Thứ Năm, 8/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sinh con ít không chỉ đơn giản là chuyện kinh tế

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc khuyến khích sinh con không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo điều kiện kinh tế, mà cần đi chung với các dịch vụ xã hội, chế độ hỗ trợ nuôi con và chăm sóc con cái lâu dài.

Dù con trai đã 6 tuổi và hai bên gia đình nội ngoại nhiều lần thúc giục nhưng chị Nguyễn Thanh Hoa (32 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, TPHCM) vẫn lựa chọn chỉ sinh một con. Nguyên nhân không sinh thêm con thứ hai là do vợ chồng chị Hoa đều làm cho công ty tư nhân, công việc bận rộn, đi công tác thường xuyên, thậm chí việc chăm sóc con cái, nhà cửa hầu như đều giao phó cho bà ngoại và người giúp việc.

“Tôi lựa chọn sinh một con bởi không có nhiều thời gian dành cho con. Một hay hai con không quan trọng, mà điều tôi muốn hướng đến là phải chăm lo, nuôi dạy con thật tốt”, chị Hoa bày tỏ.

Không chỉ chị Hoa mà không ít phụ nữ tại TPHCM cũng ngại sinh con thứ 2, thậm chí là không muốn sinh con bởi lý do áp lực kinh tế, công việc bận rộn…

Theo số liệu mới nhất của Chi cục dân số – kế hoạch hoá gia đình TPHCM, số con trung bình của một phụ nữ trên địa bàn thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42. Gần 20 năm qua, mức sinh ở TPHCM dao động ở mức 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ). Với mức sinh này, TPHCM tiếp tục được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước.

Theo Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, xu hướng sinh một con của các cặp vợ chồng hiện nay trở nên phổ biến tại TPHCM. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ ngại sinh con, nhất là sinh con thứ hai. Bên cạnh đó nhiều cặp vợ chồng có quan điểm là kết hôn muộn hơn; chỉ có một con để đủ nguồn lực tài chính, thời gian, sức khỏe để chăm sóc và đầu tư tốt nhất cho con cái. Theo xu hướng này, các cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ, muốn có thêm thời gian để nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn và nắm bắt các cơ hội để phát triển bản thân.

Nói về những hệ luỵ khi mức sinh ở TPHCM thấp, ông Trung cho biết bất lợi đầu tiên là mức sinh thấp dẫn đến sự thay đổi nhanh về cơ cấu dân số, kéo theo tốc độ già hóa dân số cũng sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…

Tiếp đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM. “Đối với những quốc gia chưa hoàn thiện hạ tầng an sinh xã hội ở người cao tuổi, mức sinh thấp sẽ dẫn đến thách thức song song là vừa phải giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, vừa phải tìm giải pháp thích ứng với cơ cấu dân số già”, ông Trung nói với KTSG Online.

Mức sinh thấp dẫn đến sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Ảnh minh hoạ: Minh Thảo

Dù Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một số chuyên gia cho rằng điều này vẫn chưa đủ để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ. Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), dự thảo Luật dân số có đưa ra một một số giải pháp như là thưởng một tháng lương cho người sinh con thứ nhất và thưởng hai tháng lương cho người sinh con thứ hai ở 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

“Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, mức khuyến khích này vẫn còn quá nhỏ so với những gánh nặng chi phí mà một cặp vợ chồng sẽ phải đối mặt khi sinh ra một đứa con ở các thành phố lớn”, bà Hồng nói. Về góc độ tâm lý, tình cảm và giáo dục thì việc đảm bảo cho một đứa trẻ phát triển toàn diện là điều không hề dễ dàng. Việc khuyến khích sinh không chỉ thông qua hình thức đảm bảo nguồn kinh tế, mà cần đi chung với các chế độ hỗ trợ nuôi con và chăm sóc con cái lâu dài nên cải thiện dịch vụ xã hội tốt hơn.

Với thực trạng hiện nay và liên quan đến quan điểm kết hôn và sinh con của giới trẻ, để đạt và duy trì mức sinh thay thế, đại diện Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, nên thay đổi khẩu hiệu từ “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” thành “mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình”. Cụ thể, từ chỗ cấm sinh 3 con sang khuyến khích sinh con thứ 3 trở lên nếu đủ điều kiện nuôi dưỡng. Cùng với đó là hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng yên tâm nuôi dạy và chăm sóc con cái.

Trước thực trạng này, hiện nay, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM đã có những đề xuất tham mưu đối với Sở Y tế trong Dự thảo về chính sách dân số tại TPHCM đến năm 2030 để trình Hội đồng nhân thành phố trong kỳ họp gần nhất trong năm 2024.

Cụ thể, “các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai trước 35 tuổi, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn… Tuy nhiên, các giải pháp này cần đến sự phối hợp với đơn vị liên quan để có thể hoàn thiện chính sách, hỗ trợ đúng và hiệu quả”, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM cho biết thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới