Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sở hữu chéo không chỉ ở ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sở hữu chéo không chỉ ở ngân hàng

Bình An

Sở hữu chéo không chỉ ở ngân hàng
Ngành mía đường đang chứng kiến những thương vụ mua bán - sáp nhập đình đám. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) - Không thu hút sự chú ý của dư luận nhiều như ngành ngân hàng nhưng vấn đề sở hữu chéo tại các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác cũng đang diễn ra khá mạnh mẽ và phức tạp. Tuy vậy, cần có cái nhìn đa chiều về vấn đề này. 

Những ví dụ điển hình

Gần đây, ngành mía đường khuấy động báo chí với thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám giữa Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (mã BHS) cùng một đối thủ khác trong ngành là Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa (mã NHS). Có nhiều nguyên nhân giúp thương vụ trên dễ dàng thành công như BHS muốn tận dụng nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ ổn định của NHS.

Dự kiến sau sáp nhập, BHS sẽ có vùng nguyên liệu tăng gấp đôi, lên 23.500 héc ta, lớn nhất cả nước. Đây là lợi thế rất lớn, bởi vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn với các công ty nông nghiệp, đồng thời giúp nâng cao năng suất ép mía và giảm chi phí tối đa.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện M&A giữa BHS và NHS nói riêng cũng như trong mạng nhện sở hữu chéo chằng chịt trong ngành mía đường nói chung, người ta còn thấy vai trò chi phối rất lớn của một cái tên không hề xa lạ: tập đoàn Thành Thành Công do gia đình ông Đặng Văn Thành sáng lập.

Công ty này cùng với các thành viên của gia đình họ Đặng hiện đang đầu tư vào gần 20 công ty đường khác nhau, trong đó nổi bật là những cái tên trên sàn chứng khoán như Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Đường Biên Hòa (BHS), Đường Ninh Hòa (NHS) và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC). Bốn công ty này chiếm khoảng 81% giá trị vốn hóa của các công ty ngành đường hiện đang niêm yết trên sàn.

Đối với ngành thủy sản, trong vài năm gần đây, người ta cũng thường nhắc đến quan hệ sở hữu chéo của Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG) với các công ty khác trong ngành như Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang Agifish (chiếm 74,89%); Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (41,76%); Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Tắc Vân (25%) và Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (trước khi bị PAN thế chỗ).

Muốn giảm sở hữu chéo, về cơ bản, phương pháp hiệu quả nhất là thúc đẩy các hoạt động M&A giống như những gì ngành ngân hàng và ngành mía đường đã và đang làm.

Không những có các mối liên kết sở hữu chéo với các công ty cùng ngành, HVG mới đây còn liên tục mua cổ phần của Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Thắng nhằm hoàn tất chuỗi sản xuất khép kín.

Trong ngành xây dựng, mạng nhện sở hữu chéo cũng thể hiện rất rõ qua cơ cấu cổ đông của các thành viên thuộc “họ” dầu khí hay “họ” sông Đà. Ví dụ điển hình là trường hợp của PVX khi công ty này sở hữu một loạt công ty cùng ngành như PVA, PFL, PTL, PVV, PVL... Đáng tiếc là tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này trong ba năm qua đều rất khó khăn, có doanh nghiệp thua lỗ ba năm liên tiếp và vốn chủ sở hữu bị âm (PVA). Hay như tập đoàn Sông Đà sở hữu cổ phần chi phối tại các công ty con như SD5, SD6, SD10, SJS nhưng bản thân các công ty con cũng sở hữu lẫn nhau như SD5, SD6, SD10 cùng có cổ phần tại SJS.

Tốt hay không tốt?

Nếu như vấn đề sở hữu chéo đối với hệ thống các tổ chức tín dụng đã mang đến không ít hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống và thường được dư luận nhìn nhận dưới góc độ tiêu cực thì sở hữu chéo đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác chưa hẳn là tiêu cực. Đặc biệt, trong giai đoạn mà cả nền kinh tế, các ngành nghề và bản thân các doanh nghiệp đứng trước áp lực phải tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh thì đôi khi sở hữu chéo lại giúp nâng cao mức độ tích tụ vốn và cơ cấu cổ đông, tạo thuận lợi cho các kế hoạch tái cấu trúc.

Đơn cử như ngành mía đường, hiện đang đứng trước thách thức rất lớn vì từ ngày 1-1-2015, đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0% (từ mức 5% hiện nay) theo Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Ngoài ra, các biện pháp bảo hộ bằng cấp hạn ngạch cũng sẽ phải gỡ bỏ để đáp ứng nhu cầu hội nhập. Với thực trạng sản xuất manh mún, năng suất cây mía thấp, hệ thống phân phối chịu sự thao túng của các đại lý, siêu thị, giá đường bán lẻ đến tay người tiêu dùng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa hiện đều ở mức rất cao, cao hơn đường cùng loại nhập từ Thái Lan khoảng 2.000-3.000 đồng/ki lô gam (tương đương 15%). Các doanh nghiệp mía đường cần có vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất quy mô lớn mới mong hạ giá thành sản phẩm. Tập đoàn Thành Thành Công hiểu rất rõ điều này và đã thông qua một loạt “nước cờ” như mua cổ phần, M&A tại SBT, BHS, NHS, SEC. Nếu nói không quá thì hiện gia đình họ Đặng đang “độc diễn” trên thị trường đường, ít nhất là tại khu vực phía Nam.

Chính nhờ lợi thế về sở hữu chéo, các quyết định của Thành Thành Công liên quan đến việc M&A các doanh nghiệp cùng họ mía đường mới diễn ra nhanh chóng và dễ dàng như vậy. Cũng phải nói thêm rằng, sau khi phải rời khỏi Sacombank, gia đình họ Đặng giờ chỉ dồn sức cho “mặt trận” mía đường. Cho dù vai trò chi phối của Thành Thành Công trên thị trường đường về lâu dài có thể mang đến nguy cơ độc quyền, lũng đoạn giá bán nhưng trước mắt, ngành mía đường Việt Nam cần phải có các doanh nghiệp đủ lớn, đủ sức cạnh tranh trước mối lo từ bên ngoài khi cánh cửa hội nhập đang dần mở rộng.

Trường hợp của HVG trong ngành thủy sản cũng vậy, việc sở hữu chéo tại các công ty thủy sản cùng ngành đã giúp HVG mở rộng quy mô, chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu mới. Hơn thế nữa, chuỗi sản xuất khép kín cũng mang đến lợi thế không nhỏ cho HVG với sự gia nhập của công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, tránh sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.

Tuy vậy, mạng nhện sở hữu chéo cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khi không ít các khoản thua lỗ nằm ở các nhóm công ty có mối quan hệ “họ hàng” với nhau. Trước hết, đối với bản thân các doanh nghiêp, sở hữu chéo có thể dẫn tới các giao dịch bất hợp lý, phi thị trường, không thuần túy phục vụ cho hoạt động kinh doanh mà chỉ nhằm chuyển giá, trốn thuế. Công tác quản trị tại các doanh nghiệp vì vậy cũng trở nên kém minh bạch, giảm sức hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư. Ở góc độ quản lý, sở hữu chéo có thể dẫn đến nguy cơ lũng đoạn, thao túng thị trường.

Trên thị trường chứng khoán, đã có không ít các đợt tăng vốn ảo của các công ty niêm yết bằng cách phát hành riêng lẻ cho các công ty có cùng quan hệ sở hữu chéo hay giá cổ phiếu dễ dàng bị thao túng khi cơ cấu cổ đông tại một vài doanh nghiệp  khá “cô đặc” (do sở hữu lẫn nhau) khiến lượng cổ phiếu trôi nổi ở bên ngoài rất ít. Đây vốn là đặc điểm yêu thích hàng đầu của các “đội lái”. Ngoài ra, sở hữu chéo cũng mang đến rủi ro hệ thống khi chỉ cần một mắt xích trong hệ thống gặp trục trặc thì cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng liên đới. Câu chuyện PVX nhiều năm nay thua lỗ do phải gánh các khoản thu khó đòi từ các công ty con, điển hình là PVA là một ví dụ tiêu biểu cho loại rủi ro này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới