Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Singapore xây dựng nhà máy điện hydro đầu tiên

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Singapore dự kiến đưa nhà máy điện hydro đầu tiên vào hoạt động đầu năm 2026 trong bối cảnh nước này đang dịch chuyển mạnh ngành điện sang sử dụng nhiên liệu ít phát thải khí carbon.

Nhà máy điện hydro Keppel Sakra Cogen ước tính trị giá khoảng 750 triệu đô la Singapore được xây dựng trên đảo Jurong, dự kiến công suất lên đến 600 MW do liên danh các công ty Keppel Infrastructure, Mitsubishi Power Asia Pacific và Jurong Engineering hợp tác phát triển.

Đầu tư công nghệ sạch đang được chính phủ Singapore khuyến khích phát triển - Ảnh: TTXVN

Cụ thể, nhà máy điện hydro có thể chạy hoàn toàn bằng hydro đốt sạch từ khí tự nhiên. Tuy nhiên, nó cũng được thiết kế để hoạt động bằng nhiên liệu có hàm lượng hydro 30%, tạo ra ít khí carbon hơn nhiên liệu hóa thạch. Hydro có thể được lấy theo một số cách, và khi được sử dụng làm nhiên liệu sẽ tạo ra nước dưới dạng sản phẩm phụ.

So với các nhà máy điện khác của Keppel, công nghệ mới này tiết kiệm năng lượng hơn. Việc sử dụng hydro tại nhà máy điện Keppel Sakra Cogen sẽ giúp giảm 220.000 tấn khí thải carbon hàng năm, tương đương với việc loại khỏi đường phố khoảng 47.000 ô tô mỗi năm; đáp ứng khoảng 9% nhu cầu điện thời kỳ cao điểm của Singapore cung cấp năng lượng cho khoảng 864.000 căn hộ 4 phòng ngủ trong một năm.

Ngoài ra, nhà máy điện này sẽ sản xuất ra hơi nước có thể được các công ty về năng lượng và hóa chất khác trên đảo Jurong sử dụng cho các quy trình công nghiệp của họ.

Hiện nay, khoảng 95% năng lượng của Singapore được tạo ra từ khí tự nhiên, dạng nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm nhất. Động thái mới nhất xây dựng nhà máy điện hydro để phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với mục tiêu, đưa lượng khí thải carbon của ngành điện, hiện chiếm 40% lượng khí thải của Singapore về 0% vào năm 2050, cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chính phủ Singapore trong cắt giảm khí thải và hạn chế phụ thuộc các nhiên liệu hóa thạch, góp phần xây dựng một ngành năng lượng bền vững hơn, đáng để các quốc gia Đông Nam Á học tập, tham khảo.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới