Sinh viên đừng ngại đi xin việc khi chưa ra trường
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Theo đại diện các doanh nghiệp, sinh viên cần có ý thức cũng như chuyên môn, kinh nghiệm làm việc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường thì mới dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhân sự thích hợp.
Các doanh nghiệp giao lưu với sinh viên Đại học Duy Tân. Ảnh: Nhân Tâm |
Khi một sinh viên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin để dễ dàng liên hệ, nộp đơn xin việc làm bán thời gian thì nhận ngay cái lắc đầu của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Tổng Giám đốc Furama Đà Nẵng. Ông Vinh giải thích bản thân sinh viên phải có ý thức khi đi xin việc làm thêm. Những số điện thoại liên hệ luôn có trên website của các công ty hoặc đâu đó trên mạng. Vì vậy, sinh viên phải chủ động tìm hiểu, lục lọi thông tin để xin phỏng vấn chứ không thể thụ động chờ doanh nghiệp cung cấp đầu mối.
Đây là một trong những câu chuyện được chia sẻ trong buổi giao lưu diễn ra giữa các doanh nghiệp đang hoạt động tại Đà Nẵng với sinh viên khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Duy Tân diễn ra hôm nay (22-2). Ông Vinh cũng như đại diện một số doanh nghiệp cho rằng số lượng sinh viên ra trường năm nào cũng nhiều (thừa), nhưng lại thiếu về ý thức cũng như tác phong đi làm – điều cốt lõi mà các doanh nghiệp cần.
Ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc Công ty Nông trại Vui vẻ, chia sẻ hiện nay vẫn còn nhiều sinh viên đến năm 4 mới thực hiện việc phỏng vấn xin việc làm là quá muộn. “Có lẽ các bạn sinh viên còn e ngại về mặt kiến thức cũng như chưa định hướng được nghề nghiệp ở những năm đầu tiên”, ông Cường nói và cho biết thêm các bạn sinh viên khi còn ngồi trong ghế nhà trường cũng như mới ra trường không nên câu nệ việc đi làm đúng với chuyên môn mình học. “Học ngành A, đi làm ngành B và thành công ở ngành C là bình thường. Quan trọng là biết dấn thân”, ông Cường nói.
Sinh viên cần có kỹ năng làm việc, giao tiếp thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, theo các doanh nghiệp. Trong ảnh là một sinh viên đang làm thêm việc lễ tân tại một khách sạn ở Hội An. Ảnh: Nhân Tâm. |
Tại buổi giao lưu, các doanh nghiệp cũng nói về vấn đề ngoại ngữ của sinh viên mới ra trường và sinh viên đang làm việc thêm tại các doanh nghiệp. Ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, của các sinh viên rất yếu, khả năng giao tiếp kém. Đây là một cản trở khi xin việc làm, ông Huỳnh Tấn Vinh chia sẻ và cho biết thành thạo tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 là điều kiện thiết yếu để làm việc tại một thành phố du lịch như Đà Nẵng. Có cùng ý kiến về sự quan trọng của tiếng Anh, ông Phạm Nguyên Vũ, Giám đốc điều hành của Coco River Resort Hội An, cho hay hiện nay khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến miền Trung ngày càng nhiều. Nhiều người đã đổ xô đi học tiếng Hàn và tiếng Trung để phục vụ cho đối tượng này; tuy nhiên ông Vũ cảnh báo: “Đây chỉ là hình thức tạm thời. Trong vài năm nữa, những khách này không còn đến nữa thì sao? Vì vậy học tiếng Anh vẫn phải là giải pháp căn cơ.”
Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Tấn Thắng, Phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân, đã ký bản cam kết với 8 doanh nghiệp tại Đà Nẵng, trong đó, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ trường trong việc tư vấn và hỗ trợ việc làm cho tất cả sinh viên của trường.
Có 4.000 hướng dẫn viên người Hàn Quốc tại Đà Nẵng? Tại buổi giao lưu, ông Huỳnh Tấn Vinh đã đưa ra những con số làm nhiều người bất ngờ. Du lịch Đà Nẵng trong 5 năm qua tăng trưởng bình quân 15%/năm. Lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hơn 60% lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng hằng năm. Đặc biệt, hiện có 6.000 người Hàn Quốc đang sinh sống thường xuyên tại Đà Nẵng, trong đó 4.000 người làm nghề hướng dẫn viên. “Đây là một con số khủng và rất đáng báo động nếu thực tế đúng như vậy”, ông nói và cho biết điều này chứng tỏ nguồn nhân lực địa phương không đáp ứng điều kiện và cần phải cải thiện. |