Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sở giao dịch có đỡ nổi thị trường vàng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sở giao dịch có đỡ nổi thị trường vàng?

Lam Phong

Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) – Liệu thị trường vàng Việt Nam có thay đổi gì không nếu như các sở giao dịch vàng được ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới và trong nước biến động liên tục và đứng ở mức cao, gần đây đã xuất hiện một số đề xuất khác nhau về biện pháp ổn định thị trường kim loại quý này, trong đó giải pháp nổi lên là thành lập sở giao dịch vàng quốc gia. Cụ thể có hai phương án:

– Theo đề xuất gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sở giao dịch vàng sẽ hoạt động như sở giao dịch chứng khoán, đặt tại Hà Nội và TPHCM, nhà đầu tư sẽ mua bán vàng dưới dạng chứng chỉ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ lập ra một công ty cổ phần để theo dõi, điều hành các hoạt động của sở giao dịch vàng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để quản lý hoạt động kinh doanh này một cách chuyên nghiệp, hiện đại. Việc thành lập sở này sẽ giúp cho nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vàng một cách chính quy. Đồng thời, sở giao dịch vàng là nơi để cơ quan quản lý có thể giám sát, điều tiết thị trường vàng và có thể can thiệp thông qua giao dịch của sở.

– Vào đầu tháng 12, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng có đề xuất lập sở giao dịch vàng. Sở này hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước, các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu mua bán vàng sẽ đăng ký lưu ký và đặt lệnh mua bán thông qua hệ thống giao dịch tại sở. Theo đề án này, sở chỉ là nơi cung cấp địa điểm, dịch vụ cho hoạt động thanh toán và giao nhận vàng, không tham gia giao dịch. Các thành viên tham gia thị trường gồm hai loại tự doanh và môi giới. Đây là các ngân hàng hoặc doanh nghiệp kinh doanh vàng có uy tín, minh bạch trong kinh doanh. Sàn sẽ xây dựng hệ thống và quy định về giao dịch, hệ thống thanh toán cũng như các vấn đề về lưu trữ, vận chuyển và đảm bảo chất lượng vàng. Các vấn đề về quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trên thị trường cũng sẽ được quy định rõ.

Ngoài ra, TS. Lê Hồng Giang (chuyên gia tài chính đang công tác tại Úc) cũng từng đề xuất cho phép thành lập các quỹ giao dịch vàng trên thị trường chứng khoán để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới; giá vàng không ảnh hưởng lên tỷ giá mà không cần nhập vàng vật chất hoặc nhập rất ít. Ông cho rằng quỹ có một mục tiêu duy nhất là đảm bảo giá trị của quỹ tăng lên/giảm xuống đúng bằng giá vàng, do đó giá chứng chỉ quỹ cũng tăng/giảm theo giá vàng. Cách làm này sẽ chặn đứng các đợt đầu cơ vào giá vàng như vừa qua bởi khối lượng giao dịch vàng vật chất trong những thời điểm sốt vàng không đáng kể so với lượng vàng đang tồn tại trong nền kinh tế. Trung Quốc cũng làm theo cách này để ổn định giá vàng trong nước.

Còn nhớ, trước đây ACB và một số ngân hàng thương mại đã thành lập sàn giao dịch vàng, nhưng tình trạng bát nháo, nhiều rủi ro của các sàn giao dịch vàng đã buộc Chính phủ và NHNN phải quyết định đóng cửa. Riêng hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản đã bị ngưng từ cuối tháng 6-2010. Tuy nhiên, xu hướng vàng tăng giá khiến các “sàn vàng chui” vẫn nở rộ, nhiều sàn vàng sử dụng đòn bẩy tài chính để khuyến khích nhà đầu cơ, theo đó khách hàng chỉ cần ký quỹ một số tiền nhỏ là đã có thể mua hoặc bán 100-200 lượng vàng, một số sàn vàng còn giúp nhà đầu tư đăng ký tài khoản đánh trực tiếp ra nước ngoài thông qua thẻ Visa mở tại một ngân hàng trong nước với tỷ lệ đòn bẩy 1:500. Ngay cả Thông tư 22 ngày 29-10-2010 của NHNN quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng cũng không ổn định được thị trường vàng và giá vàng vẫn tăng cao.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới đang xu hướng tăng và những hoạt động đầu tư khác đang trồi sụt, nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này để kiếm lời.

Đối với thị trường Việt Nam, tiền đồng liên tục mất giá, sản xuất trong nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên lạm phát có nguy cơ tăng cao, làm tăng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Trong điều kiện đó, vàng và đô la Mỹ là phương tiện tích trữ ngoại hối chủ yếu, riêng vàng là hướng ưu tiên của người dân và trở thành đối tượng kinh doanh của các nhà đầu cơ. Ngoài ra, do khả năng cập nhật thông tin và mục tiêu mua vàng khác nhau, các đơn vị kinh doanh vàng cũng tác động đến giá vàng để tăng lợi nhuận, đây cũng là việc làm bình thường. Kết quả là giá vàng trong nước thường dao động mạnh hơn giá vàng thế giới.

Về bản chất, việc thành lập sở giao dịch vàng như các đề xuất nói trên là thay thế các “sàn vàng chui” hiện nay, nhưng khác với cổ phiếu chỉ có thể giao dịch trên thị trường chứng khoán với mục đích là kiếm lời, vàng là hàng hóa vật chất và việc mua bán có thể là tích trữ và kiếm lời. Hơn nữa, người mua vàng có thể không do dự về giá, còn hệ thống cửa hàng vàng trải khắp các vùng trong nước với nhiều phương thức kinh doanh khác nhau.

Việc thành lập sở giao dịch vàng chỉ giảm nhẹ một phần chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho sở giao dịch vàng là tính minh bạch, thời gian từ khi đặt lệnh đến khi khớp lệnh, quyền lợi của nhà đầu tư, cơ chế hoạt động, việc quản lý các cửa hàng kinh doanh vàng…

Nói ngắn gọn, sở giao dịch vàng như đề xuất trên đây có thể vận hành trong điều kiện nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh với các quy định pháp lý rõ ràng và có hiệu lực thật sự; hoặc chí ít là Nhà nước phải quản lý được hoạt động kinh doanh vàng trên toàn quốc. Đây chính là những yếu tố mà Việt Nam chưa thể có được.

Với những lý do nêu trên, thị trường vàng Việt Nam có thể vẫn chưa có gì thay đổi kể cả sau khi thành lập sở giao dịch vàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới