỹ năng dành cho người lao động.

Khung kỹ năng nhằm mục đích tạo ra một ngôn ngữ nhận thức chung về kỹ năng cho từng cá nhân, nhà tuyển dụng và các công ty đào tạo. Điều này giúp tạo điều kiện chứng nhận các kỹ năng và hỗ trợ thiết kế các chương trình đào tạo kỹ năng và phát triển nghề nghiệp. Khung này cũng được phát triển với mục tiêu xây dựng các kỹ năng chuyên sâu cho lực lượng lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm và khả năng được tuyển dụng cho người lao động.

Nhà tuyển dụng có thể sử dụng khung kỹ năng để thiết kế kế hoạch quản lý nguồn nhân lực và phát triển năng lực dựa trên thông tin kỹ năng chi tiết trong khung. Các nhà cung cấp chương trình đào tạo có thể sử dụng khung kỹ năng để hiểu rõ hơn về các xu hướng của ngành và nhu cầu về kỹ năng, cho phép họ đổi mới và bối cảnh hóa thiết kế chương trình giảng dạy và chương trình đào tạo của họ cho phù hợp với nhu cầu của ngành.

Với những định hướng từ phía chính phủ ở tầm vĩ mô và những hướng dẫn thực hiện chi tiết ở mức độ vi mô, mỗi người dân và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan trong nền kinh tế đều nhìn thấy được mình nên làm gì, chuẩn bị gì để thay đổi, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hỗ trợ tích cực từ nhà nước và các doanh nghiệp đầu ngành

Vấn đề tiếp theo mà chắc chắn mỗi cá nhân hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những chủ thể có nguồn lực tài chính hạn chế trong việc tiếp cận các chương trình đào tạo này quan tâm chính là những hỗ trợ cụ thể về tài chính từ phía chính phủ.

Trên thực tế, việc đào tạo cho các cá nhân hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang đến lợi ích cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành vì họ là những người đứng đầu các chuỗi cung ứng, sử dụng nguồn cung từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, khi xây dựng chương trình đào tạo, chính các doanh nghiệp lớn cũng đóng vai trò hỗ trợ xây dựng, triển khai thông qua các gói hỗ trợ về tài chính, cung cấp chuyên gia, chương trình đào tạo, thực tập.

Ngoài ra chính phủ Singapore cũng cung cấp các voucher học tập khác nhau cho mọi người dân Singapore như voucher dành cho người trên 25 tuổi trị giá 500 đô la Singapore có thời hạn trong vòng 5 năm, đến 31-12-2025. Và tiếp theo đó là một voucher khác dành riêng cho người từ 40 - 60 tuổi, cũng có giá trị và thời hạn như trên.

Với việc xây dựng chương trình đào tạo hướng thẳng đến từng cá nhân, Singapore đang nỗ lực hiện thực hóa khẩu hiệu “Không để lại ai phía sau”. Nhờ các chính sách hỗ trợ này mà nhân viên và ngay cả lãnh đạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội chọn lựa học các khóa học phù hợp để nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp. Một chủ doanh nghiệp cho biết đã tiết kiệm được gần 90% chi phí đào tạo so với việc phải tự thiết kế các khóa học riêng cho doanh nghiệp của mình.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore được xem là trái tim của nền kinh tế, nơi đang sử dụng 2/3 lực lượng lao động và đóng góp gần một nửa GDP. Chính vì vậy việc hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này chuyển đổi số thành công được xem là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình SMEs Go Digital được chính phủ xây dựng nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng công nghệ kỹ thuật số và xây dựng năng lực kỹ thuật số mạnh mẽ hơn để nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong nền kinh tế kỹ thuật số.

 

 

--------------------------------------------------------------

Nguồn:

https://www.skillsfuture.gov.sg/
https://www.imda.gov.sg/SMEsGoDigital
https://www.singstat.gov.sg/publications/reference/singapore-in-figures/economy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới